Bất thường Đại hội cổ đông VCC và nhóm chứng khoán KB, Vietnam Airlines ép khách, chiếm dụng tiền

Chủ tịch Hội đồng quản trị của VCC đã tổ chức đại hội cổ đông không đúng thời hạn, nhóm chứng khoán KB và Vietnamairlines có làm sai?

Nhận được thông tin phản ánh về một số vấn đề có dấu hiệu sai phạm như: Bất thường việc điều hành tổ chức đại diện phần vốn của Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) tại Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và Đô thị Việt Nam (VCC); nhân viên Chứng khoán KB có dấu hiệu làm sai; Vietnam Airlines ép hành khách, chiếm dụng tiền mua vé?

Bạn đọc phản ánh: Hàng loạt bất cập trong hoạt động của VCC về việc điều hành tổ chức đại diện phần vốn của Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) tại Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và Đô thị Việt Nam (VCC, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội).

Thời gian vừa qua, cổ phiếu CCV của Công ty VCC đã nhiều lần bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hạn chế giao dịch, nguyên nhân do chậm tổ chức đại hội cổ đông. Cổ đông của VCC phản ánh VNCC là cổ đông lớn đã chậm phê duyệt tài liệu, nhân sự dẫn đến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Trước đó, VNCC đã nhiều lần phê bình tổ người đại diện của VNCC tại VCC, cụ thể là ông Trần Nhật Minh (Chủ tịch Hội đồng quản trị VCC, Tổ trưởng Tổ đại diện vốn của doanh nghiệp Nhà nước VNCC tại VCC) và các vấn đề về chuẩn bị tài liệu đại hội cũng như về nhân sự đại diện vốn cho nhiệm kỳ hội đồng quản trị 2022-2027.

VNCC đã nhiều lần có văn bản phê bình ông Minh đã không phối hợp trong Tổ đại diện vốn, không thực hiện theo chỉ đạo của Tổng công ty, không phối hợp với Ban Tổng giám đốc, các phòng ban trong công ty trong công tác chuẩn bị đại hội.

Ngày 24/2/2021, VNCC đã có Văn bản số 163/GĐN-VNCC gửi VCC đề nghị triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường. Trong đó có vấn đề trọng tâm là thay đổi thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát.

hang-loat-bat-cap-trong-dieu-hanh-to-chuc-dai-dien-phan-cua-vncc-tai-vnc-1665802270.jpg

Hàng loạt bất cập trong điều hành tổ chức đại diện phần của VNCC tại VNC

“Thành viên Hội đồng quản trị VCC đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người quản lý, gây thiệt hại trước mắt và lâu dài cho các cổ đông…Tất cả cho thấy cần có sự thay đổi, đổi mới toàn bộ công tác tổ chức, quản trị, điều hành doanh nghiệp”, nội dung Văn bản số 163 nêu rõ.

Để chuẩn bị cho Đại hội đồng cổ đông VCC 2022, bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm sát nhiệm kỳ 2022-2027, ông Thân Hồng Linh, Chủ tịch HĐQT VNCC đã ký các văn bản chỉ đạo tổ người đại diện vốn về việc phối hợp với Hội đồng quản trị và Đảng ủy của VCC để lấy ý kiến tín nhiệm về nhân sự đề xuất làm đại diện vốn VNCC tại VCC. Mặc dù cá nhân ông Minh phản đối không thực hiện, nhưng được biết Đảng ủy VCC đã tiến hành lấy ý kiến tín nhiệm về những người đại diện vốn đương nhiệm của VNCC mà là cán bộ tại VCC, cũng như lấy tín nhiệm giới thiệu nhân sự từ nguồn gốc cán bộ tại VCC, đã gửi kết quả lên VNCC.

Trước thực trạng trên, dư luận đặt ra dấu hỏi, tại sao đến nay Đại hội cổ đông VCC chưa được tiến hành dù đã quá chậm theo quy định của Luật doanh nghiệp?Liên quan vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã đặt lịch làm việc tại VCC. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ đơn vị này.

Bạn đọc N.T.N (quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) phản ánh: Dấu hiệu sai phạm liên quan đến một nhóm lãnh đạo và nhân viên thuộc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam. Cụ thể là người bị phản ánh là bà Đ.P.T (Giám đốc sở giao dịch), N.H (Trưởng nhóm) và B.T.H (nhân viên môi giới).

Theo ông Nhân, trong quá trình giao dịch chứng khoán tại Chứng khoán KB, N.H giới thiệu với ông Nhân là có kho hàng uy tín do bà Đ.P.T quản lý. Kho hàng này đã có nhiều người tham gia đầu tư, cho vay margin linh hoạt cao hơn quy định của Uỷ ban chứng khoán, với lãi suất cho vay từ 14,5%/năm. Theo đó khách hàng chuyển tiền đặt cọc mua chứng khoán có các tỷ lệ 1-1, 1-2, 1-3, 1-4 cho các mã chứng khoán (khi khách hàng nộp tiền cọc 1 đồng thì kho có thể cho vay mua tối đa 3 đến 4 đồng). Tuy nhiên, khi kiểm tra lại lãi suất cho vay thực tế, ông Nhân phát hiện kho tính trên tổng tiền mua chứng khoán lên đến 30%-40%/năm vì không trừ đi tiền nộp cọc của khách hàng.

Để lấy được lòng tin của khách hàng, N.H đã giới thiệu B.T.H là nhân viên môi giới Chứng khoán KB và là người thực hiện vào các lệnh mua bán hằng ngày cho các nhà đầu tư giao dịch tại kho hàng.

Trước những lời đường mật trên, từ ngày 28/12/2020 đến ngày 02/02/2021, ông Nhân đã gửi vào chủ tài khoản Đ.P.T và Chứng khoán KB với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, ông Nhân đã nhận thấy sự không minh bạch, rõ ràng từ các nhân viên của Chứng khoán KB, từ việc nộp tiền đặt cọc, kỹ quỹ cho đến các lệnh mua bán trên bảng thông báo điện tử và khi yêu cầu in sao kê tài khoản chứng khoán để kiểm tra giao dịch thì không đáp ứng ngay. Sau khi ông Nhân yêu cầu quá nhiều lần mới được nhân viên Chứng khoán KB in sao kê Báo cáo kết quả khớp lệnh của khách hàng Nguyễn Thị Kim Tuyến (được cho là tài khoản kho). Theo đó, từ ngày 1/1-31/1/2021, tài khoản này đã phát sinh rất nhiều giao dịch mua và bán, với tổng giá trị giao dịch hơn 65 tỷ đồng.

Ông Nhân cho rằng, 3 người nêu trên có dấu hiệu hành vi lợi dụng lòng tin của khách hàng để vi phạm Luật Chứng khoán.

Liên quan vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ nhiều lần với bà Phương Ly, đại diện truyền thông của Chứng khoán KB. Bà Phương Ly cho biết sẽ kiểm tra lại những thông tin mà báo Công Thương tìm hiểu và trả lời sau. Tuy nhiên, sau đó, Báo Công Thương nhiều lần liên hệ để nắm cụ thể thông tin khách quan của sự việc nhưng bà Ly không nhấc máy cũng như không có phản hồi về vụ việc.

*Hành khách H.H phản ánh Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tự ý áp đặt không cho đổi - trả vé máy bay; công nhiêm chiếm giữ trái pháp luật tiền của hành khách.

Theo trình bày của ông H., 3 giờ 44 phút ngày 1/10/2022, ông H và đồng nghiệp đang ở phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, khoảng 19 giờ cùng ngày sẽ bay về Hà Nội nên đã thao tác đặt vé trên ứng dụng của Ngân hàng Vietinbank, song đặt nhầm chuyến bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh (Mã đặt chỗ: TAISFA, số hiệu VN 219, cất cánh lúc 19 giờ), thay vì đặt chuyến TP Hồ Chí Minh – Hà Nội theo kế hoạch.

Ông H trình bày:”Ngay sau khi nhận được email thông báo hoàn tất giao dịch mua vé, phát hiện có sự nhầm lẫn, tôi đã liên hệ qua tổng đài phòng vé Vietinbank và bộ phận chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Hàng không Việt Nam để được hỗ trợ nhưng cả 2 đơn vị đều trả lời: “Đây là vé phổ thông siêu tiết kiệm nên không được phép hoàn huỷ vé. Không được phép thay đổi hành trình, ngày, giờ bay”. Cách duy nhất là: “Bỏ vé và đặt vé mới”. Xem lại thông tin trên vé cũng như vậy nên tôi và đồng nghiệp đã phải đặt vé mới để bay từ TP Hồ Chí Minh – Hà Nội.

Ông H cho biết:Theo quy định hợp đồng được Vietnam Airlines đưa ra và tôi đồng ý thì Vietnam Airlines phải hỗ trợ tôi thay đổi lịch trình bay và không tinh phí lại mức giá. Tuy nhiên, khi gửi vé điện tử cho khách hàng, Vietnam Airlines đã tự ý áp đặt các điều khoản không đúng với điều kiện, điều khoản như 2 bên đã thống nhất, đồng ý: “Không được đổi chuyến; không được bỏ chuyến”, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Bộ Luật dân sự, được quy định tại khoản 2, Điều 3 Bộ Luật dân sự: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Từ đó, Vietnam Airlines đã công nhiên chiếm đoạt tiền vé 1.458.000 đồng của khách hàng.

Ông H. cho biết thêm: Qua nghiên cứu giá vé trên vé máy bay có 4 khoản: Giá vé 1.458.000 đồng; Thuế giá trị gia tăng/phụ phí/phí đại lý 118.000 đồng; Phí sân bay 1.140.000 đồng; Phí đại lý bán vé 117.818 đồng. Tổng tiền là 2.833.818 đồng.Như vậy, giá vé theo hợp đồng giữa Vietnam Airlines và chủ thể là tôi chỉ là 1.458.000 đồng, cùng thuế giá trị gia tăng 118.000 đồng và phía đại lý bán vé là 117.818 đồng. Còn phí sân bay 1.140.000 đồng là khoản tiền Vietnam Airlines thu hộ Cảng hàng không các để trả các dịch vụ như soi chiếu, an ninh,… được quy định tại Thông tư số 53/TT-BGTVT, quy định về mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam của Bộ Giao thông vận tải.

Tôi và đồng nghiệp không tham gia chuyến bay số hiệu VN 219, mã đặt chỗ TAISFA, vì vậy tôi không sử dụng các dịch vụ sân bay. Thế nên, dù Vietnam Airlines không chấp nhận đổi chuyến, hoàn trả, tự ý áp đặt thêm các điều khoản, thì cũng buộc phải hoàn trả lại khách hàng khoản tiền thu hộ là 1.140.000 đồng. Cùng với đó, Vietnam Airlines có thể còn phải trả lại cho tôi 118.000 đồng tiền giá trị gia tăng, bởi về mặt nguyên tắc, có thể hiểu hợp đồng dân sự giữa Vietnam Airlines và chủ thể là tôi không thực hiện, bị huỷ và tôi mất cọc là tiền vé, không thể lại thay Vietnam Airlines đi nộp thuế giá trị gia tăng cho Nhà nước.

Theo ông H., nếu tính tổng thể số hành khách bị làm sai như ông, số tiền bị chiếm dụng trái phép là rất lớn, cần được cơ quan chức năng sớm xác minh làm rõ.

Link nội dung: https://biztoday.vn/hop-thu-1410-bat-thuong-dai-hoi-co-dong-vcc-va-nhom-chung-khoan-kb-vietnam-airlines-ep-khach-chiem-dung-tien-395074.html