Theo báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2022, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - mã HPX) ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần giảm gần 22% xuống mức 582 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm đến 74% xuống còn 55,2 tỷ đồng trong đó, lãi ròng thu về chỉ 30,3 tỷ đồng, “bốc hơi” 80% so với nửa đầu năm ngoái.
Trước đó, trên báo cáo tài chính tự lập quý II/2022, hoạt động tài chính kém hiệu quả cũng đã kéo tụt lợi nhuận của Hải Phát Invest trong khi doanh thu thuần vẫn tăng 6% lên 525 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng tới 85%, đạt 280 tỷ đồng nhờ giá vốn giảm mạnh.
Đáng chú ý, doanh thu tài chính trong kỳ lại âm tới 64 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 91 tỷ đồng. Thêm nữa, chi phí tài chính tăng vọt lên 150 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, Hải Phát Invest lãi ròng vỏn vẹn 11,6 tỷ đồng, giảm đến 84% so với cùng kỳ.
Thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của HPX đạt 10.042 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, tồn kho chiếm đến 40% với số dư cuối kỳ ở mức 4.093 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu kỳ. Nợ phải trả cũng tăng 8% so với đầu năm lên gần 6.500 tỷ đồng vào thời điểm 30/6. Đáng chú ý, tổng nợ vay đã tăng mạnh 13% lên mức 5.311 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn 2.940 tỷ đồng, tăng 25% và vay dài hạn 2.371 tỷ đồng, tương đương đầu năm.
Việc gia tăng nợ vay phần nào xuất phát từ việc Hải Phát Invest gặp vấn đề lớn với dòng tiền khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm hơn 600 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, Hải Phát Invest thậm chí âm nặng dòng tiền kinh doanh đến hơn 1.500 tỷ đồng. Dòng tiền thiếu hụt khiến doanh nghiệp bất động sản này phải tăng vay nợ để bù đắp, đặc biệt là vay trái phiếu.
Hải Phát Invest được biết đến là doanh nghiệp rất "sốt sắng" trong việc phát hành trái phiếu. Theo thống kê chỉ trong vỏn vẹn hơn nửa năm (từ tháng 5/2021 – 1/2022), nhóm các công ty liên quan đến doanh nghiệp bất động sản này đã phát hành 15 đợt phát hành trái phiếu, qua đó huy động được 3.950 tỷ đồng trong đó Hải Phát Invest trực tiếp huy động 3.450 tỷ đồng, CTCP Hải Phát Retail (100 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư và kinh doanh bất động sản Hải Phát (400 tỷ đồng).
Ngoài việc tăng quy mô vốn hoạt động, đầu tư/phát triển các dự án mới trong tương lai, các lô trái phiếu còn được sử dụng vào mục đích đảo nợ. Điển hình như lô trái phiếu 250 tỷ đồng mã HPXH2123008 phát hành ngày 28/10/2021 nhằm mục đích cơ cấu lại lô trái phiếu 200 tỷ đồng (kèm lãi 22 tỷ đồng) kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 1/12/2022.
Tính đến thời điểm 30/6, tổng nợ trái phiếu của Hải Phát Invest đã lên đến 4.277 tỷ đồng, chiếm hơn 42% tổng nguồn vốn và vượt qua cả vốn chủ sở hữu (3.543 tỷ đồng) của doanh nghiệp bất động sản này. Trong đó, nợ vay trái phiếu dài hạn chiếm hơn 55% còn trái phiếu ngắn hạn và trái phiếu dài hạn đến hạn trả chiếm 45%.
Với trái phiếu ngắn hạn, Hải Phát Invest dùng tài sản bảo đảm là các quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với lô đất thương mại dịch vụ Dự án Cồn Tân Lập, Khu dân cư Cồn Tân Lập, phường Xuân Huân, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà thuộc sở hữu của nhóm Công ty…
Trong khi đó, tài sản đảm bảo cho khoản trái phiếu dài hạn là cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của một cá nhân và một số sàn thương mại thuộc Dự án The Pride, Khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội, một số sàn thương mại thuộc Dự án Tân Tây Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội thuộc sở hữu của Nhóm Công ty. Ngoài ra, còn có, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tại các dự án như: Roman Plaza (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội); Kalong Riverside (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh); Platin Center phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh...
Năm 2021, thị trường trái phiếu đã bộc lộ hàng loạt vấn đề nghiêm trọng xảy ra qua các vụ việc. Cũng từ đây, trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản đã bị đưa vào “tầm ngắm” để tái cơ cấu, ngăn chặn việc lũng đoạn, thao túng thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán, nhằm thanh lọc thị trường và môi trường đầu tư trở nên lành mạnh hơn, minh bạch hơn.
Do đó, việc phát hành trái phiếu ồ ạt nhưng lại mập mờ về thông tin của các doanh nghiệp nói chung, cũng như của Hải Phát Invest nói riêng đang làm dấy lên những lo ngại về sự bất ổn của thị trường trái phiếu và thị trường tài chính hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Công điện về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát điều tra các vấn đề có liên quan đến thị trường chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, làm lành mạnh hóa thị trường.
Khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng...
Khẩn trương điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời cũng cần nhanh chóng bổ sung, sửa đổi và thay thế những lỗ hổng trong các quy định về đất đai, chứng khoán, thị trường vốn và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Link nội dung: https://biztoday.vn/kinh-doanh-tut-doc-dong-tien-am-nang-day-hai-phat-invest-hpx-nguy-co-bom-no-trai-phieu-384507.html