Khủng hoảng tài chính Anh: Lời cảnh báo cho các nền kinh tế toàn cầu

Cuộc khủng hoảng ở Anh cho thấy mối nguy hiểm mà các nền kinh tế khác có thể phải đối diện trong kỷ nguyên của lạm phát cao và lãi suất tăng.

Khủng hoảng ở Anh là một lời cảnh báo cho bất cứ nền kinh tế lớn nào trên toàn thế giới (Ảnh: Getty)

Khủng hoảng ở Anh là một lời cảnh báo cho bất cứ nền kinh tế lớn nào trên toàn thế giới (Ảnh: Getty)

Sự pha trộn giữa vấn đề chính trị, lạm phát và lãi suất cao đang đe dọa hệ thống tài chính của nước Anh, tạo nên một đợt sóng dư chấn lan ra khắp các thị trường toàn cầu và là lời cảnh báo đối với chính phủ các nước khác về sự nguy hiểm của kỷ nguyên kinh tế mới mà chúng ta đang bước vào.

Một đợt giảm thuế bất ngờ mà chính phủ mới của Anh công bố chỉ cách đây một tuần đã làm dấy lên quan ngại của giới đầu tư về uy tín tài chính của nước này, và khiến cho cả đồng bảng lẫn thị trường trái phiếu chính phủ, còn gọi là gilts (chứng khoán viền vàng), suy giảm.

Những chuyện phóng đại thường không có giá trị trong báo cáo thị trường, nhưng sự ồn ào trong tuần trước thực sự lớn. Cùng với sự dao động mạnh của đồng bảng, chứng khoán viền vàng kỳ hạn 50 năm đã mất tới 1/3 giá trị chỉ trong có 4 ngày. Sau đó giá trị của chúng lại tăng vọt thêm 1/4 chỉ trong một ngày nhờ vào chương trình mua trái phiếu khẩn cấp của Ngân hàng Anh (BoE), được công bố nhằm ngăn chặn một chu kỳ bán tháo của các quỹ hưu trí. Từ trước đến nay, đợt dao động lớn nhất trong khoảng thời gian 4 ngày chỉ bằng một nửa so với mức nêu trên, trong khi mức tăng lớn nhất trong một ngày chỉ là 15%, đều xảy ra trong bối cảnh phong tỏa chặn đại dịch COVID-19.

Những diễn biến lớn này đã gây tác động trực tiếp tới các thị trường thế giới, làm tăng giá trị đồng USD, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, và gây ảnh hưởng tới cả chứng khoán và giá hàng hóa. Thị trường gấu lại tiếp tục suy giảm.

Giữ vị trí một trung tâm tài chính lớn và là nơi quy tụ giới đầu tư toàn cầu, thêm vào đó tỷ giá hối đoái giữa đồng bảng và USD đóng vài trò là cặp đôi tiền tệ được giao dịch nhiều thứ ba trên thế giới, do vậy mà những diễn biến ở Anh gây tác động lớn đối với các thị trường toàn cầu. Ngoài ra còn một nỗi lo lớn hơn: Anh có thể là “chim hoàng yến trong mỏ than”, câu thành ngữ ám chỉ một tín hiệu cảnh báo về mối nguy hiểm mà các thị trường phát triển khác sắp phải đối diện.

Mối nguy hiểm đó có 3 mặt. Trong ngắn hạn, liệu có phải nước Anh là một trường hợp đặc biệt, hay mới chỉ là nạn nhân đầu tiên của đội tự kiểm trái phiếu mới nhận thức? Về dài hạn, liệu có phải Anh một lần nữa lại áp dụng hướng tiếp cận cực đoan – nới lỏng chính sách tài khóa, và làm tăng thêm sức ép về lạm phát – và điều này trở thành bình thường mới?

Cuối cùng, tình hình hiện nay cho thấy Fed tăng lãi suất cho đến khi có thứ gì đó đổ vỡ. Vai trò của Fed trong tất cả những diễn biến trên là, họ nâng lãi suất cao để giúp đồng USD tăng giá, gây ảnh hưởng tới đồng bảng Anh và kéo theo phần còn lại của thế giới cũng phải nâng lãi suất theo. Giờ đây, có thứ đã đổ vỡ, và có khả năng nhiều thứ khác cũng sẽ đổ vỡ theo.

Để giải quyết các vấn đề ngắn hạn, phải bắt đầu từ thứ sai lầm. Chính phủ Anh bắt đầu bằng chương trình giảm thuế đầy bất ngờ, với số vốn cần rót lên tới 1,8% GDP/năm, mang lại lợi ích cho phần lớn. Bình thường thì kế hoạch này không có gì hại. Nhưng nó lại được đưa ra ngay trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh, nợ công cao, và uy tín của các tổ chức chính phủ trong nước Anh đang suy giảm. Phần lớn những vấn đề này cũng có thể xảy ra ở các nước phát triển khác.

Lãi suất đang tăng ở khắp mọi nơi trên thế giới, điều này khiến giới đầu tư lo ngại. Vay mượn để kích thích nền kinh tế trong lúc lạm phát đang ở mức 2 con số và ngân hàng trung ương nâng lãi suất để cố gắng kiềm chế lạm phát đã khiến cho chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đi ngược chiều nhau. Có nghĩa rằng BoE còn nhiều việc phải giải quyết. Châu Âu hiện đã lựa chọn biện pháp tăng chi tiêu, thay vì giảm thuế, trong đó gói kích thích trị giá 735 tỉ USD đang được thực hiện.

Trong khi đó, Mỹ đã ngừng biện pháp hỗ trợ tài chính, sau khi Thượng viện phản đối những kế hoạch “Build Back Better” của Tổng thống Joe Biden cùng với mức lạm phát cao kỷ lục vốn là hậu quả do gói kích thích khổng lồ mà nước này đưa ra trong năm ngoái. Một phần trong kế hoạch ban đầu đã phải ngừng lại theo Đạo luật Giảm Lạm phát.

Ở Anh, nợ công đã tăng lên do chương trình trợ giá năng lượng 167 tỉ USD cho doanh nghiệp và hộ gia đình. Đây là khoản tiền trợ giá lớn nhất mà một quốc gia châu Âu nào từng chi, cho đến khi Đức thậm chí còn đưa ra mức cao hơn trong hôm thứ Năm, tương đương với 6,5% GDP của Anh, theo hãng phân tích Bruegel. Tuy nhiên các thị trường không chịu tác động từ chương trình trợ giá này, bởi đây là khoản trợ giá 1 lần duy nhất nhằm đối phó với giá năng lượng tăng. Còn ở Anh, chương trình giảm thuế cùng với các khoản thất thu của chính phủ do chương trình này gây ra lại có thể là vĩnh viễn.

Điều khiến cho tình hình nợ tồi tệ hơn chính là thực tế rằng Anh phải đi vay bên ngoài, bởi họ đang có mức thâm hụt tài khoản vãng lai khổng lồ. Đây là đặc điểm quan trọng của các thị trường phát triển, đi vay bằng chính đồng tiền của họ. Nhưng họ vay càng nhiều, đồng tiền càng mất giá, hoặc lãi suất càng cao, hay như trong tuần qua là cả hai trường hợp.

Dư luận xung quanh chương trình giảm thuế của Anh thực sự tồi tệ. Chính phủ Anh đã không giải thích rõ về tầm ảnh hưởng của chương trình này đối với tình hình tài chính của chính phủ, mà chỉ đơn giản nói về tham vọng thúc đẩy đà tăng trưởng của họ, và cho rằng giảm thuế sẽ giúp thực hiện mục tiêu đó. Các nhà kinh tế học, giới đầu tư không nhất trí với luận điểm này. Thủ tướng Liz Truss vẫn giữ im lặng trong nhiều ngày sau khi các thị trường phản ứng kịch liệt, sau đó cố gắng đổ lỗi cho các vấn đề toàn cầu. Việc bác bỏ điều mà mọi nhà đầu tư đều trông thấy là một chiến lược tồi tệ.

Trong suốt mùa Hè năm nay, bà Truss đã liên tục chỉ trích hướng tiếp cận của Bộ Tài chính Anh đối với các vấn đề kinh tế - một hướng tiếp cận giúp đảm bảo các thị trường trái phiếu, nhưng theo bà Truss là khiến cho đà tăng trưởng chậm lại trong suốt một thập kỷ qua. Sa thải Bộ trưởng Tài chính là một trong những động thái đầu tiên của chính phủ mới, điều khá hiếm thấy ở nước này.

“Đầu tiên chúng ta có Brexit, rồi có Boris Johnson (cựu Thủ tướng Anh), và giờ là ý tưởng trở lại trạng thái bình thường” với sự xuất hiện của bà Truss, theo Richard Robb, đồng sáng lập hãng quản lý quỹ Christofferson Robb & Co, nói. “Và rồi mọi thứ không trở lại trạng thái bình thường nữa.”

Những quốc gia khác cũng đang chật vật đối phó với một số những vấn đề tương tự như Anh. Nhưng không có nền kinh tế lớn nào khác lại ung dung đến vậy trước điều mà các thị trường mong muốn. Trường hợp xảy ra ở Anh đã đưa ra một bài học cho các nhà lãnh đạo khác, rằng họ cần phải thận trọng hơn. Anh có thể là trường hợp đầu tiên, và đó là lời cảnh báo để các nước khác xử lý tốt hơn các vấn đề thị trường trái phiếu.

Xét về dài hạn, chắc chắn rằng sức ép lạm phát sẽ tiếp tục đè nang lên chính phủ nhiều nước trong tương lai. Anh là khuôn mẫu của đình trệ trường kỳ giai đoạn hậu 2010, khi đà tăng trưởng chậm lại bất chấp lãi suất cực thấp. Anh đã phải áp dụng biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhiều hơn so với các nước lớn khác, cắt giảm mạnh chi tiêu để vận hành một chính sách tài khóa cực kỳ chặt chẽ, trong khi BoE nỗ lực bù đắp bằng lãi suất thấp kỷ lục để hỗ trợ nền kinh tế. Thủ tướng Truss, người yêu thích hình tượng vị Thủ tướng cắt giảm thuế Margaret Thatcher, có thể tự đặt mình vào hướng tiếp cận đối lập, bởi chương trình giảm thuế của bà có thể khiến người dân móc hầu bao trong nhiều năm nữa – từ đó làm tăng lãi suất.

Trước đây, các thị trường vẫn tin rằng rằng, sức ép lạm phát có thể cao, nhưng chỉ là tạm thời. Nhưng điều đó đã thay đổi trong vài tháng qua, khi mà lãi suất dài hạn đối với trái phiếu chính phủ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (TIPS) tăng lên do các nhà đầu tư đặt cược rằng sức ép lạm phát sẽ buộc các ngân hàng trung ương duy trì mức lãi suất cao trong một khoảng thời gian.

Nguy cơ lớn nhất ở đây là, Anh chỉ là nạn nhân đầu tiên của lãi suất cao. Những chu kỳ thắt chặt tiền tệ trước đây của Fed thường gây ra nhiều vấn đề tài chính, dễ thấy nhất là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ khủng hoảng nợ thế chấp dưới chuẩn năm 2007, sự sụp đổ của quỹ bảo hộ Long-Term Capital Management năm 1998. Khi đồng tiền có được dễ dàng, nhiều điều tồi tệ sẽ xảy ra.

Tồi tệ đến mức nào, không ai có thể dự đoán trước được. Hiện nay, hệ thống ngân hàng đã tốt hơn so với năm 2007, nhưng nên nhớ BoE vừa phải vào cuộc để ngăn chặn những vấn đề xảy ra đối với các quỹ hưu trí, một lĩnh vực mờ nhạt mà rất ít người cho là sẽ gặp vấn đề. Chiến lược của các quỹ hưu trí vốn được thiết kế để chống lại tác động của những đợt tăng lãi suất đã sụp đổ khi lãi suất tăng mạnh và giá trái phiếu giảm.

Link nội dung: https://biztoday.vn/khung-hoang-tai-chinh-anh-loi-canh-bao-cho-cac-nen-kinh-te-toan-cau-387704.html