Là người sát sao với quá trình phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hơn 30 năm qua, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, không ngừng lớn mạnh.
Theo ông Cung, nếu như thời điểm cách đây 20 - 30 năm trước, vai trò của các doanh nghiệp tư nhân còn rất mờ nhạt trong bức tranh kinh tế xã hội thì hiện nay, họ đã có vị thế chính trị, vị thế kinh tế rất quan trọng.
Về vị thế kinh tế, doanh nghiệp tư nhân là bộ phận không thể tách rời, không thể thiếu của sự phát triển kinh tế. Họ là động lực quan trọng, thậm chí, là động lực chính của tăng trưởng.
Về vị thế chính trị, doanh nghiệp tư nhân đã được thừa nhận. Những rào cản về tâm lý, tư duy đã được tháo bỏ. Làm kinh tế tư nhân hiện nay không còn bị coi là một sự bóc lột như giai đoạn trước mà là sự đóng góp vô cùng có ý nghĩa cho phát triển kinh tế.
"Đội ngũ các doanh nghiệp tư nhân không chỉ đông đảo, đi tiên phong cho tăng trưởng của đất nước mà còn đóng góp quan trọng cho xã hội, cho cộng đồng. Vị thế kinh tế và chính trị của doanh nghiệp đã được khẳng định mạnh mẽ, khác hẳn so với giai đoạn trước đây", ông Cung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, đó mới chỉ là "sự lớn mạnh so với chính họ ở giai đoạn trước", còn so với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và so với kinh nghiệm quốc tế thì khoảng cách của các doanh nghiệp Việt vẫn còn rất xa.
Ông Cung dẫn chứng, Việt Nam có đến 96% các doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, rất ít doanh nghiệp vừa và càng ít hơn doanh nghiệp lớn.
Sau 30 năm phát triển, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản đã xuất hiện hàng chục, thậm chí hàng trăm công ty, tập đoàn đa quốc gia vô cùng lớn mạnh. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay dù đã xuất hiện những tỷ phú đô la nhưng chưa có tập đoàn đa quốc gia, tầm cỡ khu vực và thế giới có công nghệ cốt lõi cho phát triển.
"Đó là điều thực sự cần suy nghĩ và trăn trở! Tại sao sau mấy chục năm, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn ít về số lượng, yếu về chất lượng, kém về công nghệ và năng lực quản trị chuyên nghiệp", ông Cung đặt câu hỏi và chỉ ra ba nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam "không lớn được và không muốn lớn".
Thứ nhất là do hệ thống pháp luật. Vị chuyên gia này cho rằng, hệ thống pháp luật của Việt Nam, ngoài Luật Doanh nghiệp được xây dựng theo hướng "chọn bỏ", còn lại, tất cả các bộ luật khác đều theo hướng "chọn cho", tức là pháp luật cho phép làm điều gì, doanh nghiệp được làm cái đó.
"Với một hệ thống pháp luật như vậy, các quy định, điều luật là rất nhiều. Trong hoạt động của doanh nghiệp, kiểu gì họ cũng sẽ vi phạm, không vi phạm luật thì sẽ là thông tư, nghị định. Doanh nghiệp càng lớn, càng hoạt động nhiều, rủi ro phải đổi mặt càng lớn".
Trong khi đó, thượng tôn pháp luật là một trong những chuẩn mực hàng đầu của đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân. Với môi trường pháp luật như vậy, rủi ro với doanh nghiệp là khó tránh khỏi, nhiều khả năng làm "chùn ý chí" kinh doanh của doanh nhân, khiến họ không muốn lớn.
Thứ hai, một số doanh nghiệp muốn lớn nhưng lại không lớn được. Các doanh nghiệp này không huy động được đủ nguồn lực về đất đai, tài chính, nhân lực để phát triển nhanh.
Hiện môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản, khu vực tư nhân chưa có được sự công bằng thực sự về tiếp cận các nguồn lực cho phát triển. Trong khi đó, khi không có đủ những yếu tố này, doanh nghiệp không thể phát triển lớn mạnh.
Đó chính là hai nguyên nhân chính khiến hơn 35 năm qua, Việt Nam vẫn chưa có các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia theo đúng nghĩa.
Để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, ông Cung cho rằng, dù cạnh tranh thị trường luôn là sự công bằng nhất cho phát triển, nhưng sự định hướng của nhà nước cũng giữ một vai trò vô cùng quan trọng.
Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển. Trước đây, các chính sách chủ yếu theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những đối tượng yếu thế.
Tuy nhiên hiện nay, ở thời điểm này, muốn đẩy nhanh sự phát triển cần phải chọn những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng nhanh để giúp họ bứt phá, phát triển lên tầm cao mới, từ đó giúp dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng đi lên.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần thay đổi cách tiếp cận, không nên duy trì cách tiếp cận theo hướng xin cho mà Nhà nước cần đi cùng doanh nghiệp, đồng hành với họ, nếu họ đúng với các tiêu chí, điều kiện được hỗ trợ thì chủ động hỗ trợ họ. Đây cũng là cách để động viên, khích lệ tinh thần của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển.
Thứ ba, các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy trong việc quản lý, giám sát hoạt động doanh nghiệp. Với hệ thống pháp luật như đã phân tích ở trên, làm doanh nghiệp luôn đối diện rủi ro pháp lý rất lớn. Nhà nước nên đi cùng, hỗ trợ họ.
"Thay vì tư duy quản lý, giám sát, thanh kiểm tra sẽ tạo ra khó khăn, rào cản với doanh nghiệp, nên dùng tuy duy hỗ trợ, Nhà nước và doanh nghiệp cùng nhau đồng hành giải quyết vấn đề. Khi có rủi ro, vướng mắc, doanh nghiệp và Nhà nước cùng giải quyết chứ không phải Nhà nước chỉ đứng ở vai giám sát, quản lý. Quản lý không phải để kiểm soát mà để thúc đẩy phát triển. Khi tư duy quản lý còn nặng, những rào cản cho phát triển doanh nghiệp còn rất lớn", ông Cung nhấn mạnh.
Điều quan trọng cuối cùng, theo vị chuyên gia này là hệ thống pháp luật cần có sự thay đổi theo hướng "chọn bỏ" thay vì "chọn cho". Các doanh nghiệp, doanh nhân được hoạt động, kinh doanh những điều pháp luật không cấm. Hoạt động doanh nghiệp được đánh giá theo kết quả, đóng góp của họ cho kinh tế, xã hội thay vì đánh giá bằng thước đo tuân thủ quy định pháp luật.
Có như vậy, các doanh nghiệp, doanh nhân mới có một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, hạn chế rủi ro. Nhờ đó, họ có niềm tin để phát triển mạnh mẽ, "muốn lớn và dám lớn", ông Cung nhấn mạnh.
Link nội dung: https://biztoday.vn/de-doanh-nghiep-doanh-nhan-viet-nam-muon-lon-va-dam-lon-394424.html