Sai phạm tại Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình: Nỗi đau của ngành thể thao

20 năm qua, nhắc đến tiêu cực trong bóng đá Việt Nam, người ta chỉ nhắc đến bán độ, dàn xếp tỷ số của các HLV và cầu thủ bóng đá. Vậy nên, sai phạm trong quản lý dẫn đến khoản nợ thuế lên đến hơn 800 tỷ đồng xoay quanh Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình có thể xem là “điểm nóng” nhức nhối trong lịch sử thể thao Việt Nam.

“Hạ cánh” không có nghĩa  là an toàn

Câu chuyện Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình nợ thuế khoảng 850 tỷ đồng đã được nhắc đến trong nhiều tuần, nhiều tháng và thậm chí là nhiều năm qua. Thậm chí, những sai phạm xoay quanh việc điều hành Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình đã được báo chí phản ánh trong vài năm trở lại đây.

Mới nhất, Chủ tịch Hội đồng kỷ luật là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao  – ông Trần Đức Phấn đã ký giấy triệu tập ông Cấn Văn Nghĩa để xem xét kỷ luật vào ngày 14/9 tới tại Hà Nội. Cần nói thêm, ông Nghĩa chính là nguyên Giám đốc Khu liên hợp thế thao Quốc gia Mỹ Đình.

khu-lien-hop-the-thao-quoc-gia-my-dinh-dang-gong-khoan-no-thue-len-den-hon-800-ty-dong-1662776666.jpeg
Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình đang gồng khoản nợ thuế lên đến hơn 800 tỷ đồng.

Tổng cục TDTT đã ra giấy triệu tập trên để họp xem xét xử lý kỷ luật viên chức cá nhân với nguyên Giám đốc Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình dựa theo: Căn cứ kết luận số 106/KL-TTCP (ngày 11/5/2021) của Thanh tra Chính phủ về việc thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình; Kế hoạch số 244/KH-TCTDTT (ngày 14/9/2021) của Tổng cục Thể dục Thể thao kiểm điểm trách nhiệm về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình, Quyết định số 227/QĐ-TCTDTT (ngày 25/2/2022) của Tổng cục Thể dục Thể thao về thành lập Hội đồng kỷ luật xem xét xử lý ông Cấn Văn Nghĩa.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm điểm làm rõ trách nhiệm có liên quan đến các sai phạm, vi phạm của Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình; chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tập thể lãnh đạo, xử lý kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, chuyên viên chuyên quản lý Khu liên hợp thể thao Quốc gia của Vụ Kế hoạch, Tài chính, Văn phòng Bộ (theo từng thời kỳ) có liên quan tới các sai phạm, khuyết điểm.

Tổng cục TDTT tổ chức kiểm điểm làm rõ và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân lãnh đạo theo từng thời kỳ có liên quan; chỉ đạo Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, đồng thời xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với Giám đốc Khu liên hợp thể thao Quốc gia, Phó Giám đốc theo từng thời kỳ giai đoạn 2009-2018 có liên quan.

Một chi tiết quan trọng nữa là cơ quan Thanh tra yêu cầu phải thu hồi nhiều khoản tiền. Tuy nhiên đến tháng 9/2021, ông Cấn Văn Nghĩa mới nộp lại số tiền 300 triệu đồng. Còn ông Nguyễn Việt Tiến, nguyên Phó Giám đốc nộp số tiền 100 triệu đồng.

Cơ quan Thanh tra cũng mới thu hồi được từ Công đoàn Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình giai đoạn 2009-2018 tổng số tiền trên 1 tỷ đồng và thu hồi từ Phòng quản lý Cung thể thao dưới nước giai đoạn 2009-2018 số tiền 1,7 tỷ đồng. Con số này bị xem là muối bỏ biển so với tổng số tiền thuế nợ chưa nộp ngân sách của Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình, tính tới trước ngày 31/7/2022 là hơn 855 tỷ đồng. Cụ thể: tiền thuế và các khoản thu khác tính tới ngày 31/7 là hơn 749 tỷ, tiền chậm nộp là 376 tỷ và tiền thuế nợ phát sinh trong tháng 7 là 11,6 tỷ đồng.

Quýt làm, cam chịu

Những sai phạm tại Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình và các khoản nợ này diễn ra ở giai đoạn 2009 - 2018, trong thời gian mà ông Cấn Văn Nghĩa làm giám đốc. Ông Nghĩa đã nghỉ hưu từ năm 2018 và giám đốc hiện tại là ông Nguyễn Trọng Hổ.

Những sai phạm nghiêm trọng, các khoản nợ khổng lồ do nhiệm kỳ trước để lại đã khiến đời sống của cán bộ nhân viên tại Khu liên hợp thể thao Quốc gia đối mặt với rất nhiều khó khăn. Việc khai thác, sử dụng khu Khu liên hợp thể thao Quốc gia cũng bị ảnh hưởng lớn.

Một lãnh đạo của Khu liên hợp thể thao Quốc gia trần tình: “Có 3 vấn đề trọng tâm cần được bàn bạc để cùng giải quyết, nhưng không phải vấn đề nào cũng xử lý được ngay. Ví dụ đối với những hợp đồng không có thời hạn, được ký từ thời lãnh đạo cũ của khu liên hợp, hiện vẫn chưa đòi được thuế từ các doanh nghiệp. Thứ hai là việc sử dụng cơ sở vật chất hiện có của khu liên hợp. Nên thí điểm mô hình cho thuê cơ sở vật chất bằng cách xây dựng đề án riêng (thuê sân Mỹ Đình), không đặt chung vào đề án sử dụng tài sản công của cả khu liên hợp vì đề án chung này quá rộng và rất khó để thực hiện ngay.

Vấn đề thứ ba là các cấp có thẩm quyền cho phép khu liên hợp được khai thác thông qua việc ký các hợp đồng mới để đơn vị có tiền duy tu bảo dưỡng sân, trả lương cho cán bộ công nhân viên. Không có bất kỳ nguồn thu nào thì sân Mỹ Đình sẽ rơi vào tình trạng xuống cấp, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Chúng tôi cũng đề nghị khu liên hợp có văn bản đề xuất với cơ quan thuế được xuất hóa đơn lẻ. Việc đề xuất này là được phép, không có gì sai trái cả. Nếu được xuất hóa đơn lẻ, khi có nguồn thu từ thuê sân, khu liên hợp có nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ”.

Gần đây, lãnh đạo Khu liên hợp thể thao Quốc gia đã gửi văn bản lên Tổng cục Thể dục Thể thao để xin lại cơ chế chỉ tự chủ tài chính 30% thay vì 100% như hiện tại. Đại diện lãnh đạo của khu liên hợp cho rằng nếu không tạo cơ chế để Khu liên hợp thể thao quốc gia cho thuê các dịch vụ thì không có tiền trả cho nhân viên, không có tiền duy trì hoạt động của khu liên hợp. Lãnh đạo Khu liên hợp đề nghị Nhà nước phân bổ ngân sách 70% để duy trì hoạt động, tương đương với việc mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ phải cấp cho đơn vị này từ 15 đến 20 tỉ đồng.

Sai phạm của ông Cấn Văn Nghĩa

Theo cơ quan chức năng, trong thời kỳ giữ chức giám đốc khu liên hợp, ông Cấn Văn Nghĩa (về hưu năm 2018) đã không làm đúng nhiều quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng tài sản công. Khu liên hợp đã vi phạm nguyên tắc về quản lý sử dụng đất khi cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, văn phòng dưới hình thức hợp đồng cho thuê mặt bằng có thời gian 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Nhưng bản chất là cho thuê mặt bằng dài hạn. Mặt khác, các hợp đồng cho thuê đất đều quy định doanh nghiệp không được cho thuê lại nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều cho thuê lại với giá cao gấp 3 lần giá thuê của khu liên hợp. Năm 2018, khu liên hợp ký hợp đồng với 17 doanh nghiệp nhưng có tới 144 doanh nghiệp sử dụng mặt bằng đất.

Theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tài sản công, việc khu liên hợp sử dụng đất để cho thuê mặt bằng thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất. Tuy nhiên, khu liên hợp chỉ thu tiền cho thuê mặt bằng mà không thu tiền thuê đất của các doanh nghiệp.

Link nội dung: https://biztoday.vn/sai-pham-tai-khu-lien-hop-the-thao-quoc-gia-my-dinh-noi-dau-cua-nganh-the-thao-373362.html