Tân Phú Việt Nam (TPP) phát hành cổ phiếu chỉ để trả nợ, bị UBCKNN phạt 210 triệu đồng

Tân Phú Việt Nam (TPP) có cơ cấu tài sản với nợ phải trả chiếm tỷ trọng rất lớn, từng 2 lần phát hành cổ phiếu chỉ để lấy tiền trả nợ ngân hàng, đến nay lại bị phạt 210 triệu đồng vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Tân Phú Việt Nam (TPP) bị phạt tổng cộng 210 triệu đồng vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán

 

Bên cạnh tình hình kinh doanh bết bát, mới đây Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định số 726/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Tân Phú Việt Nam (trước đây là Nhựa Tân Phú), có địa chỉ tại Số 314 Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM với tổng số tiền 210 triệu đồng vì các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Theo đó, phạt tiền 15 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

cong-ty-co-phan-tan-phu-viet-nam-1664934832.jpg

Tân Phú Việt Nam (trước đây là Nhựa Tân Phú) bị xử phạt tổng cộng 210 triệu đồng vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán (Ảnh TL)

Cụ thể, TPP đã không quy định tại Quy chế nội bộ về quản trị công ty việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác.

Phạt tiền 125 triệu đồng với vi phạm hành chính về việc không đảm bảo thành viên Ủy ban kiểm toán đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và không thuộc các trường hợp pháp luật quy định.

Cuối cùng, UBCKNN xử phạt TPP thêm 70 triệu đồng vì lỗi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật (Công ty cổ phần Tân Phú Việt Nam công bố thông tin không đúng thời hạn tới Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội đối với nội dung công bố thông tin định kỳ 6 tháng năm 2021 về báo cáo tài chính trong kỳ, tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu trong kỳ, báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu trong kỳ.

Tổng số tiền phạt là 210 triệu đồng, quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày 28/9

 

Cơ cấu nợ chiếm tới 3/4 tổng tài sản, lợi nhuận rất mỏng dù doanh thu có tăng trưởng

 

Theo báo cáo tài chính bán niên 2022 đã soát xét của Công ty cổ phần Tân Phú Việt Nam, doanh thu bán hàng ghi nhận 845,7 tỷ đồng, tăng trưởng 26,8% so với cùng kỳ. Theo đó, giá vốn hàng bán cũng tăng thêm 26,6%.

Doanh thu từ hoạt động tài chính ghi nhận 9,4 tỷ đồng, chi phí tài chính bán niên 2022 ghi nhận 31,5 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Cả chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh, tương ứng với tỷ lệ 63,9% và 45,5%. Các khoản chi phí gia tăng đã bào mòn lợi nhuận của Tân Phú Việt Nam, khiến cho đơn vị này dù doanh thu ghi nhận tới hơn 800 tỷ đồng nhưng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 15,8 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận chỉ khoảng 1,9%.

Tại thời điểm kết thúc quý II/2022, tổng tài sản của Tân Phú Việt Nam ghi nhận 1.552,9 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả chiếm tỷ trọng vô cùng lớn, đạt 1.215,1 tỷ đồng, tương ứng với 78,2% tổng tài sản. Nợ ngắn hạn chiếm 1.024,5 tỷ đồng, tăng 41,1% so với thời điểm đầu năm 2022. Vốn chủ sở hữu ghi nhận đạt 337,8 tỷ đồng, tương ứng chiếm 21,8% tổng tài sản.

 

Phát hành cổ phiếu 2 lần, tổng giá trị 250 tỷ đồng chỉ để… trả nợ

 

Tính từ cuối năm 2021 trở lại đây, CTCP Tân Phú Việt Nam đã có 2 lần phát hành thêm cổ phiếu với mục đích sử dụng nguồn vốn để… trả nợ.

Lần gần đây nhất là đợt phát hành 15 triệu cổ phiếu với mệnh giá phát hành 10.000 đồng/cp, thời gian chuyển nhượng từ ngày 25/8 đến ngày 12/9. Theo kết quả của đợt chào bán do Tân Phú Việt Nam công bố thì số cổ phiếu đã chào bán ra công chúng trong đợt này là 13.842.474 cổ phiếu, chiếm 92,28% khối lượng đăng ký phát hành ban đầu. Phần cổ phiếu không phân phối hết được xử lý chiếm 7,72% còn lại.

Nguồn vốn thu được từ đợt phát hành này là 150 tỷ đồng, theo kế hoạch ban đầu của Tân Phú Việt Nam thì công ty sẽ sử dụng 100 tỷ đồng để trả nợ cho 5 ngân hàng bao gồm BIDV, Vietinbank, Vietcombank, VIB và Techcombank. Trong đó, khoản nợ đối với ngân hàng BIDV chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên tới gần 60 tỷ đồng.

co-cau-su-dung-nguon-von-thu-duoc-tu-dot-phat-hanh-15-trieu-co-phieu-tpp-chu-yeu-de-tra-no-1664934869.jpg

Cơ cấu sử dụng nguồn vốn thu được từ đợt phát hành 15 triệu cổ phiếu TPP chủ yếu để trả nợ.

Phần 50 tỷ còn lại được ghi nhận để “bổ sung vốn lưu động cho Công ty” nhưng thực chất phần lớn cũng để trả nợ. Trong đó, 23,2 tỷ đồng được dùng để trả nợ các L/C đến hạn mua nguyên vật liệu tháng 9/2022; 23,7 tỷ đồng được dùng để trả nợ các L/C đến hạn mua nguyên vật liệu tháng 10/2022.

Còn trong lần phát hành trước đó diễn ra vào ngày 3/12/2021, Tân Phú Việt Nam đã phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cp, tăng vốn điều lệ công ty từ 200 tỷ lên 300 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn 100 tỷ đồng thu được từ lần này đã được dùng để trả nợ vay của Tân Phú Việt Nam đối với 2 ngân hàng Vietcombank và Techcombank.

Như vậy, trong cả 2 lần phát hành cổ phiếu, hàng trăm tỷ đồng thu được của Tân Phú Việt Nam phần lớn đều đã được dùng chỉ với mục đích trả nợ ngân hàng khiến nhà đầu tư không thể không đặt dấu hỏi về khả năng hoạt động của đơn vị này.

Link nội dung: https://biztoday.vn/tan-phu-viet-nam-tpp-phat-hanh-co-phieu-chi-de-tra-no-bi-ubcknn-phat-210-trieu-dong-388913.html