Trải qua ba vòng thi sôi nổi và các hoạt động đào tạo, huấn luyện, Finnovation 2022 đã xác định ra 5 đội xuất sắc nhất bước vào chung kết tranh ngôi quán quân. Đó là các đội thi: The Faunaverse, WeShare, Mediaverse, GOVO, Zinance.
Với ý tưởng mới mẻ và tiềm năng đi ra thị trường cao kết hợp với khả năng thuyết trình và trả lời câu hỏi tốt, đội Zinance đã vượt lên bốn đội còn lại để giành chức vô địch Finnovation 2022.
Đây là giải pháp giáo dục tài chính dựa trên game hóa và học để kiến tiền để nâng cao hiểu biết tài chính cho thế hệ Z.
Ngôi á quân thuộc về hai đội WeShare, Mediaverse. Trong đó, WeShare là nền tảng quyên góp từ các đơn hàng mua sắm trực tuyến mà không phát sinh chi phí cho người dùng. Mediaverse là giải pháp truyền thông trên nền tảng metaverse (vũ trụ ảo) cho lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.
Và cùng về ở vị trí thứ ba là hai đội Govo, Faunaverse. Trong đó, Govo là nền tảng kết nối và gọi vốn giữa startup với nhà đầu tư thông qua hợp đồng thông minh, tiền mã hóa và blockchain. Faunaverse là dự án NFT/metaverse tận dụng thời trang số để gây quỹ bảo tồn biển và động vật hoang dã.
Ngoài tiền mặt và hiện vật, các dự án này sẽ được hướng dẫn và tạo điều kiện tham gia các chương trình gọi vốn quốc gia thông qua thị trường trong nước và quốc tế cũng như nhận được nhiều hỗ trợ trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Finnovation 2022 ra đời chính là nhằm mục tiêu cung cấp cho thị trường fintech nhiều tiềm năng những ý tưởng đột phá, những dự án có thể đầu tư để đi vào thực tế.
“Finnovation là cuộc thi kích hoạt cho các hoạt động đổi mới sáng tạo mở quốc gia về lĩnh vực tài chính, tài sản; định hướng là môi trường mở cho khởi nghiệp sáng tạo mở trong tương lai", ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cho biết.
Theo báo cáo của Statista (Đức), toàn thị trường fintech Việt Nam chỉ có 67 công ty vào năm 2015 nhưng con số này lần lượt tăng lên 94 vào năm 2017 và 141 công ty vào năm 2020. Giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam tăng đều đặn và nhanh chóng trong suốt các năm từ 2017 đến 2021. Tính đến năm 2021, giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam đạt 12,922 triệu USD và dự đoán sẽ tăng lên 22,056 triệu USD vào năm 2025…
Năm 2021, trong tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp mới, có gần 70% doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực fintech, cho thấy lĩnh vực fintech tại Việt Nam đang ngày càng phát triển và có tiềm năng rất lớn.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tim-ra-quan-quan-finnovation-2022-380205.html