Quảng Ngãi: Mạnh tay tạm ứng nghìn tỷ cho nhà thầu, dự án vẫn ì ạch dở dang

Nhiều chủ đầu tư tại Quảng Ngãi cho nhà thầu tạm ứng tiền tỷ nhưng khối lượng thi công thấp, dẫn đến nợ tạm ứng nghìn tỷ đồng.

"Bơm tiền" cho thi công, dự án vẫn gặp vướng mắc

Tìm hiểu PV, năm 2019, để đảm bảo phương tiện lưu thông thuận lợi vào Nhà máy xử lý rác Đồng Nà (xã Tịnh Thiện, TP Quảng Ngãi), UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mở rộng tuyến đường liên xã vào nhà máy rác này với chiều dài gần 4km, tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, giao UBND TP Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.

Đặc biệt, để đảm bảo mục tiêu thực hiện dự án từ 2019-2020, Ban QLDA Đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP Quảng Ngãi (đơn vị triển khai dự án) "rộng tay" cho các đơn vị thi công tạm ứng hơn 14 tỷ đồng, bằng gần 50% tổng chi phí xây lắp (30 tỷ đồng trong tổng số 40 tỷ tổng mức đầu tư).

du-an-duong-tri-binh-dung-quat-1662916606.jpg

Dự án đường Trì Bình-Dung Quất là một trong số những dự án có dư nợ tạm ứng gần 9 tỷ đồng và nợ quá hạn hơn 1,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, gần 4 năm sau khi khởi động dự án và 2 năm trễ hạn hoàn thành, đến nay dự án vẫn thi công dang dở.

Ghi nhận của PV dọc tuyến đường này chỉ một số đoạn được mở rộng, thảm nhựa, còn lại vướng mắc mặt bằng "xôi đỗ", phương tiện lưu thông khó khăn trên nền mặt đường hiện hữu.

Dự án không thể cán đích, trong khi các nhà thầu không thể triển khai, giải ngân, "tiêu không hết" tiền tạm ứng, khiến món nợ quá hạn này lên đến 13,5 tỷ đồng.

Đây chỉ là một trong số nhiều dự án lớn của Quảng Ngãi lâm cảnh thi công dang dở, nhà thầu nợ tiền tỷ tạm ứng.

Điển hình sau nhiều năm triển khai dự án xây dựng Khu đô thị mới phục vụ tái định cư khu Đê Bao giai đoạn 2 do UBND TP Quảng Ngãi làm chủ đầu tư vẫn chưa thể hoàn thành, kéo theo nhiều hệ lụy.

Không chỉ chưa đảm bảo việc tái định cư cho người dân phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi nằm trong quy hoạch chỉnh trang đô thị, các nhà thầu lâm nợ tiền tạm ứng hơn 26,5 tỷ đồng.

Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất TP Quảng Ngãi, để triển khai dự án này, chủ đầu tư đã tạm ứng hơn 28 tỷ đồng cho các nhà thầu. Nhưng dự án vẫn không thể triển khai hoàn thiện.

Tương tự hiện trường dự án đường Chu Văn An và Khu dân cư phía nam đường Hai Bà Trưng (TP.Quảng Ngãi) sau nhiều năm thi công vẫn ngổn ngang, nhếch nhác.

Phương tiện qua đây phải lưu thông trên những đoạn đường đổ cấp phối, thậm chí nền mặt đường cũ xuống cấp, mất ATGT. Trong đó, chủ đầu tư thành "chủ nợ" vì đã cho các nhà thầu tạm ứng hơn 31 tỷ đồng. Nhưng đến nay không có khối lượng triển khai để quyết toán.

du-an-duong-chu-van-an-1662916633.jpg

Dự án đường Chu Văn An ngoài khoản nợ tạm ứng quá hạn hơn 13,3 tỷ đồng thì nhiều năm qua công trình này "treo" khiến giao thông qua khu vực rất khó khăn.

Theo đại diện chủ đầu tư các dự án, nguyên nhân dẫn đến dư nợ tạm ứng là các nhà thầu không thể triển khai thi công do vướng công tác bồi thường, GPMB. Tình trạng vướng mắc "xôi đỗ" khiến các dự án thi công đứt quãng, khối lượng triển khai không nhiều dẫn đến hồ sơ quyết toán ít và "không thể tiêu hết" tiền tạm ứng. Về nguyên tắc khi nhà thầu có khối lượng triển khai thì chủ đầu tư sẽ nghiệm thu, giải ngân, trừ vào tiền tạm ứng.

Chỉ tính riêng các dự án trên địa bàn TP Quảng Ngãi, thống kê của Sở Tài chính cho thấy, đến cuối tháng 6/2022, số dư nợ UBND TP Quảng Ngãi tạm ứng cho nhà thầu lên đến hơn 74 tỷ đồng, trong đó dư nợ tạm ứng quá hạn hơn 72 tỷ đồng.

​Trong khi đó, tại huyện đảo Lý Sơn khoản dư nợ tạm ứng cũng cán mốc con số hơn 103 tỷ đồng. Tại BQL Khu kinh tế Dung Quất, con số dư nợ tạm ứng lên đến hơn 133,5 tỷ đồng, trong đó, nợ quá hạn hơn 33,5 tỷ đồng, gồm các công trình như: dự án đường Trì Bình Dung Quất, đường Bình Long-Cảng Dung Quất, kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ cứu nạn đập Cà Ninh, đường Liên cảng Dung Quất, đường giao thông trục chính bắc nam nối đô thị Vạn Tường…

Quyết liệt thu hồi, cắt thưởng đơn vị không thực hiện

Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết đang tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị chức năng rà soát, khẩn trương thu hồi tiền nợ tạm ứng cho xây dựng quá hạn.

du-an-ke-chong-sat-lo-ket-hop-duong-cuu-ho-cuu-nan-dap-ca-ninh-1662916666.jpg

Dự án Kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ cứu nạn đập Cà Ninh không những vướng vào nợ tạm ứng mà dự án này còn mắc phải các sai phạm được Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chỉ đạo các chủ đầu tư, địa phương, Kho bạc nhà nước nghiêm túc việc thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định hiện hành.

Người đứng đầu UBND tỉnh yêu cầu triển khai rốt ráo công tác GPMB, bàn giao công địa cho các dự án thi công để đảm bảo hồ sơ quyết toán. Tỉnh rà soát, phân loại các trường hợp dư nợ tạm ứng do vướng mắc cơ chế tái định cư, hay công tác GPMB... Các đơn vị xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra nợ tạm ứng quá hạn và đề xuất hướng xử lý dứt điểm.

“Đề nghị Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư, Ban QLDA thực hiện công tác thu hồi tạm ứng và tạm ứng quá hạn đúng thời gian quy định.

Trên cơ sở số liệu báo cáo và đề xuất của Kho bạc Nhà nước tỉnh về tình hình tạm ứng và tạm ứng quá hạn, giao Sở Tài chính chủ động theo dõi, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời theo đúng quy định.

Đồng thời, giao Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh) rà soát, tổng hợp, không tham mưu UBND tỉnh xét khen thưởng hàng năm đối với tập thể, người đứng đầu và các cá nhân liên quan đến nội dung nêu trên”, ông Minh chỉ đạo.

Theo Sở Tài chính, không chỉ TP Quảng Ngãi, KKT Dung Quất, việc dư nợ tạm ứng xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Như tại huyện Nghĩa Hành dự nợ tạm ứng gần 29 tỷ đồng, huyện Bình Sơn dư nợ tạm ứng hơn 48 tỷ đồng, đứng đầu sổ là Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi hơn 408 tỷ đồng…

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến cuối tháng 6/2022, dư nợ tạm ứng triển khai các dự án của toàn tỉnh lên con số hơn 1.103 tỷ đồng, trong đó dư nợ tạm ứng quá hạn hơn 165 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, luật sư, căn cứ quy định hiện hành của Luật Đầu tư công, việc các chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách đồng ý cho các nhà thầu tạm ứng số tiền từ 30-50% trong tổng vốn xây lắp dự án là không sai, nhưng nếu để kéo dài tình trạng nợ tạm ứng dẫn đến lãng phí nguồn lực ngân sách, sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả, trong khi nhiều địa phương thiếu tiền để phát triển kết cấu hạ tầng, cả ngàn tỷ đồng vốn ngân sách lại "chôn" vào các dự án và không có khối lượng để giải ngân.

Link nội dung: https://biztoday.vn/quang-ngai-manh-tay-tam-ung-nghin-ty-cho-nha-thau-du-an-van-i-ach-do-dang-374290.html