Chứng khoán Mỹ về đáy 2 năm

Thị trường chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ khi nhà đầu tư lo ngại việc Cục dự trữ liên bang (Fed) nâng lãi suất sẽ đẩy nền kinh tế nước này vào suy thoái.

Tuần tồi tệ của thị trường tài chính Mỹ kết thúc với phiên sụt giảm mạnh của các chỉ số chứng khoán. Chốt phiên 24/9 (theo giờ Việt Nam), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 483 điểm, tương đương 1,6% xuống còn 29.590,41; đánh dấu mức thấp nhất trong gần 2 năm qua kể từ tháng 11/2020. Chỉ số này có lúc mất hơn 800 điểm, giảm hơn 20% so với mức đỉnh 36.799,65 điểm được thiết lập hồi đầu năm 2022.

Chỉ số S&P 500 (SPX) và Nasdaq (COMP) lần lượt giảm 1,7% và 1,8%, trong bối cảnh nhà đầu tư lo sợ cuộc chiến chống lạm phát của Fed sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Diễn biến chỉ số INDU trong năm nay. Đồ thị: Google

Diễn biến chỉ số INDU trong năm nay. Đồ thị: Google

Phiên thứ Sáu là ngày tiêu cực thứ tư liên tiếp đối với các chỉ số chính và là ngày giảm thứ năm trong vòng sáu tuần qua. Trước đó Fed đã ban hành đợt tăng lãi suất 0,75% và cho biết sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất khác tại cuộc họp vào tháng 11 tới đây.

“Chúng ta đang đi vào một đợt giảm trong nền kinh tế đang suy thoái”, Brad McMillan, giám đốc đầu tư của Commonwealth Financial Network cho biết. "Năm nay, đã có bốn đợt giảm và ba đợt tăng — và chúng ta đang giảm khá nhiều. Điều này không tốt chút nào", ông Brad McMilan nói thêm.

Các nhà đầu tư không có nhiều nơi để rót tiền vào lúc này, ngoài việc cổ phiếu đi xuống. Thị trường trái phiếu cũng đang bán tháo, khiến lợi tức Kho bạc Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất 11 năm trong những ngày gần đây.

Lợi suất 10 năm đã giảm trở lại một chút vào thứ Sáu nhưng vẫn ở mức gần 3,7% và lợi suất 2 năm là trên 4,1%. Đó là lợi nhuận tốt hơn nhiều so với những gì nhà đầu tư có thể nhận được với cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.

Phố Wall lo ngại rằng kế hoạch tăng lãi suất của Fed có thể tiếp tục làm tăng chi phí đi vay, làm tổn hại đến lợi nhuận doanh nghiệp, điều hỗ trợ giá cổ phiếu của họ. Nếu Fed kiên quyết giảm tốc nền kinh tế để kiểm soát lạm phát, suy thoái có thể khiến người tiêu dùng giảm mua sản phẩm của các công ty niêm yết.

Ông Ivan Feinseth, chiến lược gia thị trường của Tigress Financial Intelligence, cho biết tình trạng bán tháo của thị trường có thể tiếp diễn trong một thời gian, do định giá cổ phiếu bị nén bởi các hành động của Fed. Các nhà đầu tư "có thể không thấy đáy cho đến khi có xác nhận rằng các chỉ số lạm phát đã giảm đáng kể", ông nói thêm.

Link nội dung: https://biztoday.vn/chung-khoan-my-ve-day-2-nam-382327.html