Bán niên u ám, kỳ vọng quân bài tẩy
2020 - 2021 là giai đoạn khó khăn của ngành xây dựng, khi đại dịch làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, kéo theo sự hạn chế về đầu tư. Lệnh giãn cách nghiêm ngặt trong nhiều tháng cũng làm “đóng băng” hoạt động thi công tại nhiều dự án, đẩy các doanh nghiệp xây dựng vào cảnh khó khăn chưa từng có trong nhiều năm. Trong bối cảnh đó, Fecon nổi bật lên khi là một trong số ít những doanh nghiệp xây dựng giữ được tốc độ tăng trưởng (doanh thu năm 2020 tăng 2%, đạt 3.154 tỷ đồng; doanh thu năm 2021 tăng 10%, đạt 3.484 tỷ đồng).
Bởi vậy, bước sang năm 2022, khi đại dịch đã được kiểm soát, nền kinh tế hồi phục, Fecon đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất tới 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 280 tỷ đồng, tăng lần lượt 44% và 296% so với kết quả thực hiện năm 2021.
Phải nói đây là một kế hoạch đầy tham vọng, cho thấy mức độ tự tin của lãnh đạo Fecon rất lớn. Tất nhiên, cũng không ngoại trừ khả năng lãnh đạo Fecon đang muốn “thể hiện” với 2 cổ đông mới là Quỹ đầu tư hạ tầng Red One và Công ty CP Raito Kogyo (2 đơn vị đã mua 32 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ).
Trên thực tế, Fecon có cơ sở để đề ra mục tiêu kinh doanh rất cao này. Bán niên 2022, Công ty cũng liên tiếp công bố thông tin trúng hàng loạt gói thầu có giá trị lớn tại các dự án tầm cỡ như: Hoà Phát Dung Quất, nhiệt điện Vũng Áng 2, nhiệt điện Quảng Trạch 1, Vinhomes Ocean Park 2…
Tuy nhiên, trái ngược với những thông tin tích cực trên, doanh thu và lợi nhuận nửa đầu năm Fecon lại là một câu chuyện buồn. Quý I/2022 là một quý đáng quên của Fecon khi doanh thu chỉ đạt 502 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng 1,6 lần, các loại chi phí khác tiết giảm không đáng kể khiến Công ty chịu lỗ trước thuế 1,1 tỷ đồng. Khấu trừ thuế, Công ty chịu lỗ sau thuế 6,6 tỷ đồng - đây là quý thua lỗ đầu tiên trong lịch sử.
Fecon còn dự trữ “quân bài tẩy” cho kế hoạch lợi nhuận năm 2022 là việc thoái vốn tại Vĩnh Hảo 6 (Ảnh minh hoạ) |
Sang quý II, tình hình đã được cải thiện khi doanh thu thuần tăng gấp đôi, đạt 1.039 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn quá cao đã khiến biên lợi nhuận gộp của Công ty giảm mạnh còn 10%, lợi nhuận gộp giảm 21% so với cùng kỳ năm trước còn 106 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí tài chính vẫn neo cao, tăng 39%, đạt 53 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận sau thuế giảm sâu tới 76%, chỉ đạt 7,9 tỷ đồng - là quý có lãi thấp nhất kể từ quý III/2014.
Khép lại 6 tháng đầu năm 2022, dù doanh thu tăng trưởng 15%, đạt 1.541 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của Fecon lại “rơi tự do” 97,6%, còn vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng. So với kế hoạch đầy tham vọng thì màn trình diễn lợi nhuận nửa đầu năm 2022 của Fecon chỉ có thể gói gọn trong hai từ thất vọng.
Tất nhiên, Fecon vẫn còn dự trữ “quân bài tẩy” cho kế hoạch lợi nhuận năm 2022 là việc thoái vốn tại Vĩnh Hảo 6 và/hoặc Quốc Vinh Sóc Trăng - 2 dự án năng lượng tái tạo trọng điểm của Công ty. Thực tế, Fecon đã nung nấu ý định thoái vốn tại dự án Vĩnh Hảo 6 từ trước đó nhưng chưa thực hiện được. Công ty từng hé lộ sẽ chốt xong thoả thuận với dự án này trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, giới quan sát vẫn chưa thấy Fecon có dấu hiệu hoàn tất thương vụ này. Trong trường hợp việc bán Vĩnh Hảo 6 lại thêm một lần lỡ hẹn, nhiều khả năng mục tiêu lợi nhuận năm nay của Fecon sẽ chỉ là ảo ảnh!
Tuy vậy, nếu quả thực Fecon không thể hoàn thành kế hoạch năm 2022, thiết tưởng đó cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên, bởi trong quá khứ, đã hơn một lần doanh nghiệp này không hoàn thành được mục tiêu đề ra. Chẳng hạn giai đoạn 2019 - 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế trung bình lần lượt chỉ đạt 81% và 60% so với kế hoạch.
Kết quả kinh doanh u ám càng làm cho những nỗ lực cải thiện vấn đề tài chính của Fecon trở nên khó đẩy nhanh và mạnh.
Có thể thấy, về tài sản, dù quản lý dự án khá tốt (khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi không đáng kể, chỉ 3,8 tỷ đồng), song các khoản phải thu và hàng tồn kho vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng tài sản của công ty. Tại ngày kết thúc quý II/2022, giá trị các khoản phải thu và hàng tồn kho đạt 4.899 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 63% tổng tài sản.
Dù tỷ trọng đã giảm so với giai đoạn trước đó (hai năm 2020 và 2021, tỷ trọng các khoản phải thu và hàng tồn kho lần lượt chiếm 72% và 74% tổng tài sản), song việc các khoản phải thu và hàng tồn kho có giá trị lớn đã ảnh hưởng không nhỏ tới dòng tiền kinh doanh của Fecon - "nỗi đau đầu kinh niên" của lãnh đạo doanh nghiệp này.
Dòng tiền kinh doanh là "nỗi đau đầu kinh niên" của lãnh đạo Fecon |
Suốt từ năm 2014 - 2021 (ngoại trừ năm 2020, dòng tiền kinh doanh dương 88 tỷ đồng) thì dòng tiền kinh doanh của Fecon luôn luôn là số âm, lần lượt là: -60 tỷ đồng, -200 tỷ đồng, -121 tỷ đồng, - 58 tỷ đồng, -157 tỷ đồng, -29 tỷ đồng, -110 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2022, dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm nặng 134 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh đại diện cho khả năng tạo tiền của hoạt động kinh doanh. Dòng tiền kinh doanh âm đồng nghĩa doanh nghiệp không thể thu về tiền mặt từ hoạt động kinh doanh. Tiền đó đã bị “chôn” trong các khoản phải thu và hàng tồn kho (như trên đã dẫn chứng).
Để bù đắp dòng tiền, Fecon đã chọn đi vay.
Tại ngày 30/6/2022, giá trị nợ vay đã đạt 2.619 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm, chiếm tới 60% nợ phải trả. Dòng tiền vay/trả nửa đầu năm đạt 1.537 tỷ đồng/1.355 tỷ đồng, dù đã giảm 36,8% so với đầu năm nhưng vẫn tương đối cao.
Việc lệ thuộc vào nợ vay cũng nguy hiểm như chơi dao, chơi không khéo là đứt tay. Trong hoàn cảnh kinh doanh khó khăn, nợ vay sẽ tạo ra chi phí tài chính khổng lồ, ăn mòn lợi nhuận có được.
Nửa đầu năm 2022, lợi nhuận của Fecon giảm dữ dội cũng có một phần quan trọng là do chi phí tài chính neo ở mức cao, đạt 100 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh “teo tóp” còn 11 tỷ đồng.
Link nội dung: https://biztoday.vn/muc-tieu-loi-nhuan-cua-fecon-co-la-ao-anh-381080.html