Hà Nội: Chuỗi siêu thị Nhật Bản Konni39 bán một số hàng hóa nước ngoài không tem nhãn phụ tiếng Việt

Hàng loạt sản phẩm hàng hóa nước ngoài không có nhãn phụ tiếng Việt, thậm chí không rõ nguồn gốc, xuất xứ được hệ thống siêu thị Nhật Bản Konni39 bày bán, vi phạm các quy định pháp luật về hàng hóa nhập khẩu.

LTS: Khi nền kinh tế phát triển, cũng là lúc đời sống tiêu dùng của người dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Đóng vai trò lớn trong nền kinh tế hội nhập đó là việc các doanh nghiệp của Việt Nam, cũng như của nước ngoài tham gia tìm kiếm cơ hội xuất nhập khẩu hàng hóa trong và ngoài nước. Bởi lẽ đó, hiện nay trên thị trường Việt Nam nói chung và thị trường Hà Nội nói riêng, rất nhiều siêu thị, cửa hàng, hệ thống siêu thị, hệ thống chuỗi hàng nhập khẩu xuất hiện: Siêu thị hàng Pháp; Siêu thị hàng Thái Lan; siêu thị hàng Đức; siêu thị hàng Nhật…

Tuy nhiên, dường như nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng Việt Nam, chuộng hàng Nhật, cho nên lượng cửa hàng, siêu thị, hệ thống siêu thị kinh doanh hàng Nhật xuất hiện nhiều hơn tất cả. Một trong số những thương hiệu siêu thị hàng Nhật được người tiêu dùng quan tâm trong thời gian vừa qua không thể không nhắc tới chính là chuỗi siêu thị Nhật Bản Konni39.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thương hiệu Konni39 là hệ thống chuỗi siêu thị mini chuyên kinh doanh hàng hóa có xuất xứ, nguồn gốc tại Nhật Bản. Đây là một trong những chuỗi thương hiệu lớn với rất nhiều shop trên địa bàn Hà Nội, cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước.

nhanvienkonni39-ha-dong-1665807116-1666306007.jpg
Nhân viên bán hàng tại Konni39 Hà Đông khẳng định: " hàng có tem nhãn hay không có tem nhãn chất lượng như nhau, nhưng chỉ hàng công ty nhập khẩu về mới sản xuất được tem phụ...". (Ảnh: Minh Nhật)

 

Thực tế, theo quan sát của phóng viên  tại 4 địa điểm kinh doanh thuộc hệ thống chuỗi siêu thị Konni39: Shop Konni39, địa chỉ 136 Khâm Thiên, Đống Đa; Shop Konni 39, địa chỉ V6B04 khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông; Shop Kinni 39, địa chỉ 30 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân và Shop Konni 39, địa chỉ106 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, cho thấy hàng tiêu dùng tại đây rất phong phú và đa dạng như: Các sản phẩm dành cho mẹ và bé; các sản phẩm là hóa- mỹ phẩm; các sản phẩm là thực phẩm chức năng; bánh- kẹo, ngũ cốc; các sản phẩm đồ uống; đồ gia dụng Nhật thông minh…

 

Một số hình ảnh ghi nhận  của phóng viên về chuỗi siêu thị Konni39:

Konni39 Bạch Mai
Konni39 Bạch Mai. (Ảnh: Minh Nhật)
Konni39 Hà Đông
Konni39 Hà Đông. (Ảnh: Minh Nhật)
Konni39 Nguyễn Huy Tưởng
Konni39 Nguyễn Huy Tưởng. (Ảnh: Minh Nhật)
Konni39 tại Bạch Mai
Konni39 tại Bạch Mai. (Ảnh: Minh Nhật)

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy tại chuỗi siêu thị Nhật Bản Konni39 trên, các sản phẩm tại đây được in “chi chít” chữ nước ngoài, nhưng có nhiều sản phẩm không được dán nhãn phụ nhằm thể hiện những thông tin cần thiết bằng tiếng Việt về thành phần, tính năng, cách sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và đặc biệt là nguy cơ cảnh báo của sản phẩm.

Trao đổi với một nhân viên của cửa hàng Konni39 tại Khâm Thiên, phóng viên không khỏi giật mình: “Ở đây chỉ xuất được hóa đơn của hàng thôi, hóa đơn đỏ (VAT) phải tùy từng mã mới có thể xuất được, vì ở những mã hàng trực tiếp đi “Ari” (hàng máy bay, xách tay)… Hàng Ari là hàng không có nhãn phụ tiếng Việt, nhưng chất lượng của hàng Ari và hàng cont như nhau cả thôi, chỉ khác nhau về hình thức vận chuyển và không có hóa đơn”.

Có thể thấy, hàng hóa do nước ngoài sản xuất, được bày bán tại các shop trên của hệ thống kinh doanh hàng Nhật mang thương hiệu Konni39, cũng như nhiều hệ thống siêu thị kinh doanh hàng tiêu dùng nhập ngoại khác, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt sẽ gây khó khăn cho khách hàng trong việc tìm hiểu thông tin: Xuất xứ sản phẩm, thời hạn sản xuất, hạn sử dụng, các thành phần của sản phẩm… Đồng thời điều đó làm gia tăng nguy cơ hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào các shop, các siêu thị, gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người tiêu dùng.

Nhân viên bán hàng Konni39 tại Đan Phượng cho biết:
Nhân viên bán hàng Konni39 tại Đan Phượng cho biết: "...nếu sản phẩm nào được dán tem nhãn sẽ không đổi lại được nữa". (Ảnh: Minh Nhật)

Cùng với đó, việc lợi dụng tâm lý sính hàng ngoại cũng như lòng tin của người tiêu dùng, không ít shop, hệ thống cửa hàng, hệ thống siêu thị sử dụng chiêu bài quen thuộc là trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng dưới vỏ bọc là hàng hóa xách tay, bất chấp luật định, sức khỏe của người tiêu dùng để thu lời, ảnh hưởng và thiệt hại trực tiếp chính là người tiêu dùng!

Chính điều đó, dư luận hoài nghi về việc các sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang được bày bán tại hệ chuỗi hệ thống siêu thị Konni39 liệu có đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng? Cùng với đó, nếu theo như lời nhân viên tại siêu thị Konni39, có địa chỉ tại 136 phố Khâm Thiên thì tại đây đang có những dấu hiệu kinh doanh hàng hóa xách tay nhập lậu, hàng trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Vậy, vai trò của các cơ quan chức năng ở đâu khi để cho các cửa hàng này bày bán sản phẩm đó? Liệu đây có phải hành vi tiếp tay cho tiêu thụ hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và cơ quan quản lý thị trường đang ở đâu khi hàng không rõ xuất xứ, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt vẫn được bày bán công khai?   

Trên tinh thần bảo vệ người tiêu dùng, chống gian lận, trốn thuế, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và xử lý vi phạm nêu trên.

Bên cạnh đó, nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hoặc hàng hoá nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt con trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi thì có thể bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, tối đa có thể lên đến 200.000.000 đồng.

Link nội dung: https://biztoday.vn/ha-noi-chuoi-sieu-thi-nhat-ban-konni39-ban-mot-so-hang-hoa-nuoc-ngoai-khong-tem-nhan-phu-tieng-viet-398563.html