Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng và Công nghiệp Tyumen ngày 21/9, Giám đốc điều hành Công ty hoá dầu Nga Sibur, ông Mikhail Karisalov, cho hay châu Âu đã ngừng hợp tác với Nga về dây chuyền cung cấp cao su và polymer, song khẳng định phía châu Âu sẽ mất nhiều năm để thay thế các chất hoá dầu của Nga.
Ông Karisalov cho biết, Sibur đã tìm thấy thị trường mới ở châu Á, những vẫn tồn tại một số khó khăn về hậu cần. Trước đó, Sibur thông báo đã cắt giảm hoàn toàn cung cấp các sản phẩm của công ty sang châu Âu và nhanh chóng chuyển hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác. Do đó, 30% danh mục sản phẩm, vốn từng được xuất khẩu sang châu Âu đã được chuyển hướng sang Trung Quốc và châu Á.
Theo CNBC, các nước châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có. Cuộc khủng hoảng này đang ảnh hưởng nặng nề lên các ngành công nghiệp châu Âu.
Giá năng lượng tăng cao, có nơi tăng gấp 6 lần, khiến nhiều nhà sản xuất kim loại, giấy, phân bón cùng các sản phẩm khác phụ thuộc vào khí đốt và điện phải cắt giảm sản lượng, đồng thời làm hàng chục ngàn công nhân mất việc. Việc cắt giảm tạm thời này đang làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế ở châu Âu. Sản xuất công nghiệp trong khu vực đồng euro đã giảm 2,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm. Nhiều công ty nhỏ đối mặt nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn vì không chịu nổi chi phí.
Trước tình hình trên, các nước châu Âu đang chạy đua để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng trước mùa đông được dự báo sẽ rất khó khăn. Reuters ngày 19/9 dẫn dữ liệu từ Cơ sở Hạ tầng khí đốt châu Âu cho biết, các kho dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đã đầy 85,6%, trong đó Đức đã dự trữ gần 90%. Tuy vậy, dự trữ khí đốt thôi vẫn chưa đủ.
Ủy ban châu Âu ngày 14/9 đề xuất một loạt các biện pháp khẩn cấp để giải quyết vấn đề năng lượng. Theo đó, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) được khuyến khích cắt giảm 10% tổng mức sử dụng điện và bắt buộc cắt giảm 5% lượng điện sử dụng trong giờ cao điểm. Kế hoạch cũng đề xuất áp thuế lên các công ty năng lượng hóa thạch để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp, gia đình gặp khó khăn. Những biện pháp này sẽ được thảo luận và bỏ phiếu trong cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU vào ngày 30/9.
Link nội dung: https://biztoday.vn/phai-mat-nhieu-nam-de-chau-au-thay-the-cac-chat-hoa-dau-cua-nga-380882.html