Đó là nội dung trao đổi của gia đình anh V.X.S có địa chỉ tại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc với phóng viên mới đây.
Như thông tin Diễn đàn Doanh nghiệp đã đăng tải trong loạt bài: Cảnh báo đa cấp bất động sản, do tin lời “mật ngọt” đầu tư vào Công ty Cổ phần Bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam) để hưởng lợi nhuận cao theo ngày, gia đình anh V.X.S ở Vĩnh Phúc đứng trước nguy cơ tan vỡ, toàn bộ số tiền tiết kiệm cũng có thể sẽ “không cánh mà bay”…
Cụ thể, theo nội dung lá đơn cầu cứu khẩn cấp, tin theo lời “mật ngọt” từ một đối tượng có tên Phương tại Công ty Nhật Nam – Văn phòng đại diện tại Vĩnh Phúc (địa chỉ tại Nhà S5, khu đô thị Chùa Hà Tiên, phường Liên Bảo, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Anh V.X.S. đã dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình là 200 triệu đồng, cùng 300 triệu đồng đi vay mượn từ người thân để đầu tư vào Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam). Ngày 30/6/2022, tin tưởng và làm theo hướng dẫn của người có tên Phương, anh S. đã chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản 8366686888 được cho là của Công ty Nhật Nam tại ngân hàng ACB, mà không hề ký vào bất cứ giấy tờ cũng như bản hợp đồng nào.
Đáng nói, sau một tuần kể từ khi chuyển khoản đầu tư thì biến cố bất ngờ xảy ra khi gia đình cần một khoản tiền lớn để phẫu thuật cho con trai, không còn cách nào xoay sở, anh V.X.S. đành tìm chị Phương và Công ty Nhật Nam xin rút khoản tiền đã đầu tư, thế nhưng lúc này công ty Nhật Nam bỗng “trở mặt”.
“Công ty nói, nếu tôi hủy hợp đồng thì sẽ phải chịu khoản phí phạt là 30% tổng số tiền đã đầu tư cùng toàn bộ số tiền được đã hưởng 7 ngày qua. Tôi choáng váng, vậy là toàn bộ số tiền tiết kiệm của vợ chồng tôi bao nhiêu năm qua sẽ không cánh mà bay, mấy ngày nay vợ chồng thường xuyên cãi vã, gia đình đứng trước nguy cơ tan nát”, anh V.X.S. ngậm ngùi chia sẻ.
Chiều ngày 8/7/2022, phóng viên trong vai là một người thân của anh V.X.S tìm đến trụ sở Công ty Nhật Nam có địa chỉ tại 79-81 đường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội để tìm hiểu thông tin về việc xin “dừng đầu tư” của anh V.X.S.
Tiếp chúng tôi tại một phòng khách lộng lẫy của một lãnh đạo có tên “Mr Đức” (Theo bảng tên trong phòng làm việc là Nguyễn Văn Đức – Thành viên Ban chiến lược – PV), sau khoảng 2 giờ đồng hồ, có 5 nhân vật lần lượt được giới thiệu là các “cổ đông lớn”, lãnh đạo bộ phần truyền thông, cố vấn dự án, cố vấn Công ty lần lượt đến “hỏi thăm”, thuyết phục anh V.X.S. tiếp tục đầu tư và cảnh báo “nếu dừng sẽ bị phạt 30% tổng số tiền đã đầu tư”.
Sau nhiều giờ “thuyết phục” không thành, lúc này một nhân vật được cho là “Mr Đức” mới xuất hiện và thẳng thắn, “thế thì cứ đúng theo quy định mà làm, anh chị mang đơn xuống bộ phận pháp chế”, người này nói, đồng thời cử một “cán bộ cao cấp” của công ty dẫn đi.
Tuy nhiên, chúng tôi phải đi “lòng vòng” mất 15 phút mới tìm đến được một phòng làm việc được cho là “phòng pháp chế”. Khi phóng viên thắc mắc, vì sao là một “cán bộ cao cấp” ở Công ty Nhật Nam lại không biết phòng pháp chế ở đâu? Nhân vật này trả lời, “ chưa được làm việc với bộ phận này bao giờ”. Đáng chú ý, tại phòng làm việc này, có 2 nhân viên được cho là nhân viên kế toán kiêm pháp chế cho công ty tiếp nhận đơn kiến nghị của gia đình anh V.X.S, đồng thời yêu cầu gia đình cung cấp hợp đồng để tính phạt 30% giá trị tổng số tiền đã đầu tư.
“Tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo trường hợp này và sẽ thông tin lại sau”, một nữ nhân viên nói.
Ngày 06/9/2022 vừa qua, trao đổi với phóng viên, anh V.X.S cho biết, đại diện Công ty Nhật Nam đã liên hệ và thỏa thuận sẽ không phạt, đồng thời trả lại toàn bộ số tiền đã đầu tư bởi được “ưu tiên” vì chưa chính thức ký hợp đồng.
“Tuy nhiên, họ ra điều kiện rằng, tôi phải viết một lá đơn kiện Tòa soạn Diễn đàn Doanh nghiệp lấy lý do đã phản ánh không chính xác. Do tôi không đồng ý nên họ phạt tôi 50 triệu đồng, tương đương 10% số tiền đã đầu tư.”, anh V.X.S chia sẻ.
Đáng chú ý, tưởng như chấp nhận “mất của” là xong chuyện, mới đây, gia đình anh V.X.S tiếp tục nhận được những cuộc điện thoại, tin nhắn “khủng bố” của một đối tượng có tên Lộc, nhân vật này tự xưng là giám đốc Công ty Nhật Nam - Chi nhánh Vĩnh Phúc, Phú Thọ để đòi 1 chỉ vàng (là phần quà anh V.X.S. đạt được khi “bốc thăm trúng thưởng” trong một hội nghị khách hàng của Công ty Nhật Nam tổ chức – PV).
“Có lẽ tôi sẽ sớm liên hệ với công ty để trả lại 1 chỉ vàng cho họ, không thì hàng ngày họ khủng bố, dọa dẫm khiến cả gia đình tôi mệt mỏi”, anh V.X.S than thở nói.
Quay trở lại những bất thường trong mô hình hoạt động của Công ty Nhật Nam, cùng đơn thư cầu cứu khẩn cấp của nhà đầu tư, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên tục liên hệ, đặt lịch làm việc với mong muốn có thông tin đa chiều, khách quan. Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua, đại diện Công ty Nhật Nam vẫn không có phản hồi.
Trong một diễn biến khác, Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản về việc xử lý nội dung liên quan đến Công ty Nhật Nam có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn có nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.
Trước đó, ngày 6/9, Sở TT&TT tỉnh Hòa Bình cũng có văn bản đề nghị các cơ quan báo chí, đơn vị tại các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, doanh nghiệp thông tin trên.
Tỉnh Hòa Bình cho biết, tại Công văn số 518/ĐK ngày 4/8/2022, Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an) xác định, Công ty BĐS Nhật Nam (trụ sở chính tại 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) do bà Vũ Thị Thúy (HKTT: khu 4, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) làm người đại diện theo pháp luật.
Cổ đông góp vốn gồm: Vũ Thị Thúy (Giám đốc), Mai Thanh Tùng (35 tuổi, chồng Vũ Thị Thúy) và Vũ Đức Tại (37 tuổi) có tài khoản hoặc giao dịch chuyển tiền tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Doanh nghiệp này được xác định có hành vi huy động vốn thông qua "Hợp đồng hợp tác kinh doanh” với các nội dung như: Yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế.
Hành vi này được cơ quan chức năng xác định tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Hiện nay, công ty này đã thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng tại các tỉnh trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư với lợi nhuận khủng lên đến 60 - 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản.
Tuy nhiên, Công ty Nhật Nam chi trả lợi nhuận bằng tài khoản cá nhân (hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật Quản lý thuế). Cách thức hoạt động của công ty này tương tự mô hình "Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến khi Công ty BĐS Nhật Nam hết khả năng chi trả cho nhà đầu tư.
Căn cứ vào nội dung trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát các chi nhánh, văn phòng của Công ty Nhật Nam, cũng như các doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động huy động vốn tương tự để có biện pháp ngăn chặn, xử lý; thực hiện rà soát các cổ đông góp vốn có tài khoản hoặc giao dịch chuyển tiền tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Để tránh những rủi ro trong giao dịch và đảm bảo minh bạch và đảm bảo phát triển lành mạnh ổn định của thị trường bất động sản, không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân huy động vốn, bán sản phẩm bất động sản trái quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh; Sở Xây dựng Hoà Bình đã có khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định.
Đại diện Sở Xây dựng Hoà Bình đề nghị trường hợp các tổ chức, cá nhân có bằng chứng về việc ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ mua bán sản phẩm dự án giữa khách hàng và chủ đầu tư thì cung cấp về Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan (Công an tỉnh, Sở TN&MT, UBND các huyện, TP nơi có dự án rao bán) để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, Công an huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) cũng có Thông báo số 1569/TB-CAH gửi nhiều cơ quan, doanh nghiệp địa phương với nội dung cảnh báo về hoạt động của Công ty Nhật Nam với nội dung tương tự, cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác khi tham gia góp vốn với doanh nghiệp này.
Link nội dung: https://biztoday.vn/canh-bao-da-cap-bat-dong-san-bai-4-cong-ty-nhat-nam-thoa-thuan-tra-tienkien-bao-376062.html