Được yêu mến nhất tại Malang, Đông Java, Indonesia, thế nên mỗi trận đấu của Arema FC là một ngày hội đối với người dân thành phố này. Hàng chục ngàn thanh niên trai tráng, những người tự gọi mình là Aremania, lèn kín khán đài Kanjuruhan vào tối thứ Bảy, với hy vọng đội bóng yêu quý sẽ đánh bại Persebaya Surabaya, đối thủ họ luôn đánh bại suốt 23 năm qua.
Nhưng lần này Arema lại thua với tỷ số 2-3, và những CĐV quá khích bắt đầu tràn vào sân cùng cơn thịnh nộ. Những gì diễn ra tiếp theo đã trở thành thảm họa chết chóc kinh hoàng nhất trong lịch sử thể thao thế giới: Cảnh sát bắt đầu bắn đạn hơi cay vào đám đông và đánh CĐV bằng dùi cui, những người khác vội vàng và hoảng loạn chen lấn thoát ra khỏi sân bóng đá bị biến thành đấu trường qua những cánh cổng hẹp, từng lớp người này đè lên lớp người khác. Tính đến đêm Chủ nhật, ít nhất 182 người thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương.
“Tôi vẫn đang nghĩ: Cơn ác mộng vừa qua có phải sự thực không?”, Felix Mustikasakti Afoan Tumbaz, một CĐV 23 tuổi bị thương ở chân phải vì bị đạn hơi cay bắn vào người, nói. “Làm thế nào thảm kịch như vậy có thể xảy ra và khiến nhiều người chết đến thế?!”.
Một trong những tác nhân chính gây nên thảm kịch là việc cảnh sát địa phương sử dụng hơi cay, thứ vũ khí giải tán đám đông, trong khi sân bóng lại đang chật cứng người và gần như không lối thoát. Vì vậy, mạng xã hội tại Indonesia xuất hiện làn sóng chỉ trích và kêu gọi ông Cảnh sát trưởng Cảnh sát Quốc gia từ chức.
Bạo lực sân cỏ, những cuộc đụng độ gây thiệt hại về người giữa các nhóm CĐV hung tợn là căn bệnh trầm kha của bóng đá Indonesia. Một số đội bóng còn có những hội CĐV hoạt động như một đội quân và có cả chỉ huy. Pháo sáng thường xuyên ném xuống sân, và cảnh sát chống bạo đồng cũng ngày càng hiện diện đông đảo trong các trận bóng. Kể từ năm 1990, hàng chục CĐV đã thiệt mạng vì bạo lực sân cỏ.
Nhưng Indonesia chưa bao giờ trải qua thảm kịch nào khủng khiếp như vừa rồi. Biến cố tại sân Kanjuruhan dường như là hồi chuông réo rắt nhất có thể để cảnh tỉnh các nhà chức trách về những nguy cơ tiềm ẩn trong bóng đá.
Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo, đã yêu cầu Cảnh sát trưởng điều tra toàn diện vụ việc. Trong bài phát biểu trên đài quyền hình quốc gia, ông cũng cho biết đã ra lệnh cho Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao cũng như Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Indonesia phải đánh giá khả năng đảm bảo an ninh ở các trận đấu bóng đá.
“Tôi rất tiếc vì thảm kịch vừa xảy ra”, ông Joko nói. “Và tôi hy vọng đây là thảm kịch bóng đá cuối cùng ở đất nước này”.
Trong khi đó, phía cảnh sát vẫn bảo vệ quan điểm phải sử dụng hơi cay để “khuất phục” đám đông quá khích. Ông Nico Afinta, Cảnh sát trưởng tỉnh Đông Java, cho biết khí tài được triển khai “vì có tình trạng bạo loạn” và những CĐV “sắp sửa tấn công lực lượng cảnh sát và đã phá hỏng xe chuyên dụng”.
Tuy nhiên, các nhân chứng phản đối phát ngôn của ông Cảnh sát trưởng và nói rằng các nhân viên công lực đã bắn đạn hơi cay một cách bừa bãi vào khán đài, hệ quả là sự hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau của CĐV và cũng khiến nhiều người chết ngạt. Những video lan truyền trên mạng xã hội cũng cho thấy các CĐV cố phá hàng rào để chạy thoát khỏi vùng khói hơi cay. Trong khi đó, lực lượng an ninh với khiên và dùi cui liên tục hành hung những CĐV có ý định chạy vào sân.
Sân bóng đã bị quá tiair. Ông Mahfud MD, Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, luật pháp và an ninh quốc gia Indonesia cho biết, ban tổ chức địa phương đã in 42.000 vé, vượt 6.000 vé so với sức chứa của sân vận động Kanjuruhan. Trong khi đó, Cảnh sát trưởng Đông Java, ông Afinto công bố có 40.000 người bên trong sân bóng thời điểm thảm kịch xảy đến.
Cảnh sát đã trang bị hơi cay, mặc dù việc sử dụng hơi cay bị FIFA, Liên đoàn bóng đá thế giới, cơ quan quản lý bóng đá toàn cầu cấm sử dụng. Ông Owen West, giảm viên cao cấp về trị an tại Đại học Edge Hill tại Anh, cho biết việc sử dụng bom, đạn kiểm soát đám đông và thiết bị chống bạo động “trở thành lời tiên tri tự ứng nghiệm” bởi “các giả định chiến thuật của sĩ quan cảnh sát đều bắt đầu từ cảm giác mất kiểm soát”.
“Việc sử dụng chiến thuật phân tán bằng hơi cay như trường hợp này là vô cùng nguy hiểm”, ông West nói. “Tôi đoán rằng cảnh sát sử dụng hơi cay nhưng không nghĩ đến hậu quả hàng ngàn người không thể phân tán”.
Joshua Nade, một CĐV nhân chứng cho biết sau khi trận đấu kết thúc, hai hoặc ba CĐV quá khích đã tức giận lao từ khán đài xuống sân để sỉ vả các cầu thủ. Cảnh sát đã vào cuộc để xua đuổi những CĐV này trở lại khán đài, nhưng kết quả là kéo thêm những người hâm mộ khác vào cuộc xung đột. Rải rác các cuộc ẩu đả giữa cảnh sát và người hâm mộ xảy ra khiến các nhân viên công lực sử dụng loạt đạn hơi cay đầu tiên vào lúc 22h30 theo giờ địa phương.
Đến 23h00, lực lượng an ninh bất ngờ bắn đạt hơi cay đồng loạt và có chủ đích vào khán đài, ông Joshua cũng như nhiều CĐV khác cho biết. Hệ quả là hàng trăm CĐV đổ xô chạy ra lối thoát hiểm trong khi cảnh sát tiếp tục bắn hơi cay trong vòng một giờ đồng hồ.
Bên ngoài sân vận động, hàng trăm CĐV tức tối xô xát với cảnh sát. Một số đường đi bị phong tỏa, bề ngoài là để giữ cho đám đông quá khích không tràn vào sân, nhưng kết quả thực tế khiến hàng ngàn CĐV bị kẹt bên trong.
Để thoát ra ngoài, ông Joshua cho biết, một số CĐV đã phải trèo qua hàng rào cao gần 5m và đứng cheo leo trên những CĐV hoảng loạn khác. Nhân chứng này còn nhấn mạnh thêm rằng cảnh sát đứng ngay cạnh và trơ trơ vô cảm trước hàng trăm người hâm mộ ngất xỉu vì hơi cay.
Trong một tuyên bố, Quỹ Hỗ trợ Pháp lý Indonesia cho biết “việc sử dụng vũ lực quá mức cần thiết thông qua hơi cay và hành động kiểm soát đám đông thiếu hợp lý là nguyên nhân dẫn đến đa phần trường hợp thiệt mạng” trong thảm kịch bóng đá vừa qua.
“Nếu không có hơi cay, sẽ không có bạo loạn như vậy”, Suci Rahayu, một phóng viên ảnh có mặt trên sân nói.
Bạo lực bóng đá như đã đề cập là căn bệnh trầm kha của đất nước Indonesia và cảnh sát thường túc trực để giải quyết đám CĐV quá khích. Lần cuối cùng hơi cay được nhân viên công lực sử dụng đã dẫn đến cái chết của 1 CĐV cũng của Arema ở trận đấu vào năm 2018. Ngoài ra còn có 214 người bị thương.
Số người thiệt mạng tại Kanjuruhan đưa thảm kịch này vào hàng biến cố thể thao tồi tệ nhất lịch sử nhân loại, bao gồm cuộc bạo động tại Peru vào năm 1964 khiến 300 người chết, và ở Hillsborough, Anh, trong trận bán kết FA Cup giữa Liverpool đấu với Nottingham Forest dẫn đến 97 CĐV không bao giờ trở về nhà.
Tại Malang đem Chủ nhật, hàng trăm CĐV Arema tổ chức lễ nguyện cầu cho người đã khuất. Những người sống sót thì sẽ bị ký ức kinh hoàng này đeo đẳng suốt cuộc đời.
Ông Bambang Siswanto, bố của cậu CĐV 19 tuổi Gilang Putra Yuliazah, cho biết con và cháu trai ông đã đến sân cổ vũ cùng 3 chàng trai khác. Cậu cháu trai 17 tuổi của ông đã qua đời còn con trai ông, như ông nói, đang bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng.
“Thằng bé sốc nặng”, ông Bambang cho biết. “Thằng bé trông khá ổn khi chúng tôi tìm thấy nó, nhưng ngay sau khi nhìn thấy thi thể của đứa em họ, nó choáng váng và thẫn thờ. Đến tận bây giờ, ai hỏi gì nó cũng không trả lời”.
Bà Etri, mẹ của Gilang, thổ lộ bà đã nói với con trai đừng đến sân xem bóng, nhưng cậu con trai bà là fan nhiệt thành của Arema. “Tôi sẽ không bao giờ để nó đến sân xem bóng nữa”, bà quả quyết. “Tôi vô cùng kinh hãi”.
Không chỉ bà Etri, nhiều bà mẹ khác sẽ cấm con trai đến sân xem bóng. Nhiều chàng trai khác như Gilang sẽ xem bóng đá là nỗi ám ảnh. Đó là kết cục bi thảm cho bóng đá, môn thể thao được hâm mộ cuồng nhiết tại Indonesia. Thậm chí vì đặc điểm địa lý, bóng đá vẫn được xem là phương thức hữu hiệu để gắn kết người dân trên xứ Vạn Đảo.
Tổng kết lại, Indonesia là đất nước rất có tiềm lực và tiềm năng để phát triển bóng đá. Tuy nhiên, suốt 30 năm qua quốc gia này chưa từng một lần đăng quang ở sân chơi khu vực chứ đừng nói chuyện bơi ra biển lớn châu lục. Thảm kịch vừa xảy ra Kanjuruhan bóc trần nguyên nhân sự loay hoay của nền bóng đá xứ Vạn Đảo. Đơn giản, chẳng nền bóng đá nào có thể phát triển bằng tham nhũng, bạo lực, hơi cay hay dùi cui.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tham-kich-bong-da-indonesia-hoi-cay-dui-cui-va-thuc-trang-388899.html