Trưa nay, 14-10, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 5 tại nước ta từ đầu năm đến nay và có tên quốc tế là Sonca.
Lúc 13 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 14.4 độ Vĩ Bắc; 111.0 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 350km, Quảng Nam khoảng 305km, Quảng Ngãi khoảng 260km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/h.
Dự báo vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5. Ảnh: VNDMS |
Sáng nay, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết khu vực miền Trung đang chịu ảnh hưởng của nhiều tổ hợp hình thái gây mưa trong cùng một lúc.
Đầu tiên là áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, thứ hai là không khí lạnh đã và đang hoạt động ở khu vực này. Tiếp đến là các nhiễu động sóng Đông trên cao, ba hình thế thời tiết này có khả năng gây ra đợt mưa rất lớn ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ cũng như là phía Bắc của Tây Nguyên từ nay đến ngày 16, và mưa cao điểm sẽ trong ngày hôm nay (14-10) đến ngày mai (15-10).
Tổng lượng mưa tích lũy cả đợt tính tính từ đêm ngày 13-10 đến hết ngày 16-10 ở khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Bắc Tây Nguyên phổ biến từ 200-500mm, có nơi trên 600mm; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi 400-600mm, có nơi trên 800mm.
Ông Lâm cho biết, khu vực miền Trung vừa trải qua đợt lũ lớn kéo dài từ ngày 9 đến 12-10, chỉ mới kết thúc cách đây khoảng hai ngày thì bây giờ mưa lại bắt đầu xuất hiện trở lại.
Mưa lớn với lũ trên các sông đang ở mức cao, mực nước các hồ chứa ở mức cao, lo ngại ở đây là lũ ở khu vực hạ du vừa kết hợp mưa của đợt này cũng như mực nước sông đang ở mức cao của đợt lũ trước đó.
Ông Lâm cảnh báo mưa cường độ lớn trong thời gian ngắn từ nay đến ngày mai có thể dẫn đến nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đối với các tỉnh, thành phố khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai.
Các địa phương cần thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ứng phó với mưa lũ đợt này, trong đó rà soát các điểm xung yếu, đảm bảo các quy trình vận hành liên hồ chứa, rà soát những khu vực có thể ngập úng để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai khi xảy ra.
Link nội dung: https://biztoday.vn/ap-thap-nhiet-doi-tren-bien-dong-da-manh-len-thanh-bao-so-5-394588.html