Tới cuối tháng 5.2022, Ngân hàng Nhà nước thông báo cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã lên kế hoạch thanh tra 8 ngân hàng thương mại về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), trong đó có Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank). Điều bất ngờ là dù bị thanh tra nhưng dòng tiền chảy vào kênh đầu tư TPDN của PVComBank vẫn tăng vọt.
Báo cáo tài chính cho thấy, tại ngày 30.6.2022, chỉ tiêu chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành tại PVComBank lên đến hơn 13.500 tỉ đồng, tăng hơn 5.000 tỉ đồng, tương đương gần 60% so với hồi cuối năm 2021. Như vậy, dòng vốn vào trái phiếu tại PVComBank cao gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm tới 6,9% tổng tài sản của ngân hàng. Trong đó, đáng chú ý, tại ngày 31.12.2021, PVComBank đã dành tới 3.445 tỉ đồng, chiếm tới 32,4% vốn chủ sở hữu ngân hàng vào một tập đoàn bất động sản.
Sau nửa năm đầu tiên của năm 2022, dòng vốn của PVComBank vào kênh bất động sản này giảm sâu, xuống còn 2.175 tỉ đồng, chiếm 20,5% vốn chủ sở hữu ngân hàng. Trong đó, giá trị của những lô trái phiếu dài hạn giảm mạnh nhất. Cụ thể, tại thời điểm cuối quý II, PVComBank - Chi nhánh Sài Gòn ghi nhận một lô trái phiếu dài hạn giảm sâu từ 1.100 tỉ đồng xuống chỉ còn 650 tỉ đồng, một lô trái giảm từ 470 tỉ đồng xuống chỉ còn 0 đồng.
Trong khi đó, giá trị trái phiếu ngắn hạn mà PVComBank - Chi nhánh Sài Gòn đầu tư vào Tập đoàn bất động sản này lại tăng đáng kể, một lô tăng từ 450 tỉ đồng lên 650 tỉ đồng, một lô tăng từ 250 tỉ đồng lên 450 tỉ đồng. Giá trị một lô giữ nguyên ở mức 175 tỉ đồng. Lãi suất của các lô trái phiếu này khá cao, lên đến 12,5%/năm, cao hơn lãi suất mà một số ngân hàng khác được hưởng khi mua trái phiếu của tập đoàn bất động sản này. Tài sản đảm bảo chủ yếu là cổ phần của cổ đông tại công ty.
PVComBank thành lập ngày 1.10.2013 từ việc hợp nhất Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Phương Tây. Trong đó Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam tiền thân là Công ty Tài chính Dầu khí - thành viên 100% vốn Nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, PVComBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm mạnh từ 53 tỉ đồng xuống 43,3 tỉ đồng. Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng bất ngờ tăng vọt từ 126 tỉ đồng lên 335 tỉ đồng. Ở thời điểm cuối năm 2021, số dư tín dụng của ngân hàng đạt 102.664 tỉ đồng, tăng 0,2% so với năm 2020 với tỉ lệ nợ xấu ở mức 2,64%.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, PVComBank cho biết, đã trình Ngân hàng Nhà nước cho phép chủ động lựa chọn thời điểm niêm yết. Đối với giá trị cổ phiếu niêm yết, theo lãnh đạo PVComBank, phản ánh chất lượng tài sản ngân hàng. Trong giai đoạn tái cơ cấu, ngân hàng ưu tiên xử lý các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu và sẽ sớm hoàn thành, khi đó tài sản, giá trị cổ phiếu ngân hàng tốt lên, từ đó, bảo vệ cao nhất lợi ích của cổ đông.
Link nội dung: https://biztoday.vn/dong-tien-trai-phieu-tang-manh-tai-pvcombank-382125.html