Ai bị nêu "vô trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ"?
Báo Công Thương nhận được đơn thư của cán bộ, cổ đông của Công ty CP Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam (VCC), trụ sở tại tầng 8-11 tòa nhà số 10 Hoa Lư, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Nội dung đơn thư phản ánh hàng loạt bất cập trong hoạt động điều hành tổ chức đại diện phần vốn Nhà nước của Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam.
Theo hồ sơ, Công ty VCC được hình thành qua quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay Công ty VCC có cổ đông chi phối 51% vốn điều lệ là VNCC (doanh nghiệp nhà nước). Trong khi đó, VNCC có 87,3% vốn điều lệ.
Để bảo vệ quyền lợi của cổ đông và trách nhiệm đối với tài sản vốn Nhà nước, VNCC đã bầu ra Tổ đại diện vốn và Ban kiểm soát của VNCC tại VCC. Tại nhiệm kỳ 2017-2022, nhân sự Tổ đại diện vốn gồm ông Trần Nhật Minh (Tổ trưởng), ông Nguyễn Huy Khanh (Thành viên) và ông Trần Huy Ánh (Thành viên).
Cụ thể, ngày 5/4/2017, Công ty VNCC đã có Quyết định số 51/QĐ-HĐQT về việc giao quản lý phần vốn của VNCC tại VCC. Theo đó, ông Trần Nhật Minh được giao làm người đại diện phụ trách quản lý 342.000 cổ phần của VNCC tại VCC kể từ ngày 24/4/2017. Theo phản ánh, việc VNCC ra quyết định trên chưa hoàn thiện các thủ tục thông qua ý kiến Hội đồng quản trị VCC và Đảng ủy VCC?
Hiện nay, ông Trần Nhật Minh (Chủ tịch Hội đồng quản trị VCC) đang là Tổ trưởng Tổ đại diện vốn của doanh nghiệp nhà nước VNCC tại VCC.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, Tổ đại diện vốn đã không hoàn thành nhiệm vụ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi cán bộ, cổ đông của Công ty VCC và tài sản vốn góp Nhà nước của VNCC.
Ngày 24/2/2021, VNCC đã có Văn bản số 163/GĐN-VNCC đề nghị Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Công ty VCC triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề bãi nhiệm toàn bộ Thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát…
Văn bản số 163 cho rằng, Hội đồng quản trị của VCC thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, không hoàn thành nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của các cổ đông. Tình trạng mâu thuẫn trầm trọng giữa các thành viên Hội đồng quản trị diễn ra trong thời gian dài làm cho hoạt động của hội đồng quản trị bị vô hiệu hóa. Hội đồng quản trị không tổ chức được cuộc họp định kỳ hàng quý theo quy định Điều lệ Công ty VCC và pháp luật.
Trong năm 2020 hầu hết các cuộc họp hội đồng quản trị được triệu tập nhưng nhiều thành viên hội đồng quản trị không tham dự đủ nên không đủ điều kiện để tiến hành theo quy định của điều lệ công ty. Có nhiều cuộc họp hội đồng quản trị được triệu tập nhưng chỉ tổ chức được ba cuộc họp. Cụ thể, quý I triệu tập 6 lần nhưng chỉ tổ chức họp được 1 lần, quý II triệu tập 4 lần chỉ tổ chức họp được 1 lần, quý III triệu tập 3 lần chỉ tổ chức được 1 cuộc họp và quý IV triệu tập 2 lần thì tổ chức được 1 cuộc họp.
Ba cuộc họp hội đồng quản trị nói trên tổ chức được nhưng không có cuộc họp nào ban hành được nghị quyết cuộc họp. Theo quy định, cuộc họp hội đồng quản trị phải được tổ chức định kỳ hàng quý là cuộc họp quan trọng để các thành viên hội đồng quản trị bàn bạc, thống nhất về việc điều hành hoạt động kinh doanh cũng như quyết định về các hoạt động của công ty tại mỗi quý.
“Việc cuộc họp được triệu tập nhưng các thành viên không tham dự đầy đủ dẫn đến không tiến hành được cuộc họp thể hiện sự vô trách nhiệm, sự yếu kém trong công tác quản lý điều hành, các thành viên hội đồng quản trị đã không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người quản lý trong doanh nghiệp”, Văn bản số 163 nhấn mạnh.
Văn bản số 163 cũng chỉ rõ rằng, thành viên hội đồng quản trị VCC đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người quản lý, gây thiệt hại trước mắt và lâu dài cho các cổ đông… Tất cả cho thấy cần có sự thay đổi, đổi mới toàn bộ công tác tổ chức, quản trị, điều hành doanh nghiệp.
Phía VNCC cho rằng, Công ty VCC cần thiết phải tổ chức ngay một cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường để bãi nhiệm toàn bộ các thành viên hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ hiện nay và bầu nhân sự mới có năng lực, trách nhiệm để quản lý, điều hành doanh nghiệp theo các mục tiêu của cổ đông đặt ra.
Nguy cơ gây ảnh hưởng nguồn vốn nhà nước
Ngày 15/11/2021, Công ty VNCC có Văn bản số 22/CBTT-VCC về việc “Công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 và biên bản họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021”. Trong đó, nội dung đáng chú ý là thông qua kết quả kiện toàn thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát. Đại hội đã thông qua việc miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với 2 thành viên hội đồng quản trị là ông Trần Huy Ánh (Thành viên Tổ đại diện vốn) và bà Nguyễn Thị Khánh Giang (Thành viên Ban kiểm soát).
Tuy nhiên, ông Trần Nhật Minh với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị VCC, Tổ trưởng Tổ đại diện vốn của doanh nghiệp nhà nước VNCC tại VCC vẫn được làm Tổ trưởng đại diện vốn khiến cổ đông VCC bức xúc.
Được biết, VNCC đã nhiều lần phê bình tổ người đại diện của VNCC tại VCC, cụ thể là ông Trần Nhật Minh về các vấn đề về chuẩn bị tài liệu đại hội cũng như về nhân sự đại diện vốn cho nhiệm kỳ hội đồng quản trị 2022-2027. Cụ thể, VNCC đã nhiều lần có văn bản phê bình ông Minh đã không phối hợp trong Tổ đại diện vốn, không thực hiện theo chỉ đạo của tổng công ty, không phối hợp với ban tổng giám đốc, các phòng ban trong công ty trong công tác chuẩn bị đại hội.
Để chuẩn bị cho Đại hội đồng cổ đông VCC 2022, bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm sát nhiệm kỳ 2022-2027, ông Thân Hồng Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCC đã ký các văn bản chỉ đạo tổ người đại diện vốn về việc phối hợp với Hội đồng quản trị và Đảng ủy của VCC để lấy ý kiến tín nhiệm về nhân sự đề xuất làm đại diện vốn VNCC tại VCC. Mặc dù cá nhân ông Minh phản đối không thực hiện, nhưng được biết Đảng ủy VCC đã tiến hành lấy ý kiến tín nhiệm về những người đại diện vốn đương nhiệm của VNCC mà là cán bộ tại VCC, cũng như lấy tín nhiệm giới thiệu nhân sự từ nguồn gốc cán bộ tại VCC, đã gửi kết quả lên VNCC.
Theo tìm hiểu, việc quản lý, điều hành của Tổ đại diện vốn tại VCC nhiệm kỳ 2017-2022 đã thể hiện sự yếu kém, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông VCC, trong đó cổ đông lớn là VNCC.
Theo hồ sơ, trong thời gian qua, cổ phiếu CCV của Công ty VCC đã nhiều lần bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hạn chế giao dịch, nguyên nhân do chậm tổ chức đại hội cổ đông. Cổ đông của VCC phản ánh VNCC là cổ đông lớn đã chậm phê duyệt tài liệu, nhân sự dẫn đến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Với việc doanh nghiệp nhà nước là Công ty VNCC chiếm 51% vốn tại VCC thì việc VCC bị ảnh hưởng cũng sẽ tác động không nhỏ đến hiệu quả của nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, ngày 20/10/2022, Công ty VCC đã công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 và Biên bản chọp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Nội dung đáng chú ý là thông qua kết quả bầu Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2027. Trong đó, ông Trần Nhật Minh vẫn là Thanh viên Hội đồng quản trị với kết quả bình bầu đạt 17,68%. Đến ngày 26/10/2022, công ty sẽ tiến hành bầu Tổ đại diện vốn Nhà nước VNCC tại VCC và ông Minh vẫn nằm trong danh sách được bầu chọn.
Phía cán bộ, cổ đông VCC rất lo lắng vì nếu ông Trần Nhật Minh (trong năm trước đã không hoàn thành nhiệm vụ, quản lý yếu kém...) nếu tiếp tục nắm giữ Tổ trưởng Tổ đại diện vốn Nhà nước của VNCC tại VCC thì rất có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, trong đó có cổ đông lớn là VNCC.
Liên quan vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã đặt lịch làm việc tại VCC. Ngày 19/10, Phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Trần Nhật Minh qua điện thoại để làm rõ các vấn đề trên. Ông Minh cho rằng, hiện ông đang tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Đến nay, phóng viên vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi cụ thể về các vấn đề trên từ phía VCC.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nguy-co-gay-anh-huong-nguon-von-nha-nuoc-tai-cong-ty-vcc-401062.html