Ảnh minh họa.
Một tuần đầy tin xấu
Trước tiên, thị trường tài chính Anh cách bờ vực sụp đổ chỉ vài tiếng đồng hồ, trước khi Ngân hàng Trung ương (NHTW) Anh (BoE) tuyên bố mua vào “không giới hạn” trái phiếu chính phủ.
Cụ thể, BoE tuyên bố sẵn sàng mua lại không hạn chế trái phiếu dài hạn trên thị trường để trấn an thị trường tài chính, có thể lên đến 5 tỷ bảng mỗi ngày trong vòng 13 ngày. Gói can thiệp 65 tỷ bảng Anh này góp phần chặn đứng sự hỗn loạn có thể làm sụp đổ các quỹ hưu trí, một trong những xương sống của hệ thống ổn định tài chính Anh.
Tiếp đó, vào những ngày đầu của tháng 10, tin đồn về NH Đầu tư Credit Suisse - một trong những NH được xem có thể gây ra rủi ro đổ vỡ hệ thống - có thể phá sản. Câu chuyện bắt nguồn bằng chuyện điểm CDS - thước đo rủi ro phá sản của NH - tăng dựng đứng, vượt mốc 250 điểm, làm dấy lên tin đồn Credit Suisse phá sản.
Ngay trong những ngày đầu tháng 10, lãnh đạo Credit Suisse đã phải tổ chức gặp mặt các nhà đầu tư lớn và trấn an họ “mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát”. Bất chấp như vậy, điểm CDS vẫn tăng mạnh sau khi thị trường mở cửa vào ngày thứ Hai, với nhiều bài báo so sánh Credit Suisse với vụ sụp đổ Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng 2007.
Về cuối tuần, thị trường đã tạm bình ổn khi Credit Suisse công bố kế hoạch mua lại nợ để củng cố an toàn vốn, nhưng điểm CDS vẫn trên 300 và lượng bán khống cổ phiếu Credit Suisse vẫn ở mức cao kỷ lục kể từ 2020. Câu chuyện của Credit Suisse sẽ còn tiếp tục phức tạp cho tới cuối tháng 10, khi kế hoạch tái cấu trúc NH theo hướng cắt giảm một số mảng đang thua lỗ được công bố.
Người ta vẫn sẽ đặt câu hỏi ai sẽ mua lại các mảng kinh doanh bị cắt giảm và chi phí tái cấu trúc nhiều tỷ USD sẽ được tài trợ như thế nào? Credit Suisse có thể không phải Lehman Brothers, nhưng nó vẫn là NH có rủi ro gây bất ổn hệ thống.
Chưa hết, trong tuần khối OPEC+ còn ra quyết định cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày. Nhà Trắng ngay lập tức cáo buộc OPEC+ đứng về phía Nga. Trước cuộc họp, Mỹ đã nỗ lực vận động để thay đổi quyết định của OPEC+. Đây cũng là trở ngại đáng kể cho chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng tìm cách hạ giá xăng dầu trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra trong tháng 11 tới.
Cuối tuần, giá dầu WTI giao tháng 11 chốt đóng cửa ở mức trên 93USD/thùng, tăng 22% so với mức giá đóng cửa hơn 1 tuần trước đó. Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể lên đến 100USD/thùng trong giai đoạn cuối 2022, và có thể đạt 115USD/thùng trong năm sau. Giá dầu tăng trở lại tạo ra sức ép chi phí cho nhiều ngành kinh doanh, cũng như đối với nhập khẩu lạm phát của nhiều nước.
Cuối cùng, vào cuối tuần, nhát dao đâm vào “trái tim yếu ớt” của những người gồng cổ phiếu công nghệ Mỹ là mức tăng số việc làm mạnh hơn dự đoán, đến 263.000 việc làm mới so với dự đoán dưới 200.000 việc làm, và tỷ lệ thất nghiệp giảm về 3,5% của Mỹ.
Thị trường việc làm tốt lại là tin xấu cho cổ phiếu, vì nó khiến nhà đầu tư lo sợ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ lại tăng lãi suất 0,75% vào tháng 11, đập tan hy vọng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trở lại sớm trong năm sau.
Dòng tiền đi đâu?
Cuối tuần, thị trường cổ phiếu Mỹ và châu Âu lại đóng cửa trong sắc đỏ, với chỉ số Dow Jones mất hơn 600 điểm và Nasdaq giảm đến 3,8%. Khả năng đáy tháng 6 của Mỹ bị phá vỡ khá cao và người ta vẫn đang tự hỏi đáy mới ở đâu?
Có điểm đáng lưu ý, là tình trạng thiếu tiền hay thiếu thanh khoản đang diễn ra rộng khắp. Lãi suất tăng cao, đặc biệt lãi suất cho vay đang trở thành tình trạng chung trên toàn cầu. Lãi suất cho vay mua nhà ở Anh và Mỹ đã vượt 6% bắt đầu khiến thị trường nhà “sứt mẻ”.
Vậy tiền đã đi đâu khi hàng trăm tỷ USD đã đổ từ Trung Quốc và châu Âu về Mỹ? Câu trả lời: các nhà đầu tư Mỹ đang cầm nhiều tiền mặt và lượng tiền này được trú ẩn trong các tài khoản thị trường tiền tệ, lãnh lãi suất 2%, một mức lãi suất cao kỷ lục khác. Khi tiền để yên cũng kiếm 2%, so với đầu tư cổ phiếu ngày một lỗ, người ta không vội vã đổ tiền ra mua cổ phiếu, nhất là khi họ nhìn thấy triển vọng sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết và Fed sẽ tăng lãi suất.
Với những nơi có lợi nhuận tốt như công ty sản xuất chip AMD còn phải cảnh báo doanh thu sụt giảm 1 tỷ USD so với kỳ vọng gần nhất, thì những công ty đánh vật với từng đồng lợi nhuận của những ngành kinh doanh khác sẽ còn thê thảm đến mức nào. Bởi dòng tiền mặt không chịu đổ ra, còn tín dụng đắt đỏ, “thiếu tiền” sẽ trở thành trạng thái phổ biến.
Mỹ và châu Âu có dự trữ từ việc bơm tiền mạnh trong giai đoạn chống Covid-19, nên còn dư địa về thanh khoản. Song nguồn thanh khoản dư thừa này đang giảm dần theo kế hoạch rút tiền về của các NHTW. Ở một số nền kinh tế châu Á, các doanh nghiệp không may mắn như vậy vì các NHTW đã không bơm mạnh tiền trong thời gian chống dịch. Kết quả, lãi suất sẽ tăng nhanh ở những nước này.
Để chốt hạ một tuần đầy tin xấu, vào cuối giờ giao dịch ngày thứ Năm ở Mỹ, Tổng thống Biden cảnh báo đe dọa dùng vũ khí hạt nhân của Nga không phải là hành động “thấu cáy”. Rủi ro này đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Nhưng cách thị trường chứng khoán mở cửa ngày thứ Sáu 7-10 cho thấy, họ không thật sự quan tâm đến cảnh báo này. Đó có thể là sai lầm đắt giá.
Châu Âu đang bước vào mùa đông đầy bất trắc với những rủi ro về nguồn cung gas và dầu thô. Ở phía thị trường tài chính toàn cầu, một “mùa đông thanh khoản” đang đến với những rủi ro về những “tai nạn” bất ngờ, thậm chí là những sự kiện “thiên nga đen”.
Giảm vay nợ, tăng phòng thủ là chiến lược của nhiều tổ chức lớn đang làm. Nó vô tình đẩy tình trạng “thiếu tiền” càng thêm nghiêm trọng, khi ai cũng thủ tiền mặt trong tay. Mà doanh nghiệp cũng thủ tiền mặt, tiền đâu cho đầu tư? Không có đầu tư, tăng trưởng kinh tế năm sau khó bật lên được.
Một “mùa đông thanh khoản” đang “gõ cửa” thị trường tài chính toàn cầu, với những rủi ro về “tai nạn” bất ngờ, thậm chí là những sự kiện “thiên nga đen”.
Link nội dung: https://biztoday.vn/mua-dong-dang-den-voi-thi-truong-tai-chinh-toan-cau-392026.html