Những tác động khó lường

Việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát, kéo theo một loạt ngân hàng trung ương các nước có quyết định tương tự, đã tác động nhất định đối với thị trường.

Trụ sở FED tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trụ sở FED tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng biện pháp của FED là phù hợp để chặn đà lạm phát tiếp tục leo thang, gây tổn hại đến người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, không ít chuyên gia lại lo ngại việc FED tiếp tục tăng mạnh lãi suất và đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền chủ chốt khác sẽ càng đẩy nhanh nguy cơ suy thoái. Thậm chí, có ý kiến cho rằng nền kinh tế thế giới có thể đang đối mặt với những điều kiện bất lợi tương tự như trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi năm 1997.

Thực tế thì cuộc đua với lạm phát đang là thách thức của hầu hết các nước. Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã cảnh báo: "Nếu chúng ta không làm giảm lạm phát, điều này sẽ gây tổn hại cho những người dễ bị tổn thương nhất, bởi vì sự bùng nổ về giá thực phẩm và năng lượng đối với những người khá giả là sự bất tiện - đối với những người nghèo, đó là thảm kịch".

Có thể thấy, trong nỗ lực chống lạm phát, FED dẫn đầu cuộc đua tăng lãi suất khiến các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới buộc phải tăng theo, ngoại trừ một số ít hạ lãi suất, trong đó có Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Khoảng 90 ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất trong năm nay và một nửa trong số đó nâng lãi suất ít nhất là 75 điểm cơ bản mỗi lần. Trong khi đó, việc tăng lãi suất ở các nước phát triển sẽ luôn tác động đến các nước có thu nhập thấp và có thể thắt chặt các điều kiện tài chính bên ngoài đối với các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

Đối với Mỹ, đồng USD mạnh mang lại một số lợi thế trong việc giúp làm giảm lạm phát, ngay cả khi việc này có thể gây ra một số vấn đề về khả năng cạnh tranh dài hạn. Tuy nhiên, đối với phần lớn thế giới, đồng USD mạnh lên là một tin xấu, có tác động lan tỏa đến các nền kinh tế khác. Bên cạnh đó, sự mất giá của các đồng tiền toàn cầu ngoại trừ đồng USD cũng có liên quan chặt chẽ đến tình trạng mất cân bằng trong hệ thống tiền tệ toàn cầu.

Khi lãi suất tăng ở Mỹ, những người đầu tư vào các thị trường mới nổi để nhận được tỷ suất sinh lợi nhận thấy đầu tư vào thị trường Mỹ hấp dẫn hơn. Điều này sẽ dẫn đến dòng vốn ồ ạt đổ vào Mỹ và tăng dòng chảy từ các nước đang phát triển. Nếu không có các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn một cách tương ứng, chi phí đi vay tăng lên sau đó sẽ làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối, đồng USD tăng giá và dẫn đến tổn thất bảng cân đối đối với các quốc gia có nghĩa vụ ròng bằng USD. Những dự đoán về tăng trưởng giảm sút là hệ quả của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và mối đe dọa ngày càng tăng của các rủi ro kinh tế và xã hội, đặc biệt là đối với các quốc gia mới nổi và đang phát triển.

Đồng euro (trái) và đồng USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng euro (trái) và đồng USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 50 năm qua, một số cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc nhất ở các nền kinh tế đang phát triển là hệ quả của tác động lan tỏa từ việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ. Kịch tính nhất là cuộc khủng hoảng nợ ở các nước đang phát triển, xuất phát từ “cú sốc Volcker”, chỉ việc gia tăng lãi suất mạnh mẽ do FED dẫn đầu vào cuối những năm 1970. Mexico, Ba Lan, Hàn Quốc và Chile ban đầu bị ảnh hưởng nhiều nhất, sau đó lan sang hầu hết các nước đang phát triển và gây ra thiệt hại lâu dài ở một số khu vực. Ở Mỹ Latinh, điều này đã góp phần đáng kể vào “thập niên mất mát”, thời kỳ mà tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người thực sự là âm trong những năm 1980, và thậm chí trong cả giai đoạn 1980 - 2000 với tỷ lệ đói nghèo ở khu vực gia tăng trong khoảng thời gian 20 năm.

Việc tăng lãi suất có xu hướng tạo ra tỷ lệ cho vay tiêu dùng và vay kinh doanh cao hơn, làm chậm nền kinh tế bằng cách buộc giới chủ phải cắt giảm chi tiêu. Tỷ lệ gia tăng của giá cả sinh hoạt đã vượt qua biên độ tăng lương, sức mua hộ gia đình ngày càng suy yếu, gieo mầm mống cho lạm phát đình trệ. Các quan chức FED đã nhiều lần nhấn mạnh rằng FED buộc phải tăng lãi suất để chống lạm phát với cái giá đánh đổi là sự sụt giảm đà tăng trưởng GDP, tỷ lệ thất nghiệp tăng và các ảnh hưởng tiêu cực khác đối với thị trường chứng khoán và bất động sản.

Bà Anna Wong, nhà kinh tế trưởng tại Mỹ của Bloomberg Economics, ước tính FED cuối cùng sẽ phải nâng lãi suất lên 5%, gấp đôi so với mức hiện nay, điều có thể khiến nền kinh tế mất 3,5 triệu việc làm và khiến các thị trường vốn chao đảo thêm biến động.

Trong khi đó, một nghiên cứu của trường đại học California cho rằng tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ sụt giảm nghiêm trọng trong 12 tháng tới trong khi lạm phát vẫn đứng ở mức cao. Còn theo Goldman Sachs, nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, thị trường chứng khoán có thể sụt giảm tới 10% so với hiện nay.

Do đó vào lúc này, câu hỏi đặt ra là liệu FED có thể thiết kế thành công một cuộc "hạ cánh mềm" của việc đi tìm sự cân bằng mong manh giữa kiềm chế lạm phát và không đẩy nền kinh tế vào suy thoái cũng như khiến hàng nghìn công nhân mất việc làm hay không. Có thể nói kỷ nguyên lạm phát thấp, lãi suất xuống ngưỡng tiệm cận 0, cùng với việc thực hiện nới lỏng định lượng để bơm mạnh thanh khoản đã qua. Thay vào đó, lạm phát tăng mạnh, giá cả vật tư chiến lược leo thang, cuộc xung đột Ukraine đã làm trầm trọng thêm nút thắt chuỗi cung ứng và giá năng lượng.

Làn sóng lạm phát và nguy cơ suy thoái chủ yếu là do nguồn cung thiếu hụt gây nên, song FED thừa nhận kiểm soát được nhu cầu nhưng không kiểm soát được nguồn cung. Hiện tại, ngày càng có nhiều ý kiến đồng thuận rằng những gì tồi tệ nhất của đợt lạm phát đã trôi qua đối với nhiều nền kinh tế, cho dù vẫn tồn tại những nghi ngờ về tốc độ và mức độ giảm. Giới chuyên gia lưu ý FED cần thận trọng trong việc tăng lãi suất, không chỉ vì quyết định này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực trong nước mà còn do mối quan hệ chặt chẽ giữa thắt chặt tiền tệ của Mỹ với việc thu hẹp sản lượng và khủng hoảng kinh tế ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận được là sự cần thiết phải theo đuổi cải cách cơ cấu để tìm ra các giải pháp ngắn hạn và dài hạn ở các nước đang phát triển, nhất là những nước có thu nhập thấp.

Link nội dung: https://biztoday.vn/nhung-tac-dong-kho-luong-382893.html