Dự án đê, kè biển “đội vốn” hàng chục tỷ đồng vẫn dở dang

Theo phê duyệt ban đầu (năm 2012), dự án kè đê, kè biển tại địa bàn xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng. Sau đó dự án được điều chỉnh và nâng tổng mức đầu tư lên hơn 181 tỷ đồng vào năm 2016. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn đang dở dang...

Tìm hiểu được biết, Quảng Thái là xã ven biển của huyện Quảng Xương, đời sống người dân nơi đây gắn chặt với việc phát triển kinh tế biển, những năm gần đây còn đẩy mạnh phát triển về du lịch, dịch vụ... Với đặc thù địa bàn giáp biển, ngoài những thuận lợi vốn có do thiên nhiên ban tặng, hàng năm vào mùa mưa bão cũng khiến người dân nơi đây bao phen khốn đốn, phải căng mình chống chọi, đặc biệt là tình trạng “xâm thực” của biển cũng khiến nhiều người lo lắng.

mot-doan-du-an-dang-thi-cong-dang-do-1665650859.jpg
Một đoạn dự án đang thi công dang dở.

Trước tình hình trên, dự án đê, kè biển Quảng Thái (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (thời điểm đó là ông Trịnh Văn Chiến) ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 30/5/2012 với tổng mức đầu tư 160 tỉ đồng. Đến tháng 5/2016, dự án được “Phê duyệt điều chỉnh” nâng tổng mức đầu tư lên hơn 181 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 130 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng gần 21 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án hơn 1,6 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng hơn 8,4 tỷ đồng, chi phí khác hơn 4,4 tỷ đồng, chi phí dự phòng hơn 16,6 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án là vốn Trung ương (45 tỷ đồng) và vốn đối ứng của tỉnh (136 tỷ), thời gian thực hiện dự án không quá 5 năm (2016 - 2020). Ngày 29/3/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 1033/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ “không quá 5 năm (2016 - 2020)” thành “đến ngày 31/12/2021”.

Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân; tạo điều kiện ổn định phát triển kinh tế - xã hội; thuận lợi cho phát triển du lịch của các địa phương vùng hưởng lợi của dự án.

Theo phê duyệt, dự án sẽ xây dựng tuyến đê, kè từ khu vực Cục V26 (xã Quảng Lưu) đến thôn 8 (xã Quảng Thái) với tổng chiều dài hơn 3,3km. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa nhận ủy thác làm chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu thi công dự án là liên danh Công ty Minh Tuấn và Công ty Huy Hoàn.

Người dân xã Quảng Thái cho biết, để thực hiện dự án này, lớp đất phong hóa buộc phải bóc đi, hàng nghìn cây phi lao chắn sóng hàng chục năm tuổi đã phải chặt bỏ lấy mặt bằng. Dự án triển khai, người dân vui mừng bởi dù hàng phi lao bị chặt nhưng hi vọng chúng sẽ nhanh chóng được thay thế bằng hệ thống đê, kè chắn sóng kiên cố giảm bớt lo lắng trước việc biển xâm thực đất liền, nhất là khi mùa mưa bão về. Tuy nhiên, niềm vui của người dân chưa trọn vẹn, bởi đến nay sau nhiều lần điều chỉnh, xin lùi thời gian, dự án vẫn thi công dang dở, ảnh hưởng tới đời sống của người dân địa phương, mà còn ảnh hưởng tới mục tiêu lớn là phòng, chống lụt bão.

Do thiếu vốn để thực hiện, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận dự án chỉ thực hiện tới điểm dừng kỹ thuật với tổng vốn đầu tư trên 41 tỉ đồng và chỉ thực hiện kè được 1,4km (đạt 43% so với kế hoạch ban đầu).

Thời điểm phóng viên ghi nhận thực tế cho thấy, đoạn đê, kè đi qua chùa Diên Phúc, xã Quảng Thái đã cơ bản hoàn thành với chiều dài hơn 1km. Tuy nhiên, trên công trường không còn máy móc, công nhân thi công... Ngoài ra, một đoạn khác trên địa bàn xã Quảng Lưu cũng đã được thi công với chiều dài hơn 200m.

Theo lời ông Uông Văn T, xã Quảng Thái, hiện tuyến đê chỉ hoàn thành qua khu vực đất của nhà nước quản lý, còn đoạn có đất của người dân thì chưa giải phóng mặt bằng. Người dân ở đây mong muốn dự án sớm hoàn thành để dân an tâm làm ăn, phát triển kinh tế. Dự án dở dang, đất đai, nhà cửa của dân trong vùng quy hoạch không được phép xây dựng, cơi nới, chuyển đổi, mua bán.

Trả lời báo chí, ông Phạm Trung Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, cho biết: “Trong những năm gần đây, phát triển du lịch ven biển rất mạnh nên chúng tôi cũng đề xuất có chương trình để phát triển loại hình này. Tuy nhiên, chỉ thực hiện khi đường đê hoàn thành, còn nếu đường đê cứ dở dang như này thì phát triển du lịch khó thực hiện”.

Link nội dung: https://biztoday.vn/du-an-de-ke-bien-doi-von-hang-chuc-ty-dong-van-do-dang-393974.html