Theo đó, Kết luận Thanh tra chỉ rõ 9 dự án của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên thực hiện có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai.
Cụ thể, có 5 dự án do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng (Công ty Lã Vọng) và các đơn vị thành viên thực hiện làm chủ đầu tư, 3 dự án do Công ty Lã Vọng và đơn vị thành viên hợp tác đầu tư và 1 dự án Công ty Lã Vọng thuê mặt bằng kinh doanh.
Có thể thấy Công ty Lã Vọng đã “thâu tóm” nhiều khu đất “vàng” theo hình thức BT, cổ phần hóa hoặc chuyển đổi mục đích. Đáng chú ý, hầu hết các dự án được chỉ định mà không thông qua đấu giá công khai đã vi phạm quy định của pháp luật.
Tại Dự án Cải tạo và xây dựng Hệ thống cống nối hồ Vục - hồ Đầu Băng – hồ Tư Đình, Thanh tra Chính phủ xác định việc chậm giải phóng mặt bằng do chậm điều chỉnh dự án đầu tư và xử lý phần GPMB trùng lắp, dẫn đến dự án BT chậm không có cơ sở xác định khối lượng xây dựng và giá trị của dự án BT, để làm căn cứ xác định giá trị hợp đồng BT.
Dự án này được thành phố Hà Nội đối ứng bằng khoảng 14ha đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở tại khu đô thị Tây Nam đường 70 thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm cho Công ty Lã Vọng.
Đối với Dự án trụ sở làm việc (cơ sở 2) và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại tại Xa La (phường Phúc La, quận Hà Đông), đây là dự án do Công ty Sông Nhuệ và Công ty Ngôi nhà mới thực hiện
Việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án là phù hợp quy định. Tuy nhiên, dự án chưa quyết toán để xác định tài sản nhà nước và việc phân chia lợi nhuận theo thỏa thuận.
Liên quan đến Dự án tại ô đất DX1, DX2, DX3, DX4, CX2, CX1 Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), Thanh tra Chính phủ phát hiện Hà Nội khi lựa chọn nhà đầu tư không thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, giao dự án không thông qua đấu giá là vi phạm Luật đất đai. UBND TP Hà Nội không tính đơn giá sử dụng đất phần xây dựng sai quy hoạch làm tăng hệ số sử dụng đất. Sở Tài chính căn cứ vào kết quả kiểm toán giá trị đầu tư hạ tầng toàn khu đô thị năm 2012 để tính xuất đầu tư hạ tầng phải nộp cho năm 2016 là không có sở sở; UBND TP Hà Nội điều chỉnh, bổ sung chức năng dịch vụ công cộng là không phù hợp với quy hoạch.
Còn tại Dự án Khu nhà ở cao cấp tại Khu đô thị Quốc Oai, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc giao 27,5 ha đất để doanh nghiệp xây dựng khu nhà ở cao cấp không thông qua đấu thầu là vi phạm quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính thống nhất đề xuất việc xác định giá đất theo phương pháp thặng dư, thì tổng chi phí phát triển bao gồm cả chi phí dự phòng; đối với chi phí khác, Bộ Xây dựng đề xuất: Căn cứ loại, cấp công trình, thời điểm lập tổng mức đầu tư, khu vực xây dựng cụ thể để bổ sung các chi phí cho phù hợp.
Đối với Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6, Thanh tra Chính phủ kiến nghị rà soát lại toàn bộ quỹ đất được đề xuất dùng làm quỹ đất đối ứng dự án BT để đưa vào đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn để thực hiện dự án đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Trường hợp UBND TP Hà Nội vẫn tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT thì phải thực hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức BT, tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), Thanh tra Chính phủ kiến nghị Hà Nội phải chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai kiểm tra các hộ dân lấn chiếm để giải phóng mặt bằng dự án; xử lý theo pháp luật các hộ, cá nhân lấn chiếm, mua bán, xây dựng không phép. Việc năm 2011, TP Hà Nội giao đất không qua đấu giá là vi phạm quy định tại nghị định 90/2006/NĐ-CP.
Những sai phạm trên trước hết trách nhiệm thuộc về Công ty Lã Vọng, UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và các đơn vị khác. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư được “điểm danh” trách nhiệm ở hầu hết các sai phạm nêu trên trong việc tham mưu không đúng quy định pháp luật dẫn tới nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Ngay sau khi có Kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngày 10/1/2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc xử lý sau Thanh tra đối với sai phạm tại các dự án của Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên cũng như xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật.
Qua đó, yêu cầu UBND TP Hà Nội tổ chức thực hiện xử lý ngay theo Kết luận thanh tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các nội dung nêu trên trước ngày 1/4/2020.
Để làm rõ vấn đề trên, ngày 22/7/2022, PV đã liên hệ đặt lịch làm việc đến UBND TP Hà Nội và Công ty Lã Vọng, tuy nhiên thay vì phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định thì Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội - đơn vị được UBND TP Hà Nội giao làm đầu mối làm việc với PV đã có văn bản ‘né’ trả lời báo chí.
Tại văn bản số 3643/KHĐT-ĐT, ngày 8/8/2022 của Sở KH&ĐT TP Hà Nội gửi Báo Nhà báo & Công luận đã dẫn lại nội dung trong tôn chỉ, mục đích của Báo Nhà báo & Công luận và cho rằng trong nội dung Báo Nhà báo & Công luận đề cập thuộc lĩnh vực “quản lý đầu tư, xây dựng, giao thông, đất đai, nhà ở và môi trường” để từ chối cung cấp cung cấp thông tin cho PV.
Có thể thấy, văn bản phản hồi của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội với Báo Nhà báo & Công luận là không thuyết phục, bởi những thông tin mà PV tìm hiểu liên quan trực tiếp đến kết quả xử lý sai phạm, tiêu cực sau thanh tra.
Qua thông tin PV báo nắm được, đến cuối tháng 7/2022 UBND TP Hà Nội vẫn chưa chỉ đạo, khắc phục xong theo kết luận của Thanh tra Chính phủ
Về phía Công ty Lã Vọng, sau khi nhận được nội dung làm việc từ phía Báo Nhà báo & Công luận, đơn vị này đã có phản hồi về kết quả thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Đại đại diện Công ty Lã Vọng cho biết, công ty đã khắc phục tại 9 dự án nêu trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, tuy nhiên hiện tại còn một số hạng mục thuộc một số dự án đang chờ chỉ đạo tiếp theo của UBND thành phố Hà Nội.
Như vậy, sau hơn 2 năm Kết luận của Thanh tra chính phủ có hiệu lực đến nay những sai phạm của Công ty Lã Vọng vẫn chưa được Hà Nội xử lý khắc phục xong. Những đơn vị, tổ chức, cá nhân bị điểm mặt trong kết luận cũng chưa thấy Hà Nội công bố về xử lý trách nhiệm. Những sai phạm của Công ty Lã Vọng được dư luận đặc biệt quan tâm nên việc xử lý kịp thời, dứt điểm những sai phạm trên cần phải được công bố rộng rãi cho người dân được biết.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nhieu-noi-dung-trong-ket-luan-thanh-tra-chinh-phu-ve-cong-ty-la-vong-thau-tom-dat-vang-van-dang-treo-372945.html