Bà nhận định thế nào về kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phục hồi và phát triển hiện nay, thưa bà?
Bà Era Dabla-Norris: Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, theo số liệu thống kê mới nhất, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt. Chúng tôi kỳ vọng điều này tiếp tục diễn ra vào cuối năm nay. Việt Nam là một trong những quốc gia có hiệu quả phục hồi kinh tế tốt nhất khu vực.
Cùng với đó, lạm phát của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu trung bình là 4%. Theo tôi, có bốn lý do chính:
Thứ nhất, hồi đầu năm, sự phục hồi kinh tế đã bắt đầu nhưng vẫn còn chậm một chút.
Thứ hai, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp phù hợp để giảm bớt tác động của giá nhiên liệu cao, như hình thức cắt giảm thuế môi trường và các động thái chiến lược khác.
Thứ ba, nguyên nhân là do giá dịch vụ hỗ trợ, hoạt động hành chính và hoạt động dịch vụ khác vẫn tương đối ổn định.
Và cuối cùng, so với các nước khác trong khu vực, sự điều hành tỉ giá hối đoái linh hoạt của Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát. Nhờ có sự kết hợp của các yếu tố này nên lạm phát trung bình từ đầu năm đến nay vẫn ở mức thấp hơn mức 4% đặt ra.
Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng đây là chỉ số lạm phát cơ bản, loại bỏ các thành phần như giá thực phẩm và giá một số nhiên liệu đang tăng lên. Nếu nhìn tổng hòa từ nhiều cạnh, kết quả thời gian qua cho thấy sức mạnh, sự phục hồi của nền kinh tế trong nước.
IMF đánh giá thế nào về chính sách quản lý, điều hành của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt trong việc kiềm chế lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô?
Bà Era Dabla-Norris: Chính phủ đã làm được việc đáng ngưỡng mộ trong năm nay dù chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19, đó là ngày từ nửa đầu năm 2022, đã dần mở cửa trở lại nền kinh tế và ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đến nửa sau của năm, Chính phủ chuyển trọng tâm, tập trung hơn vào việc giảm áp lực lạm phát đang có. Chính sách điều hành tỉ giá hối đoái đã được thực hiện hiệu quả, quản trị được sự giảm giá của VNĐ theo cách giảm lạm phát nhập khẩu. Đây là một yếu tố rất quan trọng.
So với nhiều nền kinh tế trong khu vực, lạm phát ở các nước này cao hơn nhiều, đồng tiền của họ bị mất giá hơn và đã có sự can thiệp của ngoại hối để giúp quản lý áp lực mất giá, từ đó tác động đến lạm phát nhập khẩu.
Về tổng thể ở Việt Nam hiện nay, sự kết hợp của các chính sách đồng bộ, sự chuyển dịch kịp thời, chuyển trọng tâm từ hỗ trợ phục hồi sang tập trung vào ổn định giá cả đã giúp kiềm chế lạm phát tốt.
Bà có khuyến nghị gì đối với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới?
Bà Era Dabla-Norris: Tôi muốn nhấn mạnh là trên thực tế, các nền tảng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam đã mạnh mẽ ngay cả trước khi có sự suy thoái do đại dịch, các chính sách đã được triển khai thận trọng.
Thời gian tới, IMF nhận định tình hình thế giới có nhiều bất ổn trong điều kiện tài chính toàn cầu đang trở nên chặt chẽ hơn. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại đáng kể, do đó trọng tâm của chính sách cần tập trung nhiều vào việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô một cách toàn diện và tổng thể nhất.
Trong đó, chính sách tiền tệ nên tập trung vào ổn định giá cả. Đây là nhân tố quan trọng nhất của chính sách và cần được thực hiện một cách nhất quán để đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, trong biến động của tình hình thế giới, việc quản lý và duy trì ổn định dựa trên tỉ giá hối đoái sẽ là vấn đề then chốt mà Việt Nam cần chú trọng.
Link nội dung: https://biztoday.vn/truong-doan-giam-sat-cua-imf-viet-nam-da-lam-duoc-viec-dang-nguong-mo-388952.html