Ngày 18-10, Thường trực Thành ủy TP HCM đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về một số nội dung liên quan vấn đề đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Đề xuất cơ chế, chính sách thay thế Nghị quyết 54
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã kiến nghị 2 nhóm vấn đề lớn đến Bộ TN-MT.
Nhóm thứ nhất liên quan một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội. Nhóm này có 12 nội dung về đất đai, 5 nội dung về môi trường.
Trong đó, TP HCM đề xuất được thí điểm xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, trình HĐND TP HCM thông qua. Trên cơ sở đó, UBND TP HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, tiền thuê đất đối với các khu đất, thửa đất.
Buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy TP HCM với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 18-10
TP HCM đề xuất thí điểm bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỉ lệ phần trăm…
Đề xuất thí điểm cho UBND các cấp được sử dụng hình ảnh vi phạm ghi nhận từ các thiết bị thu hình của cá nhân, tổ chức như camera, smartphone… để xử phạt trực tiếp vi phạm vệ sinh nơi công cộng (vi phạm xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định); cho phép UBND các cấp áp dụng biện pháp ngắt điện, ngắt nước khi cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả về bảo vệ môi trường… cũng là một nội dung đáng chú ý trong nhóm vấn đề lớn thứ nhất.
Làm rõ nhiều khái niệm
Đối với nhóm kiến nghị thứ hai, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho hay có 18 vấn đề vướng mắc trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn. Trong số những đề xuất để tháo gỡ các vướng mắc này, TP HCM muốn tách phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để thực hiện độc lập, sau khi hoàn tất sẽ tích hợp vào quy hoạch TP HCM.
Ngoài ra, cần thống nhất thủ tục hành chính giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với các luật khác thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, cần bổ sung khái niệm về chuyển mục đích sử dụng đất là một quyền của người sử dụng đất. Việc bổ sung nhằm làm rõ các thuật ngữ giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Bên cạnh đó, không lập lại phương án sử dụng đất đối với doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa nhưng chưa có phương án sử dụng đất. Đồng thời, giải quyết các thủ tục đất đai (ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hoặc thu hồi đất) theo đúng các quy định pháp luật đất đai.
"Cần bổ sung khái niệm "đất do nhà nước trực tiếp quản lý", từ đó xác định cụ thể những trường hợp đất do nhà nước trực tiếp quản lý để có chế định quản lý, sử dụng đặc biệt…; tránh gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước cũng như tránh áp dụng pháp luật tùy tiện đối với các loại đất khác không phải là đất do nhà nước trực tiếp quản lý" - ông Phan Văn Mãi nêu.
Những kiến nghị có cơ sở, trách nhiệm
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhận xét những đề xuất trên là đề xuất gián tiếp với Trung ương và dựa trên đặc thù địa phương để đổi mới về cơ chế, chính sách. 5 điểm nghẽn, 18 kiến nghị tháo gỡ và 16 đề xuất thí điểm mà TP HCM đưa ra là xác đáng, chất lượng, có cơ sở và có trách nhiệm.
Bộ trưởng Bộ TN-MT đề nghị TP HCM phân công đầu mối chuẩn bị hồ sơ, tổng kết và hoàn thiện đề xuất trình Chính phủ, để Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết qua đại dịch COVID-19, TP HCM nhận thấy tinh thần khát khao phát triển và sức mạnh nội sinh rất lớn trong nhân dân và doanh nghiệp. Nếu những điểm nghẽn được tháo gỡ, từ đó tạo điều kiện thông thoáng hành lang pháp lý bảo đảm an toàn thì TP HCM sẽ phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn.
Về các ý kiến của đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Nên cho hay Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM sẽ tiếp tục chỉ đạo bổ sung nội dung báo cáo Bộ Chính trị cũng như đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bộ khung về các cơ chế, chính sách thí điểm. TP HCM không đề xuất, kiến nghị những vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố hoặc đã có trong luật. Những vấn đề mà thời gian qua các bộ, ngành mong muốn được thực hiện thì TP HCM sẵn sàng đăng cai thí điểm.
Phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo
Những đề xuất, kiến nghị của TP HCM về Luật Đất đai (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua thì theo lộ trình, đến năm 2024 mới có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị từ nay đến năm 2024, cần có cơ chế để thực hiện thí điểm và bổ sung vào dự thảo luật, để từ đó Quốc hội có cơ sở xem xét và mạnh dạn quyết định hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, lĩnh vực đất đai là vô cùng lớn, nhiều khó khăn, thử thách, phức tạp, nhạy cảm. Ông đề nghị Bộ TN-MT phối hợp chặt chẽ với TP HCM cũng như chuẩn bị chu đáo hơn để tham mưu cho cấp trên. Những gì thuộc thẩm quyền của TP HCM thì thành phố sẽ cố gắng, nỗ lực thực hiện.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tp-hcm-neu-nhieu-kien-nghi-xac-dang-ve-dat-dai-397527.html