Tại báo cáo kế hoạch kiểm toán năm 2023, Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ dự kiến thực hiện 16 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 5 tổ chức tài chính, ngân hàng.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng, tổng công ty tài chính, bảo hiểm như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương, Tập đoàn Bảo Việt để đánh giá thực trạng tài chính và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.
Thông qua đó, Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính; xử lý nợ xấu; việc thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí; vay không có tài sản bảo đảm để trả lương cho người lao động....
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước sẽ lựa chọn một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn công nghiệp Cao su, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam;… để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nuớc năm 2022.
Việc kiểm toán sẽ kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán; kiến nghị xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ; đầu tư ngoài ngành, đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả…
Năm 2023, Kiểm toán Nhà nước cũng dự kiến lựa chọn một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Cụ thể như: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 01/NQ-CP; chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chuyên đề về kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ; (iv) Chuyên đề về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách …
Cơ quan kiểm toán cũng lựa chọn một số chủ đề kiểm toán được dư luận xã hội quan tâm về quản lý, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, rác thải. Đó là công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện than tại Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022; tại các cụm công nghiệp và làng nghề ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam giai đoạn 2020-2022...
Ngoài ra là kiểm toán chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022” nhằm đánh giá hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng các quỹ ngoài ngân sách.
Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án cũng có nhiều nội dung cần kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 26 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL; các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án xây dựng bệnh viện v.v…
Link nội dung: https://biztoday.vn/kiem-toan-nha-nuoc-se-kiem-toan-vietinbank-bidv-cac-du-an-cao-toc-san-bay-391498.html