Mới đây, Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTCP thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu. Theo đó, 15 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, 2 nhà máy lọc hoá dầu bị thanh tra về các hoạt động quản lý về xăng dầu.
Tại khu vực Miền Trung, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra 2 doanh nghiệp gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (TMD Group) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh.
Theo tìm hiểu, trên trang website tmdgroup.vn (được cho là website của TMD Group) giới thiệu, TMD Group có vốn điều lệ 1.455 tỷ đồng (cập nhật ngày 20/9/2022 là 2.022 tỷ đồng), kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực ở trong nước và nước ngoài. Ngành nghề chủ yếu của doanh nghiệp này bao gồm xăng dầu, khí hóa lỏng, sản xuất giấy, bao bì, logistic, vận tải đến dịch vụ khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, nông trại và khai khoáng ở nước ngoài. TMD Group là thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu cả xăng dầu và khí hóa lỏng. Ngoài ra, đơn vị này còn có mạng lưới hệ thống phân phối 100 đại lý bán lẻ xăng dầu mang thương hiệu DKC Petro và khoảng 100 đơn vị mua hàng trực tiếp để phân phối trên toàn quốc, hệ thống cảng biển và kho chứa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Thời gian gần đây, TMD Group của nữ đại gia Chu Thị Thành (sinh năm 1960) đang được chú ý nhiều hơn khi lấn sân sang bất động sản với dự án Highway5 Residences ở Gia Lâm, Hà Nội và vụ thâu tóm Tổ hợp đô thị khách sạn Hà Nội Kim Liên tại Cửa Lò, Nghệ An.
Theo tìm hiểu, dự án Tổ hợp đô thị khách sạn Hà Nội Kim Liên nằm ngay mặt biển Cửa Lò được giao cho Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội làm chủ đầu tư từ năm 2006. Dự án này có tổng mức đầu tư gần 78 tỷ đồng nhưng bị chậm tiến độ hàng chục năm.
Tháng 6/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội. Quyết định này nêu rõ, trong 10 ngày công ty phải họp để quyết định giải thể. Thế nhưng, trong tháng 10 và 11/2017, Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội có sự thay đổi về cơ cấu cổ đông, theo đó cả ông Vũ Văn Thảo và 2 cổ đông khác thoái hết vốn tại doanh nghiệp này.
Sau khi thay chủ mới, cổng cũ của dự án Khách sạn Hà Nội Kim Liên bị dỡ bỏ và thay vào đó là cổng sắt mới được dựng lên với logo của TMD Group. Đồng thời, bà Chu Thị Thành trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội. Lúc này, người ta mới biết, Thiên Minh Đức Group của bà Chu Thị Thành đã âm thầm thâu tóm dự án "đất vàng" mặt biển Cửa Lò. Hiện, số tiền mà TMD Group chi ra để "thâu tóm" dự án trên vẫn chưa được thống kê cụ thể.
Bên cạnh đó, dự án khác của TMD Group là Highway5 Residences được xây dựng trên khu đất rộng 8,3ha, gồm 3 loại sản phẩm chính là biệt thự, liền kề, shophouse, trong đó có 16 lô biệt thự và 285 lô liền kề shophouse. Dự án này dự kiến bàn giao dự kiến Quý IV/2022. Đối với dự án này, TMD Group sẽ phải chi một nguồn vốn đầu tư không hề nhỏ.
Theo tìm hiểu, TMD Group có bà Chu Thị Thành là người đại diện theo pháp luật đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty, đồng thời nắm giữ 60% cổ phần, còn 40% thuộc về 2 cổ đông khác.
Xét về góc độ doanh thu, TMD Group thực sự là niềm mơ ước của nhiều đối thủ ngành xăng dầu khi chỉ tiêu này liên tục tăng mạnh suốt 5 năm gần đây và đạt đỉnh vào năm 2021. Cụ thể, năm 2017, TMD Group chỉ thu về 2.181 tỉ đồng. Nhưng sau đó, chỉ tiêu này liên tục tăng mạnh lên 6.176 tỉ đồng (năm 2018), 9.837 tỉ đồng (năm 2019), 10.698 tỉ đồng (năm 2020) và 11.169 tỉ đồng (năm 2021). Như vậy, TMD Group đã có doanh thu tăng 8.396 tỉ đồng chỉ trong 5 năm (tương đương 3,8 lần).
Trái ngược với doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng TMD Group vẫn bị lỗ lũy kế. Cụ thể, năm 2017, TMD Group lỗ 39 tỉ đồng, năm 2018 lỗ 128 tỉ đồng và năm 2019 lỗ 303 tỉ đồng. Từ năm 2020, TMD Group báo lãi gần 19 tỷ đồng và năm 2021 lãi khoảng 25 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu so sánh khoản lãi này cạnh con số doanh thu lên đến 10.691 tỷ đồng năm 2020 và 11.169 tỷ đồng năm 2021 thì quá nhỏ bé. Điều này cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) của doanh nghiệp này không cao.
Do đó, tính đến ngày 31/12/2021, TMD Group còn lỗ lũy kế 154 tỷ đồng. Điều này, đồng nghĩa với việc vốn chủ TMD Group bị ăn mòn về 1.317 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu lên đến 1.471 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý đối bức tranh tài chính của TMD là doanh nghiệp này đã “phù phép” báo cáo tài chính để làm đẹp số liệu. Cụ thể, trong năm 2019, TMD Group báo lỗ sau thuế 303 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 31/12/2019, doanh nghiêp này lỗ lũy kế 526 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 346 tỷ đồng dù vốn góp chủ sở hữu là 872 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2020, TMD Group bất ngờ báo lãi hơn 25 tỉ đồng.
Được biết, hai nguyên nhân chính khiến TMD Group bị thua lỗ trong năm 2019 đã được điều chỉnh. Theo đó, doanh nghiệp giữ nguyên doanh thu nhưng chỉnh giá bán giảm mạnh giá vốn và chi phí tài chính.
Cụ thể, dữ liệu tài chính năm 2019 cho thấy doanh thu của TMD Group chỉ là 9.837 tỷ đồng thì giá vốn đã lên tới 10.013 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 176 tỷ đồng, cộng thêm chi phí tài chính 115 tỷ đồng khiến doanh nghiệp lỗ tới 303 tỷ đồng. Trong dữ liệu tài chính năm 2020, số liệu giá vốn hàng bán của năm 2019 được điều chỉnh sâu xuống chỉ còn 9.807 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm sâu xuống 27 tỷ đồng nên kết quả là thay vì lỗ 303 tỷ đồng trong năm 2019, công ty lại lãi 25 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, trong các báo cáo lưu chuyển tiền tệ của TMD Group cũng cho thấy, ngoại trừ năm 2021 doanh nghiệp đã nộp 57 triệu đồng thuế thu nhập doanh nghiệp thì các năm còn lại 2018, 2019, 2020 chỉ mục này đều được ghi nhận bằng 0 đồng.
Sở dĩ trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của TMD Group chưa ghi nhận khoản tiền liên quan đến thuế vì doanh nghiệp này vẫn đang nợ thuế. Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, TMD Group ghi nhận 1.172 tỷ đồng thuế và các khoản phải nộp Nhà nước gần bằng vốn chủ sở hữu công ty (1.317 tỷ đồng). Trước đó, cuối năm 2020, chỉ tiêu này là 1.382 tỷ đồng, tăng 904 tỷ đồng, tương đương gần 190% so với năm 2019. Năm 2018, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tại TMD Group là 178 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong cơ cấu nợ của TMD Group, số nợ thuế nghìn tỷ cũng chỉ chiếm 15,4% tổng nợ phải trả. Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, tổng nợ phải trả của TMD Group lên đến 7.605 tỷ đồng (tăng 1.597 tỷ đồng so với năm 2020), cao gấp 5,8 lần vốn chủ sở hữu và chiếm hơn 85% tổng nguồn vốn.
Được biết, khoản vay và nợ thuê tài chính của TMD Group đạt 2.584 tỷ đồng. Để được cấp tín dụng, trong năm 2021 và 2022, doanh nghiệp này đã ký rất nhiều hợp đồng để tiếp tục được vay nợ. Tính đến tháng 8/2022, TMD Group ký với các ngân hàng khoảng 20 hợp đồng tín dụng.
“Chủ nợ” của TMD Group có thể kể đến như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Nghệ An, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) - Chi nhánh Nghệ An, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - Chi nhánh Nghệ An. Đáng chú ý, BIDV - Chi nhánh Nghệ An đã ký rất nhiều hợp đồng với Thiên Minh Đức.
Để đảm bảo cho các khoản vay trên, TMD đã dùng hàng tồn kho bao gồm toàn bộ lô hàng dầu DO 0.05%S hình thành từ nhiều hợp đồng giữa TMD Group và Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Giá trị hàng tồn kho có lúc là 104 tỷ đồng, hoặc 127 tỷ đồng hoặc 139 tỷ đồng...
Đáng chú ý, chỉ tiêu phải trả khác ngắn hạn là 1.182 tỉ đồng và dài hạn là 1.350 tỉ đồng cũng là con số đáng lưu ý.
Qua bức tranh tài chính của doanh nghiệp và những số liệu về các khoản nợ của doanh nghiệp có thể thấy đơn vị này gặp rất nhiều áp lực về việc trả nợ, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn. Cụ thể, cuối năm 2021, nợ ngắn hạn TMD Group đạt 4.835 tỷ đồng, trong khi đó tài sản ngắn hạn doanh nghiệp đạt 4.075 tỷ đồng.
Với việc tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn có thể thấy TMD Group đang gặp áp lực rất lớn về việc trả các khoản nợ đến hạn. Trong trường hợp hàng loạt chủ nợ cùng đòi nợ cùng một lúc rất có thể doanh nghiệp không có khả năng chi trả.
Được biết, Công ty Thiên Minh Đức thực hiện phân phối xăng dầu của Công ty thông qua hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu và hệ thống đại lý bán lẻ xăng dầu; thực hiện bán cho thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối khác và các đơn vị sản xuất, tiêu dùng trực tiếp. Ngoài ra, Công ty có thực hiện việc xuất khẩu xăng dầu; tạm nhập, tái xuất xăng dầu đi thị trường Lào. Công ty Thiên Minh Đức còn có sở hữu và thuê kho để tiếp nhận xăng dầu; sở hữu và thuê cầu cảng chuyên dụng đạt tiêu chuẩn tiếp nhận tàu chở xăng dầu và sở hữu hệ thống phương tiện vận tải đường bộ, đường biển để vận chuyển xăng dầu.
Tuy nhiên ngay trong lĩnh vực kinh doanh chính, thời gian qua công ty này có nhiều sai phạm, từng bị cơ quan chức năng xử phạt hàng trăm triệu đồng.
Link nội dung: https://biztoday.vn/xang-dau-thien-minh-duc-dau-tu-bat-dong-san-va-ap-luc-khoan-no-khong-lo-401865.html