Đấu giá biển số xe ô tô: Thế nào là biển số đẹp?

Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, khái niệm biển số đẹp của mỗi người là khác nhau, do đó, việc chưa có một tiêu chí cụ thể mà đem ra đấu giá thì rất khó.

Nên cho phép đấu giá biển mới trả biển cũ

Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 26/10, góp ý về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cho rằng, việc có một Nghị quyết để đấu giá biển số xe là cần thiết.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng dự thảo vẫn còn một số điểm cần làm rõ. Ông đặt vấn đề: “Tôi có một chiếc xe đã có biển số, nhưng trước đây biển số xe là bấm nút. Bây giờ tôi muốn đổi biển mà tôi mong muốn thì như vậy có được không?”.

Theo ông Thanh, đây là câu hỏi sẽ được nhiều người đặt ra và cần được làm rõ để sau này “dễ thực hiện”. Do đó, dự thảo Nghị quyết nên cho phép đấu giá biển mới trả biển cũ.

Tiêu điểm - Đấu giá biển số xe ô tô: Thế nào là biển số đẹp?

Đại biểu Trần Sỹ Thanh cho rằng, cần cho phép đấu giá biển mới trả biển cũ (Ảnh: Hoàng Bích).

Về giá khởi điểm, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số trên cơ sở xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả trường hợp đấu giá. Mức giá khởi điểm 40 triệu đồng được áp dụng ở Hà Nội và Tp.HCM. Ở các địa phương còn lại, mức giá khởi điểm là 20 triệu đồng.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an Hà Nội nhận định, giá khởi điểm rất quan trọng, nếu không đưa vào không thể thực hiện được. Mức giá 40 triệu đồng là ngang bằng với lệ phí trước bạ xe ô tô ở Hà Nội và Tp.HCM, 20 triệu đồng là phí áp dụng ở các địa phương khác. Trường hợp chỉ quy định một mức giá chung thì nên để 40 triệu đồng là hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cũng nêu quan điểm, trước đây đấu giá biển số xe còn nhiều vướng mắc, song việc triển khai lần này có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Mục đích của Nghị quyết là nhằm nâng cao quản lý Nhà nước, khai thác hiệu quả tài sản công, thu ngân sách Nhà nước.

Nói về mức giá, bà Xuân cho rằng, tại Tp.HCM và Hà Nội đời sống người dân cao hơn, tỉnh vùng 2 cũng có người giàu, người nghèo, nên không có căn cứ cơ sở pháp lý để đưa ra mức giá khởi điểm như vậy. “Nên cân nhắc về chung mức giá, ai có nhu cầu và điều kiện thì tham gia đấu giá”, bà Xuân nói.

Khái niệm khác nhau về biển số đẹp

Nói về việc cần có phụ lục và danh mục trong kho biển số đẹp, bà Xuân cho rằng, nhu cầu của những người tham gia đấu giá là khác nhau, quan điểm về biển số đẹp cũng khác nhau.

“Khái niệm biển số đẹp cho mỗi người khác nhau, nên để xây dựng phụ lục có thể không cần thiết, vì phụ thuộc nhu cầu cá nhân”, bà Minh nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Võ Thị Minh Sinh (đoàn Nghệ An) nói rằng, có những số chúng ta nghĩ là đẹp nhưng người dân chưa chắc coi là đẹp.

“Đẹp với họ có thể là gắn với ngày sinh của họ, hay trùng với số điện thoại của họ. Như Ngân hàng thì ai có số điện thoại thế nào họ cho mình dùng số tài khoản như thế. Do đó cần coi “biển số đẹp” là số mà người muốn đấu giá coi là đẹp. Và hàng tháng, hoặc hàng quý thực hiện việc đấu giá”, bà Sinh nêu quan điểm.

Tiêu điểm - Đấu giá biển số xe ô tô: Thế nào là biển số đẹp? (Hình 2).

Đại biểu Trần Công Phàn, đoàn Bình Dương (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) cũng bày tỏ băn khoăn: “Trong dự thảo chưa đưa ra tiêu chí nào, thế nào là đẹp, thế nào là xấu, tổng là 10 nước hay 9 nước? Với nhiều người số rất xấu thì lại rất đẹp", ông Phàn nói và nhấn mạnh tiêu chí phải rõ, ví dụ trong một dãy số phải có quy định những số nào là số đẹp để đem ra đấu giá. “Việc chưa có một tiêu chí gì mà đem ra đấu giá thì rất khó", ông Phàn nhấn mạnh.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung (đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng, biển số xe là tài sản công. Và khái niệm “số đẹp” là rất rộng. Vì với người này số “tứ quý 8” là đẹp nhưng với người khác thì số ngày tháng năm sinh, hoặc số căn cước công dân mới là đẹp.

Do đó, ông Chung cho rằng việc nhận diện số nào là số đẹp để đưa ra đấu giá nên giao cho Chính phủ thực hiện. Và nên duy trì số tự chọn và số không tự chọn. Không tự chọn là cái chúng ta đang quy định và người dân bấm biển ngẫu nhiên. Còn số tự chọn thì phải trả phí thông qua đấu giá.

Link nội dung: https://biztoday.vn/dau-gia-bien-so-xe-o-to-the-nao-la-bien-so-dep-402296.html