Bối cảnh: Liên thị trường chuyển xấu
Vĩ mô thế giới đang ở trong thời điểm khá u ám. Đáng chú ý, lộ trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ tháng 9/2022 có sự thay đổi đáng kể so với thời điểm tháng 6. Theo đó, lãi suất USD sẽ neo ở mức cao và chỉ bắt đầu hạ nhiệt vào năm 2025, so với kỳ vọng vào năm 2023 của giới đầu tư.
Fed vừa nâng lãi suất và trong quý IV/2022 sẽ tăng thêm, đồng thời đẩy mạnh việc thu tiền về thông qua thị trường mở, với mục tiêu nhanh chóng hạ nhiệt lạm phát. Động thái thắt chặt định lượng của Fed sẽ làm giảm nguồn tiền luân chuyển trong thị trường.
Sau động thái tăng lãi suất ngày 21/9 của Fed, Ngân hàng Nhà nước đã tăng một loạt lãi suất điều hành. Về lý thuyết, tác động trực tiếp nhất là chi phí lãi vay tăng, từ đó tác động đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
DSC cho rằng, nguồn tiền trên thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ có xu hướng giảm, bởi áp lực cạnh tranh dự kiến đến từ kênh tiền gửi tiết kiệm và một phần chảy vào khu vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là sự cạnh tranh đến từ kênh trái phiếu doanh nghiệp khi có gần 1 triệu tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong vòng 2 năm tới.
VN-Index: Chững lại đà giảm
Cuối tuần qua, VN-Index đóng cửa với mẫu nến Bearish Standard tại 1.203,28 điểm, giảm 0,94% so với phiên liền trước, giá trị giao dịch cũng giảm. Mẫu nến thể hiện lực bán áp đảo, nhưng ở mức độ “cho phép” khi không vi phạm mốc hỗ trợ quan trọng. Như vậy, ngoại trừ phiên bán lớn đầu tuần, diễn biến sau đó cho thấy đà giảm chững lại, hình thành một chuỗi phiên tích lũy quanh 1.200 - 1.220 điểm và “trũng” về mặt thanh khoản. DSC đánh giá, thị trường “cạn cung” ở trạng thái ổn định khi hấp thụ các thông tin vĩ mô kém lạc quan, dù những rung lắc là không thể tránh khỏi.
Về mặt kỹ thuật, trong tuần xuất hiện riêng lẻ từng mẫu nến cho tín hiệu đảo chiều và thanh khoản trong phiên “xanh” lấn át thanh khoản bán hình thành nền tích lũy “lành mạnh” với chiều hướng mua lên. Đặc biệt, biểu hiện ở một số nhóm ngành như chứng khoán (HCM, SSI), nhóm kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công (FCN, PLC) cho vận động tạo đáy ngắn hạn trước thị trường chung.
Lưu ý, tín hiệu ngắn hạn tích cực dần, nhưng tâm lý và sức mạnh dòng tiền đang suy yếu một cách rõ ràng, mọi vị thế tham gia tại ngưỡng hỗ trợ trong trạng thái phòng thủ, chờ đợi phản ứng tiếp theo của VN-Index.
Ở chiều hướng tiêu cực, cùng với diễn biến đảo chiều xuống từ liên thị trường, khối ngoại và tự doanh thể hiện góc nhìn thận trọng khi nối dài chuỗi bán ròng. Nhóm ngành dẫn dắt chỉ số không thực sự thuyết phục, tín hiệu “xanh” chủ yếu xuất hiện ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Xét diễn biến trung hạn, VN-Index vẫn đang trong kênh giá giảm với ngưỡng kháng cự bản lề 1.230 điểm.
Điểm nhấn ngành: Bảo hiểm lội ngược dòng
Nền kinh tế đang dần bước vào giai đoạn “tiền đắt”, không còn môi trường lý tưởng cho thị trường chứng khoán khi những sản phẩm tài chính cạnh tranh khác đưa ra những mức lãi suất hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, nhóm ngành bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ “lội ngược dòng”, nổi lên như một cơ hội đầu tư trong điều kiện lãi suất tăng. Yếu tố hưởng lợi đến từ việc cơ cấu khoản mục đầu tư tài chính phần lớn là danh mục tiền gửi ngân hàng, đây là động lực chính giúp cải thiện biên lợi nhuận của nhóm ngành bảo hiểm khi lãi suất tăng.
Một số doanh nghiệp đáng chú ý là Tập đoàn Bảo Việt có danh mục tiền gửi ngân hàng tính đến cuối tháng 6 đạt 98.000 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản. Tương tự, Bảo hiểm Quân đội có gần 2.000 tỷ đồng tiền gửi; Bảo Minh có hơn 3.000 tỷ đồng tiền gửi.
Dòng tiền nhận ra cơ hội từ quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước nên đã đẩy nhóm cổ phiếu bảo hiểm bùng nổ, hồi phục hoàn toàn mức giảm giá kể từ đầu tháng 9.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất cao giúp cải thiện hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm; bên cạnh đó, lãi suất kỹ thuật tăng sẽ làm giảm trích lập dự phòng toán học trên các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, kỳ vọng hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận.
Link nội dung: https://biztoday.vn/thi-truong-chung-khoan-lo-dong-tien-giam-383245.html