Phiên thảo luận tại chuyên đề hoàn thiện chính sách đất đai trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2022 ngày 18/9 có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này...
Nêu các nội dung cải cách đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai lần này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, 11 nhóm chính sách lớn của Nghị quyết 18 đều là các vấn đề cốt lõi.
Ông nhắc đến một số ưu tiên khi bàn về hoàn thiện chính sách đất đai. Trong đó, thứ nhất, đó là quy hoạch. Công tác này theo ông Hà, phải đổi mới về phương pháp, nội dung, hình thức và xác định lại vị thế, để quy hoạch mang được trách nhiệm, quyền hạn của Nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực tài nguyên đất đai.
Công tác quy hoạch cũng sẽ giải quyết được yêu cầu về công bằng, bình đẳng cho các bên trong phân bổ, sử dụng đất đai, ông Hà nói. Việc giải quyết nhu cầu sử dụng đất, thông qua công cụ này cũng sẽ thể hiện tính dân chủ trong quá trình xây dựng quy hoạch về đất đai.
Vấn đề thứ hai được ông Hà nhắc tới, đó là định giá đất. Thực tế, định giá đất vẫn còn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề định giá đất đai cách công khai, minh bạch, bình đẳng sẽ giải quyết được các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, đi kèm với định giá đất đó là vấn đề kinh tế, tài chính đất đai. Khi chúng ta định giá đúng thì chúng ta sẽ thực hiện được các chính sách về mặt xã hội theo tài chính đất đai, chuyển từ mệnh lệnh hành chính, từng bước sang thị trường. Ông Hà cũng cho rằng sẽ giải quyết được các bất cập hiện nay như đầu cơ, thổi giá, đất đai sử dụng không hiệu quả.
Mặc dù đất đai là nguồn lực lớn song ông Hà nhận xét, thực tế vẫn còn thiếu thông tin, đánh giá, giám sát. Do vậy, việc xây dựng thông tin dữ liệu đất đai là rất cần thiết, thông qua việc chuyển đổi số.
Ông nhấn mạnh, thông qua dữ liệu về đất đai, sẽ vừa giám sát nguồn lực này vừa giúp người dân tiếp cận thông tin đất đai công bằng, công khai, bình đẳng.
Đi sâu hơn về vấn đề tài chính đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu ba vấn đề lớn. Trong đó có vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo ông Phớc, đây là một lỗ hổng vô cùng lớn mà Luật Đất đai năm 2013 không "bịt" được, tạo nên địa tô chệnh lệch, từ đó xảy ra một số sai phạm.
Bộ trưởng Tài chính cũng cho rằng, với đất sử dụng mục đích cho thuê thì chỉ thực hiện phát triển sản xuất kinh doanh. Khi không có nhu cầu sử dụng, nhà nước phải thu hồi lại, đấu giá hoặc chuyển cho cơ quan khác sử dụng. Điều đó sẽ tạo động lực, hay nói cách khác là tạo nguồn lực cho nền kinh tế phát triển.
Ông Phớc ví dụ, sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp ngoài Nhà nước nhìn vào các khu "đất vàng", sau đó chuyển mục đích sử dụng thành thương mại, đất ở, tạo địa tô chênh lệch, thất thoát.
"Đây chính là một lỗ hổng. Chỉ với một quyết định hành chính thì tự nhiên hàng nghìn tỷ, hàng trăm tỷ sẽ có thể mất đi. Chúng ta phải có cơ chế để bịt lỗ hổng này", ông Phớc nói.
Vấn đề thứ hai người đứng đầu Bộ Tài chính nói tới là giá đất. Hiện đang có 5 phương pháp để làm việc này nhưng theo ông Phớc, vẫn nhưng chưa thực sự nhất quán, còn tạo lỗ hổng.
Về giao đất, ông Phớc cho biết, lâu nay vẫn xem đất đai như thu thuế, tức thời điểm xác định giá đất là thời điểm giao đất. Song khoảng cách từ thời điểm xác định giá đến khi giao đất là 1 tháng, 6 tháng hay 1 năm thì không quy định. Bộ trưởng cho rằng phải quy định, xác định thời gian từ khi xác định giá đất đến khi giao đất là không quá 6 tháng, mới đảm bảo được độ chính xác.
"Khi nộp tiền vào ngân sách rồi, lúc đó mới giao đất, tiền trao cháo múc như ông cha ta vẫn nói", ông Phớc nêu quan điểm.
Phát biểu của Bộ trưởng Tài chính sau đó được ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nhận xét là "am hiểu" và được "tán thành".
Ông Lê Hoàng Châu nói thêm, nhà đầu tư trong và ngoài nước luôn mong sự công bằng và bình đẳng trong hệ thống pháp luật. Vì vậy, nhiệm vụ trọng điểm hiện nay là phải thực hiện Nghị quyết 18, trong đó đưa ra mục tiêu cụ thể đến 2023 sửa đổi Luật Đất đai và hệ thống pháp luật liên quan đảm bảo sự thống nhất đồng bộ. Mặc dù thời gian qua hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tốt hơn nhưng tính xung đột, mâu thuẫn vẫn còn.
Để hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị thời gian tới đề nghị bổ sung quy định trong Luật Đất đai sửa đổi cho phép doanh nghiệp thực hiện cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất khi thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Ông cũng đề nghị không quy định sở hữu nhà ở chung cư có thời hạn; không quy định giao dịch bất động sản qua sàn….
Link nội dung: https://biztoday.vn/he-lo-ve-lo-hong-lon-trong-dat-dai-mot-quyet-dinh-lam-mat-ca-nghin-ty-dong-378943.html