Khi giá cổ phiếu giảm và trái phiếu bị thua lỗ nặng nhất trong nhiều thập kỷ, sự gia tăng của giá tiêu dùng đã biến một số ngóc ngách của thị trường tài chính trở thành nơi trú ẩn có lãi vào đầu năm nay. Giá dầu tăng và các hàng hóa khác cũng vậy. Ngay cả giá nhà và giá thuê nhà tăng cũng đã thúc đẩy lĩnh vực bất động sản.
Nhưng những kênh trú ẩn này đang nhanh chóng không còn hiệu quả nữa.
Sự gia tăng liên tục của lạm phát lõi (core inflation - loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động) đã sẵn sàng thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục chuỗi tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ. Và đó là điều tồi tệ khi bóc tách nhiều loại tài sản.
Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania và Đại học Hồng Kông dựa vào dữ liệu từ năm 1963 đến năm 2019 cho thấy, cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa và quỹ đầu tư tín thác bất động sản đều có nguy cơ bị thua lỗ khi lạm phát lõi tăng bất ngờ.
Nikolai Roussanov, giáo sư tài chính tại Wharton School thuộc Đại học Pennsylvania cho biết: “Nửa đầu năm khi lạm phát năng lượng và lương thực tăng nhanh hơn lạm phát lõi, giá hàng hóa đã tăng trưởng tốt và giống như một hàng rào chống lạm phát. Nhưng khi giá năng lượng bắt đầu giảm, chúng tôi đã thấy rằng mối tương quan đảo ngược và hàng hóa nói chung không hoạt động tốt như vậy”.
Sự thay đổi này làm tăng thêm triển vọng đen tối trên thị trường tài chính toàn cầu, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm nay khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ, đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ khỏi kỷ nguyên kiếm tiền dễ dãi đã giúp chứng khoán và trái phiếu phục hồi vượt qua đại dịch.
Hôm thứ Ba (13/9), Bộ Lao động Mỹ báo cáo rằng chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi đã tăng 6,3% trong tháng 8 so với một năm trước đó, đây là lần đầu tiên lạm phát lõi tăng tốc kể từ tháng 3. Các số liệu này đã làm tiêu tan hy vọng của các nhà đầu tư về sự suy giảm và củng cố kỳ vọng Fed vào ngày 21/9 sẽ nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp.
Chỉ số đồng đô la, chỉ số S&P 500, chỉ số trái phiếu chính phủ Mỹ, chỉ số hàng hóa
Việc thắt chặt mạnh tay như vậy làm tăng nguy cơ nền kinh tế giảm tốc mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp và nhu cầu đối với các mặt hàng như dầu mỏ.
Chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 4% chỉ trong phiên giao dịch ngày 13/9 sau báo cáo lạm phát và kết thúc tuần với mức giảm gần 5%. Chỉ số hàng hóa của Bloomberg đã giảm 3% kể từ ngày 13/9. Và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao, đẩy trái phiếu chính phủ Mỹ giảm hơn 11% trong năm nay và là mức tồi tệ nhất kể từ khi chỉ số Bloomberg bắt đầu theo dõi vào năm 1973. Đồng đô la Mỹ nằm trong số ít điểm sáng vì đồng tiền này được kéo lên bằng cách tăng lãi suất.
Theo giáo sư Nikolai Roussanov và các nhà nghiên cứu khác, sự thay đổi trên thị trường hàng hóa phù hợp với những gì diễn ra tương tự kể từ đầu những năm 1960.
Một nghiên cứu tương tự của các nhà nghiên cứu từ quỹ đầu cơ Man Group Plc và Duke University cũng cho thấy rằng, cả cổ phiếu và trái phiếu đều có xu hướng hoạt động kém trong thời gian lạm phát, trong khi hàng hóa là một trong những loại tài sản chính hoạt động tốt hơn một cách đáng tin cậy khi lạm phát cao. Nhưng điều cần lưu ý là một khi lạm phát chung bắt đầu giảm từ mức đỉnh, lợi tức của loại tài sản có xu hướng bằng không.
Teun Draaisma, Giám đốc danh mục đầu tư của Man Group cho biết: “Toàn thị trường và toàn thế giới đang điều hướng từ thời kỳ lạm phát cao và gia tăng mà chúng ta đã trải qua sang thời kỳ lạm phát vẫn cao, nhưng thấp hơn. Chúng tôi đang ở đỉnh cao của sự thay đổi đó”.
Sự thay đổi này đang thúc đẩy sự di chuyển ra khỏi quỹ đầu tư hàng hóa khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho tăng trưởng kinh tế chậm hơn hoặc suy thoái. Các quỹ ETF hàng hóa trên diện rộng đang có xu hướng bị rút tiền trong 5 tháng liên tiếp tính tới tháng 9, với gần 17 tỷ USD bị rút ra kể từ đầu tháng 5.
Peter Chatwell, Trưởng bộ phận giao dịch chiến lược vĩ mô toàn cầu tại Mizuho International Plc cho biết: “Với lạm phát lõi rất mạnh, điều này ngụ ý rằng việc thắt chặt tiền tệ nhanh chóng sẽ được thực hiện. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu trong thời gian tới và làm giảm giá hầu hết các tài sản”.
Link nội dung: https://biztoday.vn/lam-phat-khien-cac-nha-dau-tu-khong-con-kenh-nao-de-tru-an-378834.html