Tập đoàn Masan huy động thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu để đảo nợ

Trước đó, một công ty con sở hữu gián tiếp của của Tập đoàn Masan (mã: MSN) cũng đã huy động thành công 500 tỷ đồng trái phiếu để đảo nợ.

Tập đoàn Masan phát hành trái phiếu để đảo nợ

 

Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) vừa thông báo phát hành thành công hai lô trái phiếu với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng có kỳ hạn 60 tháng. Hai lô trái phiếu vừa được Masan phát hành có mã MSNH2227003 và MSNH2227004 với giá trị lần lượt là 700 tỷ và 800 tỷ đồng được phát hành và hoàn tất vào cùng một ngày (ngày 21/9/2022) với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu.

Lãi suất 2 kỳ tính lãi đầu tiên cố định 9,5%/năm. Lãi suất đối với các kỳ tính lãi còn lại là lãi suất thả nổi bằng tổng của 3,975%/năm và lãi suất tham chiếu (trung bình cộng của lãi suất tiền gửi áp dụng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm các nhân bằng VND kỳ hạn 12 tháng do Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV công bố vào ngày xác định lãi suất có liên quan).

thong-tin-trai-phieu-duoc-masan-huy-dong-1664332399.jpg
 
thong-tin-hai-lo-trai-phieu-cua-tap-doan-masan-1664332439.jpg

Thông tin hai lô trái phiếu của Tập đoàn Masan (nguồn: HNX)

Theo thông tin được công bố trước đó, Tập đoàn Masan đã thay đổi mục đích phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu.

Với kế hoạch ban đầu, số tiền thu được từ lô trái phiếu tối đa 700 tỷ đồng sẽ được dùng để thanh toán một phần khoản gốc đáo hạn của trái phiếu MSNPO2022 với tổng mệnh giá phát hành là 1.500 tỷ đồng, được phát hành vào ngày 26/9/2019. Tương tự, lô trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng sắp được phát hành sẽ dùng để thanh toán một phần khoản gốc đáo hạn của trái phiếu MSNPO2022_01 với tổng mệnh giá 1.500 tỷ đồng, cũng được phát hành ngày 26/9/2019.

Còn theo kế hoạch mới, tổng 1.500 tỷ đồng trái phiếu thu được sẽ được dùng để thanh toán một phần gốc của trái phiếu BondMSN012023 phát hành vào ngày 9/3/2020 và đáo hạn ngày 9/3/2023. Thời gian dự kiến sử dụng vốn là quý I/2023.

Trước đó, hồi tháng 5/2022, Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo - NPM) công ty con sở hữu gián tiếp của Tập đoàn Masan cũng phát hành 1 lô trái phiếu mã NPMCH2227001 có giá trị 500 tỷ đồng kỳ hạn 60 tháng để đảo nợ. Cụ thể, thanh toán toàn bộ nợ gốc của trái phiếu có tổng mệnh giá 300 tỷ đồng phát hành ngày 29/5/2019, đáo hạn ngày 29/5/2022. Đồng thời, thanh toán toàn bộ nợ gốc của trái phiếu có tổng mệnh giá 200 tỷ đồng phát hành ngày 3/6/2019, đáo hạn ngày 3/6/2022.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có đảm bảo bằng tài sản. Lô trái phiếu được Tập đoàn Masan bảo lãnh thanh toán không huỷ ngang.

 

Dư nợ trái phiếu tại Tập đoàn Masan hơn 34.000 tỷ đồng

 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022, mặc dù nửa đầu năm 2022, Tập đoàn Masan ghi nhận lợi nhuận tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.110 tỷ đồng, song Masan lại gặp vấn đề lớn khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh lại âm gần 548 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 dương hơn 1.531 tỷ đồng.

Đồng thời, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư tại Masan cũng âm hơn 14.826 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 dương hơn 2.596 tỷ đồng. Duy nhất chỉ có dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương gần 2.786 tỷ đồng.

Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ tại Tập đoàn Masan âm hơn 12.588 trong khi cùng kỳ 2021 dương hơn 3.822 tỷ đồng.

Thông thường, khi nhìn nhận kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư chủ yếu chỉ quan tâm tới yếu tố doanh thu, lợi nhuận và thường bỏ qua yếu tố dòng tiền. Trong khi trên thực tế, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh mới là điểm mấu chốt để có thể đánh giá chính xác và toàn diện về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Vì vậy, dòng tiền kinh doanh âm là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Nhằm bù đắp dòng tiền thiếu hụt, Tập đoàn Masan đã đẩy mạnh đi vay để có vốn duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Tính đến cuối tháng 6/2022, Masan vay tổng cộng 56.872 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 45% trong tổng nguồn vốn 125.259 tỷ đồng. Trong đó dư nợ trái phiếu là 34.479 tỷ đồng, bao gồm 15.723 tỷ đồng là trái phiếu không có đảm bảo, 18.756 tỷ đồng là trái phiếu có đảm bảo.

chi-tiet-no-vay-tai-msn-1664332482.jpg

Chi tiết nợ vay tại MSN (nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022)

Vì tăng cường hoạt động vay nợ (chủ yếu là nợ vay ngắn hạn), tính đến cuối tháng 6/2022, Tập đoàn Masan ghi nhận nợ ngắn hạn phải trả cao hơn tài sản ngắn hạn đến 15.529 tỷ đồng, tương đương cao gấp 1,4 lần tài sản ngắn hạn.

Cụ thể, nợ ngắn hạn phải trả ghi nhận hơn 52.344 tỷ đồng, tăng đến 52% so với đầu năm. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn chỉ ghi nhận 36.815 tỷ đồng, giảm 16% so với hồi đầu năm.

no-ngan-han-phai-tra-tai-msn-cao-hon-tai-san-ngan-han-1664332573.jpg
 

Thực tế, nếu tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn điều này chứng tỏ doanh nghiệp không giữ vững quan hệ cân đối giữa tài sản ngắn hạn với nợ ngắn hạn vì xuất hiện dấu hiệu doanh nghiệp đã sử dụng một phần nguồn vốn ngắn hạn vào tài sản dài hạn. Mặc dù nợ ngắn hạn có khi do chiếm dụng hợp pháp hoặc có mức lãi thấp hơn lãi nợ dài hạn tuy nhiên chu kỳ luân chuyển tài sản khác với chu kỳ thanh toán cho nên dễ dẫn đến những vi phạm nguyên tắc tín dụng và có thể đưa đến một hệ quả tài chính xấu hơn.

Link nội dung: https://biztoday.vn/tap-doan-masan-huy-dong-thanh-cong-1500-ty-dong-trai-phieu-de-dao-no-384526.html