S&P 500 giảm phiên thứ 5 liên tiếp, thị trường đợi các báo cáo quan trọng

Những lo ngại về suy thoái đã đè nặng lên thị trường khi lạm phát kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Một đợt biến động khác trên Phố Wall đã khiến chứng khoán giảm điểm hôm 11/10, kéo dài những tổn thất gần đây của thị trường khi các nhà đầu tư chuẩn bị được cập nhật thông tin về lạm phát và thu nhập doanh nghiệp.

Chỉ số S&P 500 giảm 0,65%, đóng cửa ở mức 3.588,84, đánh dấu phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Chỉ số này đã giảm tới 1,2% ở đầu phiên sau khi dự báo ảm đạm từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế làm dấy lên lo ngại suy thoái, sau đó tăng lên 0,8% trước khi đảo chiều vào cuối ngày.

Công nghệ chiếm tỷ trọng lớn trong sự sụt giảm của các công ty niêm yết trên S&P 500. Cổ phiếu của các nhà sản xuất chip tiếp tục lao dốc sau khi chính phủ Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc. Cổ phiếu Qualcomm giảm 4%.

Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,10% xuống 10.426,19, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 7/2020.

Trong khi đó, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng nhanh 200 điểm cơ bản trước khi chốt phiên, kết thúc trong sắc xanh ở mức 29.239,19.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng khoảng 0,58% lên 3,943% lúc thị trường đóng cửa. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm ổn định ở mức 4,30%. Thị trường trái phiếu đóng cửa nghỉ lễ.

Xu hướng thị trường - S&P 500 giảm phiên thứ 5 liên tiếp, thị trường đợi các báo cáo quan trọng

Chỉ số S&P 500 ngày 11/10. Ảnh: WSJ

Các chỉ số chính bước vào ngày giao dịch với 4 phiên giảm liên tiếp. Những lo ngại về suy thoái đã đè nặng lên thị trường khi lạm phát kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tăng trưởng kinh tế đã bị chậm lại do người tiêu dùng kiềm chế chi tiêu và Cục Dự trữ Liên bang và cũng như các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm 11/10 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống còn 2,7%, giảm so với mức 2,9% mà họ đưa ra hồi tháng 7. Việc cắt giảm này diễn ra trong bối cảnh châu Âu đối mặt với nguy cơ suy thoái đặc biệt cao với chi phí năng lượng leo thang sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Phố Wall đang theo dõi sát sao các động thái của Fed khi họ tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất cho vay, làm chậm tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu của Fed là hạ nhiệt lạm phát, nhưng chiến lược này có nguy cơ làm nền kinh tế giậm chân tại chỗ, thậm chí còn có nguy cơ suy thoái.

Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp cuối cùng của họ vào ngày 12/10. Phố Wall sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về quan điểm của Fed về lạm phát và các động thái tiếp theo của họ.

Các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất cho vay thêm 0,75 điểm phần trăm vào tháng tới. Đây sẽ là lần tăng thứ tư Fed đưa ra mức tăng này, cao hơn gấp 3 lần mức thông thường. Lãi suất sẽ lên 3,75% - 4%. Hồi đầu năm, lãi suất cho của Fed gần như bằng 0.

Xu hướng thị trường - S&P 500 giảm phiên thứ 5 liên tiếp, thị trường đợi các báo cáo quan trọng (Hình 2).

Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: CNBC

Chính phủ Mỹ cũng sẽ công bố báo cáo về giá bán buôn vào ngày 12/10, giúp cung cấp thêm thông tin chi tiết về mức độ ảnh hưởng của lạm phát đối với các doanh nghiệp. Báo cáo giá tiêu dùng sẽ được công bố vào ngày 13/10, và một báo cáo về doanh số bán lẻ sẽ được công bố vào ngày 14/10.

Báo cáo lạm phát hôm 13/10 sẽ là thời điểm quan trọng đối với chứng khoán Mỹ, ngân hàng JPMorgan cho biết hôm 11/10 trong một ghi chú. Theo ngân hàng này, nếu Chỉ số giá tiêu dùng cao hơn 8,3%, các thị trường có thể chứng kiến một đợt bán tháo nhanh chóng 5% nữa. Cùng với những cú sốc khác đối với thị trường, chỉ số S&P 500 có khả năng xuống khoảng 3.000 vào cuối năm nay.

Phố Wall cũng đang chờ đợi báo cáo thu nhâp của các doanh nghiệp nhằm có một cái nhìn rõ ràng hơn về tác động của lạm phát, đồng thời xem xét liệu Fed có tiếp tục tăng lãi suất hay không.

Đường đi của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ quyết định liệu nền kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái hay sẽ hạ cánh nhẹ nhàng.

 “Chúng tôi tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất một hoặc 2 lần nữa cho đến khi lãi suất của Fed đạt 4% và sau đó tạm dừng, tại thời điểm đó Fed sẽ đánh giá thiệt hại đã gây ra,” ông David Bahnsen, Giám đốc đầu tư của tập đoàn The Bahnsen nhận định.

Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon hôm 10/10 cảnh báo rằng Mỹ có thể sẽ rơi vào suy thoái trong “6 - 9 tháng tới” và cho biết S&P 500 có thể giảm thêm 20% tùy thuộc vào việc Cục Dự trữ Liên bang đưa ra quyết định hạ cánh mềm hay cứng cho nền kinh tế.

Về hàng hóa và tiền điện tử:

Giá dầu thô Mỹ giao tháng 11 giảm 1,78 USD xuống 89,35 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 12 giảm 1,90 USD xuống 94,29 USD/thùng.

Giá xăng bán buôn giao tháng 11 tăng 1 cent lên 2,63 USD/gallon. Giá dầu sưởi tháng 11 tăng 2 cent lên 3,93 USD/gallon. Giá khí đốt tháng 11 tăng 16 cent lên 6,60 USD/1.000 feet khối.

Giá vàng giao tháng 12 tăng 10,80 USD lên 1.686 USD/ounce. Giá bạc giao tháng 12 giảm 12 cent xuống 19,49 USD/ounce và giá đồng giao tháng 12 tăng 3 cent lên 3,46 USD/pound.

Đồng USD tăng từ 145,73 Yên/USD lên 145,85 Yên/USD. Đồng Euro giảm từ 97,07 cent/EUR xuống 97,06 cent/EUR.

Giá Bitcoin giảm 1,1%, giao dịch ở mức 19.015,52 USD/BTC

Link nội dung: https://biztoday.vn/sandp-500-giam-phien-thu-5-lien-tiep-thi-truong-doi-cac-bao-cao-quan-trong-393177.html