Nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng phục hồi tích cực

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả phát triển KT-XH của Việt Nam thời gian qua, đồng thời đưa ra triển vọng khả quan cho nền kinh tế Việt Nam trong năm tiếp theo.

 Trong 9 tháng, kinh tế - xã hội phục hồi tích cực

Nền kinh tế nước ra trước áp lực lạm phát tăng cao từ đầu năm 2022 đến nay; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân do ảnh hưởng của tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với khi xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022.

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực đang hiện hữu.

Nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng phục hồi tích cực - Ảnh 1 Chính phủ cũng đặt ra 15 chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. (Ảnh minh họa)

Sáng ngày 20/10, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Một trong những nội dung quan trọng là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội đã nêu rõ tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Với đà phục hồi tăng trưởng 9 tháng được thể hiện rõ nét ở cả 3 khu vực kinh tế. Ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (từ 6-6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã đề ra.

Chính phủ cũng đặt ra 15 chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%.

Để thực hiện được các chỉ tiêu này, Thủ tướng báo cáo Quốc hội 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược; phát triển nguồn nhân lực; phát triển văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả, đồng thời đưa ra triển vọng khả quan cho nền kinh tế Việt Nam trong năm tiếp theo trước những kết quả đã đạt trong việc phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Đánh giá của bà Era Dabla-Norris - Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): "Chính phủ Việt Nam đã làm được việc đáng ngưỡng mộ trong năm nay dù chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19. Đó là ngay từ nửa đầu năm 2022, đã dần mở cửa trở lại nền kinh tế và ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đến nửa sau của năm, Chính phủ chuyển trọng tâm, tập trung hơn vào việc giảm áp lực lạm phát. Chính sách điều hành tỉ giá hối đoái đã được thực hiện hiệu quả, quản trị được sự giảm giá của VND theo cách giảm lạm phát nhập khẩu. Đây là yếu tố rất quan trọng".

Ông Yoshiki - Phó Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định: "Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, lạm phát nhiều nền kinh tế tăng cao thì lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt. Bình quân 9 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng 2,7%, mức này thấp hơn đáng kể so với hầu hết các nước OECD. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia tránh được suy thoái liên quan tới Covid-19. Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam tương đối mạnh. Điều này được thúc đẩy một phần bởi đầu tư nước ngoài, khi nhiều công ty trong khối OECD đang hướng đến Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ".

"Tôi cho rằng các động lực tiếp tục dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bao gồm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI khi Việt Nam vẫn tiếp tục là một nước rất hấp dẫn FDI. Xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong 5, 6 tháng tới. Sự gia tăng tầng lớp trung lưu, làm tăng mức tiêu dùng nội địa. Và quan trọng là những chỉ đạo, điều hành rất sát của Chính phủ. Theo tôi 4 yếu tố này góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bất chấp những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt", ông Timevans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá.

Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) cho hay: "Việt Nam không nên nhìn vào con số thu hút đầu tư mới, mà nên nhìn vào con số giải ngân đang ở mức cao và có lẽ năm nay sẽ đạt mức kỷ lục. Tôi tin rằng những doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang lạc quan hơn rất nhiều so với trước khi có dịch Covid-19. Việt Nam đã rất linh hoạt và chủ động trong việc vừa nỗ lực đẩy lùi Covid-19, vừa hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp nên sự cam kết của các nhà đầu tư thể hiện không chỉ bằng lời nói mà đã bằng những đồng vốn thực tế đưa vào Việt Nam nhiều hơn".

Kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt so với cùng kỳ năm trước (khi nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, nhất là tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam). Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…

 

Link nội dung: https://biztoday.vn/nen-kinh-te-viet-nam-trong-9-thang-phuc-hoi-tich-cuc-398797.html