Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm
Ngày 20/9, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa có văn bản gửi Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.
Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Tập đoàn Phúc Sơn khẩn trương thực hiện nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền hơn 11.994 tỷ đồng. Số tiền này được dựa trên số liệu kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại thông báo số 680 năm 2019 và văn bản mới đây của UBND tỉnh Khánh Hòa.
Được biết, Tập đoàn Phúc Sơn là nhà đầu tư được tỉnh Khánh Hòa giao thực hiện các dự án “Các tuyến đường, các nút giao kết nối sân bay Nha Trang; dự án đường vành đai kết nối nút giao Ngọc Hội và dự án Nút giao thông Ngọc Hội theo hình thức hợp đồng BT.
Sau khi Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm tại 3 dự án BT của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công an tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc thu thập thông tin, tài liệu để xác định hành vi vi phạm pháp luật về hình sự liên quan tại dự án BT sân bay Nha Trang.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa cho biết, theo nguồn tin về tội phạm, để làm rõ việc thực hiện chính sách pháp luật khi giao đất tại sân bay Nha Trang, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đang ở giai đoạn thu thập thông tin, tài liệu để xác định hành vi vi phạm pháp luật về hình sự.
Trước đó, như Báo Đại Đoàn Kết phản ánh, 3 dự án BT do Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư gồm: Dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang; Dự án nút giao Ngọc Hội; Dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội… với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, các đơn vị liên quan thực hiện không đầy đủ các cam kết, theo nội dung Tờ trình số 4148/TTr-UBND ngày 14/6/2016 của UBND tỉnh để được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013.
Không hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào khoảng cuối năm 2017. Mặc dù đã gia hạn đến tháng 6/2021 nhưng thực tế đến thời điểm thanh tra mới thi công đạt khoảng 27% khối lượng xây lắp. Không thực hiện đúng tiêu chí công trình cấp bách để được áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu 2013.
Phê duyệt đề xuất dự án, Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT), tổng mức đầu tư, ký hợp đồng BT không phù hợp với Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 1175/TTg-KNT ngày 6/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ làm tăng tổng mức đầu tư lên 484 tỷ đồng, kéo dài thời gian thực hiện dự án lên thêm 30 tháng.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt BCNCKT, ký hợp đồng BT còn một số sai sót trong áp dụng định mức, đơn giá, biện pháp thi công, đền bù giải phóng mặt bằng và đưa một số hạng mục vào dự án đầu tư chưa đúng quy định (hạng mục đường dây cấp điện) làm tăng mức đầu tư 3 dự án BT lên 499,202 tỷ đồng.
Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán và ký kết hợp đồng 3 dự án BT có giá trị hợp đồng BT cao hơn giá trị dự án BT được tỉnh phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư là 73,49 tỷ đồng, vi phạm quy định về nguyên tắc xét duyệt trúng thầu… Thanh tra Chính phủcũng kết luận việc sử dụng quỹ đất tại khu vực sân bay Nha Trang để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT có nhiều sai phạm.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hoà, sau khi kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại tính pháp lý khi thực hiện các công trình BT tại sân bay Nha Trang. Một mặt dựa vào nguồn tin về tội phạm, Cơ quan điều tra đang làm rõ hành vi vi phạm pháp luật về hình sự.
Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi được 115,456 tỷ đồng thất thoát. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành 9 quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng và 4 quyết định điều chỉnh giao đất có nội dung "đất ở không hình thành đơn vị ở". Đã ra quyết định chấm dứt hoạt động đối với 11 dự án theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và ban hành quyết định thu hồi đất của 7 dự án với diện tích hơn 473.000 m2.
Được biết vào năm 2018, Tập đoàn Phúc Sơn đã nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 376 tỷ đồng. Số tiền này, Tập đoàn Phúc Sơn xác định là giá trị chênh lệch giữa giá trị quỹ đất thanh toán cho các dự án BT và giá trị dự án BT.
Đến năm 2021, Thanh tra Chính phủ công khai công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến các dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang trong đó có nêu chi tiết đến 6 dự án BT có chủ trương sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang vừa được Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra.
Thanh tra Chính phủ kết luận, việc tỉnh Khánh Hòa giao đất, cho thuê đất là vi phạm quy định của Luật Đất đai, không phù hợp với chủ trương sử dụng quỹ đất tại sân bay Nha Trang để hoàn vốn cho các dự án BT.
Riêng đối với 3 dự án của Tập đoàn Phúc Sơn, chủ đầu tư không hoàn thành đưa vào khai thác vào cuối năm 2017. Dù sau này có gia hạn đến tháng 6.2021 nhưng mới chỉ thi công được 27% khối lượng xây lắp. Ngoài ra, công tác lập, thẩm định phê duyệt thiết kế và dự toán còn nhiều tồn tại, chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu, còn để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm...
Từng triển khai hàng loạt dự án nghìn tỉ ở Vĩnh Phúc
Trước khi để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm tại dự án Nha Trang, Tập đoàn Phúc Sơn cũng lùm xùm hàng loạt dự án nghìn tỷ đồng trải dài khắp đất nước. Điển hình như dự án Khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn (Vĩnh Tường) với quy mô 130 ha.
Cũng tại Vĩnh Tường, Tập đoàn Phúc Sơn đã trúng thầu Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng. Dự án này được đầu tư từ ngân sách nhà nước và được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt từ năm 2010, với thời gian thực hiện trong 5 năm (2010 - 2015), dự án Đầu tư xây dựng công trình Cải tạo nâng cấp đê tả Sông Hồng kết hợp đường giao thông kéo dài khoảng 28 km, gồm 17 km qua Vĩnh Tường và 11 km qua huyện Yên Lạc. Đoạn qua Vĩnh Tường. Dự án có tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Trung ương là 70%, còn lại 30% là ngân sách tỉnh, chủ đầu tư là UBND huyện Vĩnh Tường.
Ngoài ra, thời điểm năm 2019, Tập đoàn Phúc Sơn cũng đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng Dự án Chợ đầu mối Vĩnh Tường từ Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Sông Hồng Thăng Long. Được biết, dự án có quy mô diện tích 186,49 ha, tổng mức đầu tư là 2.290 tỷ đồng. Tuy nhiên dự án này từng bị phản ánh có nhiều dấu hiệu bất thường và bị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và môi trường kiểm tra.
Thời điểm đầu năm 2019, Tập đoàn Phúc Sơn cũng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng Cụm Công nghiệp Thổ Tang - Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường với quy mô gần 36 ha.
Được biết, Tập đoàn Phúc Sơn là đơn vị duy nhất trúng thầu. Cuối cùng, vào ngày 31/01/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này, Tập đoàn Phúc Sơn được lựa chọn theo hình thức chỉ định. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng dự án dự kiến 427 tỷ đồng. Trước đó, Phúc Sơn cũng đã triển khai làm dự án khu nhà ở cho người có thu nhập thấp 15 tầng (Vĩnh Yên); khu đô thị hai bên đường Phù Đổng (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với quy mô 149 ha.
Link nội dung: https://biztoday.vn/sieu-du-an-nghin-ty-be-boi-cua-tap-doan-phuc-son-382098.html