Bán giấc mơ làm giàu, thu lãi cỡ nào?

Vừa qua, câu chuyện về lãnh đạo XSKT An Giang nhận lương “khủng” khiến dư luận quan tâm, và đặt câu hỏi: "Các Công ty XSKT giàu như thế nào?".

XSKT - “bầu sữa” ngân sách

Lâu nay, nếu ở khu vực miền Bắc, tìm đỏ mắt cũng không thấy người bán vé số kiến thiết, thì ở miền Tây Nam Bộ, người ta có thể tìm mua vé số ở bất kỳ đâu. Họ đến mời chào tận cửa nhà, quán ăn, đường phố...

ban-ve-so-1664956817.jpg Một sạp bán vé số ven đường ở Cần Thơ.

Ở khu vực này, xổ số kiến thiết (XSKT) đã không còn đơn giản là trò chơi may rủi, mà đã trở thành “nét văn hóa”, được người dân miền Tây ưa chuộng, và mua mỗi ngày.

Mỗi tờ vé số có mệnh giá 10.000 đồng với giải đặc biệt cao nhất, nếu trúng thưởng giải đặc biệt 6 con số là 2 tỷ đồng. Vé số in xong được chuyển về các đại lý trước vài ngày so với ngày mở thưởng.

Sau đó, người bán dạo sẽ đến các đại lý nhận vé số rồi túa ra khắp nơi để đi bán. Nguồn phát hành chủ yếu của xổ số cũng thông qua họ. Chỉ một số ít người dân tìm mua vé số tại các sạp ven đường.

Bình quân, mỗi tờ vé số bán được, người bán lãi được khoảng trên dưới 1.000 đồng (tùy mua thiếu hay trả tiền mặt cho đại lý). Mỗi ngày, một người có thể bán được từ 100-300 tờ, tương ứng với mức thu nhập 100.000-300.000 đồng/ngày.

Doanh thu từ hoạt động phát hành vé số của các công ty xổ số truyền thống mỗi năm đều đạt tới hàng nghìn tỷ đồng và không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Tính chung toàn miền Nam, mỗi năm, các công ty XSKT nộp ngân sách trên dưới 100.000 tỷ đồng.

ban-ve-so-2-1664956886.jpg Doanh thu từ hoạt động XSKT rất lớn.

 

hư tại Cần Thơ, trong năm 2021, tổng doanh thu của Công ty XSKT đạt 3.475 tỷ đồng, trong đó, nộp ngân sách 1.230 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 345 tỷ đồng.

Còn tại An Giang, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty XSKT tỉnh này đạt doanh số phát hành 2.860 tỷ đồng (đạt 50% kế hoạch, tăng 105,5% so cùng kỳ; doanh thu tiêu thụ vé số 2.837 tỷ đồng (đạt 52,9% kế hoạch, tăng 106,5% so cùng kỳ).

Theo đó, tổng lợi nhuận đạt 390,9 tỷ đồng (đạt 59% kế hoạch, tăng 152,9% so cùng kỳ), nộp ngân sách Nhà nước 923,4 tỷ đồng.

Chính nguồn thu khủng như vậy, nên nhiều doanh nghiệp xổ số đang trở thành trụ cột trong việc đóng góp vào nguồn thu ngân sách Nhà nước tại một số địa phương.

Nên nếu xảy ra các đợt tạm dừng hoạt động XSKT như trong năm 2021 do dịch Covid-19, đã khiến các địa phương lo sốt vó.

Cần xem xét quyền lợi người bán dạo

Hiện nay, những người bán vé số dạo là lực lượng chính mang lại nguồn thu khủng cho các Công ty XSKT. Họ làm việc vất vả cả ngày lẫn đêm, nhưng người bán lẻ vé số chưa được hưởng các quyền lợi tương ứng, phù hợp với công sức.

ban-ve-so-3-1664956947.jpg Hầu hết những người bán vé số dạo đều có cuộc sống nghèo khó và cần được giúp đỡ.

 

Hầu hết họ có đời sống nghèo khó, phải chạy ăn từng bữa, không được trả lương cơ bản để đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Họ không được các công ty XSKT đóng BHXH để được hưởng các chế độ bảo hiểm khi bệnh tật, già yếu, không còn khả năng lao động.

Mức hưởng chiết khấu trên 1 tờ vé số bán ra còn thấp... Thậm chí, không may gặp tai nạn trên đường đi bán, họ cũng phải tự chịu.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, lấy ví dụ như trong năm 2021, chỉ tiêu thu ngân sách của tỉnh là gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tiêu nộp từ ngành xổ số là khoảng 1.300 tỷ đồng.

Hàng năm, từ nguồn thu từ XSKT, tỉnh đã đầu tư vào các dự án công trình trọng điểm mang tính phúc lợi xã hội, trong đó, nổi bật là y tế và giáo dục, giao thông...

Theo ông Hẳn, những người bán vé số dạo đều là lao động nghèo, là lực lượng chính mang lại nguồn thu cho hoạt động xổ số. Do đó, từ nguồn thu xổ số, tỉnh đã thông qua các chương trình phúc lợi xã hội để chăm lo cho nhóm đối tượng này.

Ông Nguyễn Thái Bình, Giám đốc Công ty XSKT tỉnh Hậu Giang cho biết: Bình quân mỗi năm, công ty nộp ngân sách gần 900 tỷ đồng.

Nguồn thu này sẽ được UBND tỉnh phân bổ vào các mục tiêu, kế hoạch phát triển hàng năm; trong đó, có một phần được phân bổ cho các chương trình, phúc lợi, an sinh xã hội dành cho hộ nghèo, đối tượng chính sách…

ban-ve-so-4-1664957005.jpg Người dân mua vé số ở Cần Thơ.

 

TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL cho rằng: "Về mặt pháp luật, giữa Công ty XSKT và những người bán vé số dạo không có gì sai, bởi vì đây là quan hệ thỏa thuận dân sự. Và những người bán vé số không phải là lực lượng lao động của công ty.

Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, người ta tiếp cận vấn đề với thuật ngữ “các bên có liên quan” (tiếng anh gọi là Stakeholders), mà trong đó nổi bật là vấn đề trách nhiệm, đạo đức xã hội của doanh nghiệp.

Không chỉ vè mặt pháp luật, mà doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải xây dựng những chuẩn mực, dựa trên trách nhiệm xã hội. Trong đó vấn đề doanh nghiệp cần phải nhìn nhận trước hết là các bên có liên quan".

Theo ông, đó không chỉ là lãnh đạo, quản lý, cán bộ, nhân viên hay khách hàng của công ty mà bao gồm cả những người bị tác động hoặc tác động ngược lại.

Theo nghĩa này, những người bán vé số dạo phải được nhìn nhận là các bên liên quan, một mắc xích quan trọng trong hoạt động kinh doanh xổ số.

Họ là lực lượng lao động góp phần tiêu thụ lượng lớn vé số. Nếu không có lực lượng này thì vé số không thể tiêu thụ lượng lớn và nhanh được. Họ phải được quan tâm, được nhìn nhận với những trách nhiệm xã hội.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, khi hàng ngàn lao động bán vé số dạo mất việc, nhiều doanh nghiệp xổ số đã hỗ trợ hay phát quà. Nhưng hầu hết chỉ trên cơ sở “lòng trắc ẩn”, còn trách nhiệm xã hội theo nghĩa “anh phải làm” thì chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Trong hoạt động kinh doanh và nguồn doanh thu mang về, các doanh nghiệp xổ số phải dành ra những nguồn và xem đây là trách nhiệm phải làm. Khi đã xác định được trách nhiệm, có nguồn chi, thì sẽ có những công việc cụ thể để chăm lo cho người bán vé số.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng cần xem xét đây là những đối tượng phải được hỗ trợ, chứ không thể chỉ dừng ở mức quan tâm…

Link nội dung: https://biztoday.vn/ban-giac-mo-lam-giau-thu-lai-co-nao-389102.html