Kết thúc phiên giao dịch hôm 23-9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1,61%, về mức 29.592,85 điểm, thấp nhất kể từ tháng 11-2020. Chỉ số này đã giảm điểm bốn ngày liên tiếp khi giới đầu tư lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái do Fed tăng mạnh lãi suất. Ảnh: Fox 54
Mối lo của giới đầu tư tăng lên trong tuần này khi các ngân hàng hàng trung ương trên khắp thế giới, từ Thụy Điển đến Indonesia, một lần nữa tăng lãi suất để chống lại lạm phát. Các đợt tăng lãi suất trước đó đã đã làm tăng chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp lên cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm hơn.
Các nhà đầu tư lo ngại viễn cảnh đó, vì vậy, họ đã bán mạnh cổ phiếu vào hôm 23-9, đẩy chỉ số chứng khoán S&P 500 (theo dõi cổ phiếu của 500 công ty đại chúng lớn nhất Mỹ) giảm tới 2,9%, trước khi thu hẹp đà giảm còn 1,7% vào cuối phiên giao dịch.
Hành động bán tháo khiến chỉ số S&P 500 rơi về mức thấp nhất trong năm nay được thiết lập hồi tháng 6 và gần như xóa sạch thành quả tăng điểm từ một đợt phục hồi trong mùa hè qua.
Chỉ số này đã giảm hơn 22% trong năm và hướng đến quí giảm điểm thứ ba liên tiếp, đây là lần đầu tiên giảm liên tục như vậy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong khi đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1,6% về mức thấp nhất kể từ tháng 11-2020.
Đầu tuần này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong lần thứ 3 liên tiếp. Chủ tịch Fed Jerome H. Powell cảnh báo sẽ có nhiều nỗi đau cho nền kinh tế khi Fed tập trung toàn lực chống lạm phát.
Kristina Hooper, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại Công ty Invesco, nhận định lãi suất tăng nhanh trên toàn thế giới đang “làm tăng xác suất suy thoái”.
Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 giảm 2,3%, nâng mức giảm từ mức đỉnh hồi đầu năm lên 21%, đánh dấu thị trường con gấu (thị trường giảm giá, được xác định khi chỉ số chứng khoán có mức giảm từ 20% trở lên so với mức cao gần đây nhất). Chỉ số này đại diện cho cổ phiếu của 600 công ty có vốn hóa lớn, vừa và nhỏ tiêu biểu ở 17 nước châu Âu, bao gồm hãng đồ uống và thực phẩm Nestlé của Thụy Sĩ và hãng xe Volkswagen của Đức.
Theo khảo sát của S&P Global công bố hôm 23-9, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) trong tháng 9 giảm xuống 48,2 điểm, từ 48,9 điểm vào tháng 8.
Katharina Koenz, nhà kinh tế cấp cao tại Công ty Oxford Economics, cho biết: “Chỉ số này giảm chủ yếu do lĩnh vực sản xuất suy yếu do chịu áp lực chi phí năng lượng cao ngất ngưởng, nhưng lĩnh vực dịch vụ cũng cho thấy sự yếu kém rõ rệt”.
Koenz cho rằng kết quả khảo sát đã báo hiệu rằng suy thoái là điều không thể tránh khỏi đối với khu vực eurozone.
Thị trường trái phiếu cũng bị bán tháo, đẩy lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất 11 năm trong những ngày gần đây (lợi suất tăng khi giá trái phiếu giảm). Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm trở lại một chút vào hôm 23-9 nhưng vẫn ở mức gần 3,7% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm là trên 4,1%. Lợi tức trái phiếu cao đang tạo thêm áp lực lên thị trường chứng khoán.
Những lo ngại về suy thoái cũng nhấn chìm thị trường dầu thô với giá dầu Tây Texas (WTI) ở New York giảm 5,7%, xuống 78,73 đô la Mỹ/thùng, mức thấp nhất trong ngày kể từ ngày 11-1. Giá dầu Brent ở thị trường London giảm 4%, còn 86,15 đô la Mỹ/thùng. Giá dầu đã giảm khoảng 40% so với mức đỉnh được thiết lập hồi tháng 3 ngay sau khi cuộc xung đột Nga- Ukraine nổ ra.
Robert Yawger, Phó chủ tịch phụ trách thị trường năng lượng tương lai của Công ty Mizuho Securities, nói: “Họ (Fed) đang cố tình đẩy nền kinh tế này tiến tới suy thoái”.
Các thị trường đang đặt cược việc Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng bằng cách khiến mọi người lái xe nhiều hơn và bay ít hơn và các doanh nghiệp cũng tiêu thụ ít năng lượng hơn.
“Động thái tăng lãi suất của Fed đang giết chết nhu cầu đối với mọi thứ, đặc biệt là năng lượng”, Yawger nói.
Sự sụt giảm của thị trường năng lượng đang được thúc đẩy một phần bởi đà tăng giá bền bỉ của đồng đô la Mỹ. Sức mạnh đó có xu hướng tiêu cực đối với dầu, vốn được định giá bằng đô la Mỹ, vì nó làm xói mòn sức mua của khách hàng nước ngoài.
“Nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái, chúng ta sẽ mua đồng đô la Mỹ và bán mọi thứ khác bao gồm dầu thô”, Michael Tran, nhà chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng RBC Capital Markets, nói.
Link nội dung: https://biztoday.vn/noi-lo-suy-thoai-nhan-chim-chung-khoan-va-dau-tho-trong-phien-giao-dich-cuoi-tuan-382612.html