Doanh nghiệp bất động sản phát hành gần 50.000 tỷ đồng trái phiếu trong 9 tháng
Theo số liệu của VBMA, nhóm ngân hàng vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu với tổng giá trị đạt gần 134.892 tỷ đồng, tương đương 55% tổng giá trị phát hành trong 9 tháng năm 2022.
Tròn khi đó, con số 49.710 tỷ đồng trái phiếu được phát hành bởi nhóm ngành bất động sản (chiếm 20% tổng giá trị phát hành) là thấp hơn tương đối nhiều so với thời điểm cùng kỳ năm trước (126.700 tỷ đồng).
Song song với đó, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 142.209 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.
Thống kê riêng trong quý III, tổng giá trị trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp bất động sản là 4.300 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể kể đến, chỉ có một doanh nghiệp phát hành trong tháng 7 là CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An (210 tỷ đồng). Trong tháng 8, chỉ có hai đợt phát hành từ CTCP Fuji Nutri Food (1.000 tỷ đồng) và CTCP Đầu Tư và Kinh Doanh Nhà Khang Điền (800 tỷ đồng).
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), Nghị định 65 sẽ tăng cường minh bạch trong việc công bố thông tin, để bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua.
Khi Nghị định 65 được áp dụng, chi phí phát hành trái phiếu sẽ tăng nhưng đây là điều cần thiết để thiết lập thị trường trái phiếu minh bạch hơn trong tương lai.
Về phía Bộ Tài chính, ông Dương cho biết, sẽ tiếp tục “gỡ” các điểm nghẽn trong thủ tục về phát hành trái phiếu ra công chúng, để đảm bảo những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện phát hành ra công chúng sẽ nhanh chóng và khẩn trương phát hành trái phiếu dưới hình thức này.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp như phát triển nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ đầu tư. Khi mở ra một kênh đầu tư mới từ các quỹ này, vừa tháo gỡ khó khăn vào trong hoạt động của các quỹ đầu tư, vừa tạo ra một lực cầu mới trên thị trường.
Chia sẻ về những tác động của Nghị định 65 đến thị trường trái phiếu, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, bày tỏ lo lắng khi tới đây nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể khó tiếp cận nguồn vốn từ kênh trái phiếu.
Theo ông, Nghị định 65 nâng tiêu chuẩn của nhà phát hành là đúng, siết đầu vào là đúng. “Nâng các tiêu chuẩn phát hành, các tiêu chuẩn về minh bạch thì doanh nghiệp phải nỗ lực cải thiện nội tại để phát hành được trái phiếu, điều đó tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc nâng cao tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp khiến thị trường bị tắc đầu ra. Trong khi các rào cản kỹ thuật đối với nhà đầu tư cá nhân tăng lên thì hiện nay nhiều quỹ đầu tư vẫn đang bị giới hạn khá khắt khe khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Đây chính là nút thắt mà thị trường mong muốn cơ quan quản lý từng bước tháo gỡ để khơi thông nguồn vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, ông Châu nói.
Sức ép lớn từ đáo hạn trái phiếu
Có thể nói, thị trường trái phiếu bắt đầu rơi vào trầm lắng từ sau vụ việc hủy 9 đợt chào bán trái phiếu trái phép trị giá hơn 10.000 tỷ đồng của ba công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Cùng với đó, nhiều “vết rạn” trên thị trường khiến cơ quan chức năng phải mạnh tay thanh tra, kiểm tra các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho thấy, qua kiểm tra 9 doanh nghiệp phát hành thì phát hiện tới 8 công ty vi phạm quy định như: không đảm bảo thông tin hồ sơ chào bán, thông tin không chính xác và công bố thông tin sai lệch, thông tin không đúng thời hạn… Hay 6/21 công ty chứng khoán có vi phạm liên quan đến việc cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Một số công ty chứng khoán đã bị xử phạt là Chứng khoán Quốc tế, Thành công hay Chứng khoán Tiên phong.
Cũng nên lưu ý rằng, thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục chịu sức ép khi bước sang năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao, lần lượt ở mức 271.400 tỷ đồng và 329.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn trong hai năm tới đây lên tới 207.800 tỷ đồng.
TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng từng chia sẻ, vấn đề khơi thông kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng trở nên cấp bách sau khi Nghị định 65 được ban hành. Nếu không, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị tê liệt nửa năm, thậm chí 1 năm.
Việc ban hành Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ là rất tốt nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây mà không đẩy nhanh quá trình xử lý thủ tục bên phát hành ra công chúng thì ách tắc toàn bộ thị trường: "Tôi cũng phỏng vấn một số tập đoàn lớn phát hành riêng lẻ hiện nay, uy tín của họ tầm quốc tế chứ không phải thị trường này. Thì họ nói khổ cho bọn em ở chỗ phải phát hành riêng lẻ ở Việt Nam với lãi suất rất cao, phát hành ra quốc tế lãi suất cũng cao bởi vì bọn em chưa đủ đẳng cấp phát hành ra công chúng ở Việt Nam. Nhưng bây giờ bọn em nộp hồ sơ phát hành ra công chúng ở Việt Nam thì sẽ mất toàn bộ cơ hội kinh doanh".
Ông Nghĩa nhấn mạnh đây là điều mà các cơ quan quản lý phải suy nghĩ nghiêm túc, hành động thực sự.
Link nội dung: https://biztoday.vn/gan-50000-ty-dong-trai-phieu-da-chay-ve-cac-doanh-nghiep-bat-dong-san-trong-9-thang-dau-nam-2022-393252.html