Chủ động ứng phó đậu mùa khỉ sau ca nhiễm đầu tiên

Bộ Y tế hướng dẫn khi ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, cần điều tra kỹ tất cả trường hợp tiếp xúc để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch, không để lây lan rộng ra cộng đồng

Sáng 3-10, tại buổi họp giao ban và triển khai hoạt động trọng tâm quý IV/2022, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết qua hoạt động giám sát, ngành y tế thành phố đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên.

Chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm

Ca bệnh đậu mùa khỉ vừa phát hiện là nữ, 35 tuổi. Bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 18-9 khi đang du lịch tại Dubai (đi từ tháng 7-2022, ngày 22-9 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu, ho; xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên người.

Ngay sau khi về Việt Nam, ngày 23-9, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu TP HCM. Tại đây, bác sĩ khám, nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ nên cho cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán (xét nghiệm Real-time PCR tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Viện Pasteur TP HCM). Ngày 25-9, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với bệnh đậu mùa khỉ và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM để tiếp tục cách ly, điều trị. Hiện tại, bệnh nhân không sốt, sức khỏe ổn định.

"Với những thông tin khai thác được qua điều tra dịch tễ, cùng với kết quả xét nghiệm, giải trình tự gien, Bộ Y tế nhận định đây là trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguồn lây từ nước ngoài; các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Việt Nam (kể từ khi về nước) đều được giám sát, theo dõi theo quy định và hiện chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm" - Bộ Y tế thông tin.

Theo ông Tăng Chí Thượng, ngay sau khi phát hiện ca nghi nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên, công tác tầm soát ca bệnh và phòng chống dịch được ngành y tế TP HCM triển khai nhanh chóng, chặt chẽ.

Ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên của Việt Nam đang được cách ly, điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM. Ảnh: HẢI YẾN

Ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên của Việt Nam đang được cách ly, điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM. Ảnh: HẢI YẾN

Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) đã và đang triển khai giám sát người nhập cảnh qua các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Tăng cường sàng lọc tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng như tổ chức truyền thông yêu cầu người dân có triệu chứng nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ hãy đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được phân công là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ kèm triệu chứng nặng; các trường hợp có thể mắc nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh viện; các trường hợp đã xác định mắc bệnh.

Bệnh viện này cũng được giao phối hợp Đơn vị nghiên cứu lâm sàng - Đại học Oxford (OUCRU) để tiến hành nghiên cứu ca lâm sàng đối với các trường hợp có thể. Mở các lớp tập huấn về phát hiện, cách ly, chăm sóc người mắc bệnh đậu mùa khỉ cho các đơn vị liên quan.

Triển khai các biện pháp phòng bệnh

Cũng trong ngày 3-10, Bộ Y tế đã gửi Công văn khẩn số 5470 đến UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Bộ Y tế cho biết từ tháng 5-2022 đến nay, dịch bệnh đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Đến ngày 26-9, thế giới nghi nhận 64.561 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 105 nước.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

Bộ Y tế cũng lưu ý người dân tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống). Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương khi ghi nhận trường hợp bệnh, cần khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, đồng thời lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

Không đáng lo

PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho rằng nếu có cảnh giác, khả năng lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ rất thấp và khác hẳn COVID-19. Đối với COVID-19, khi tiếp xúc có thể bị lây mà không biết nguồn lây là ai. Còn với đậu mùa khỉ, chắc chắn sẽ có các triệu chứng và biết được nguồn lây. Bên cạnh đó, với bệnh này, khả năng lây nhiễm khó hơn, biết được nguồn lây sẽ truy vết dễ hơn.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng, bệnh đậu mùa khỉ do virus gây ra và tương tự như virus đậu mùa. Thời gian ủ bệnh từ 5-14 ngày, có triệu chứng toàn thân như sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, nổi hạch. Sau đó, cơ thể có phát ban chuyển thành mụn nước rồi trở thành mụn mủ, kéo dài từ 1-2 tuần. Do đây là bệnh đậu mùa của động vật nên khả năng lây và trở nặng cũng như tử vong thấp.

Link nội dung: https://biztoday.vn/chu-dong-ung-pho-dau-mua-khi-sau-ca-nhiem-dau-tien-388246.html