Kinh doanh ‘bọt bèo’, Địa ốc Phú Long lấy tiền đâu để thanh toán hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn?

Từ cuối năm 2019 đến nay, Địa ốc Phú Long đã phát hành tổng cộng 19 lô trái phiếu với tổng giá trị lên đến hơn 5.200 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ hơn 2.200 tỷ đồng.

du-an-dragon-hill-1-va-dragon-hill-2-tai-huyen-nha-be-1666606018.jpg

Dự án Dragon Hill 1 và Dragon Hill 2 tại huyện Nhà Bè, TPHCM. Nguồn: Phú Long

Địa ốc Phú Long và câu chuyện hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu sắp đến hạn

 

Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán VCBS, lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước khoảng 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng TPDN đang lưu hành. VCBS cho rằng, khối lượng đáo hạn và khả năng trả gốc và lãi trái phiếu, cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới. 

Điều này đồng nghĩa rủi ro thanh khoản tăng đối với thị trường tài chính nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt. Tương tự nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long sẽ phải đối mặt với áp lực thanh toán khi hàng loạt lô trái phiếu phát hành từ cuối năm 2019 sẽ đến hạn vào cuối năm nay và trong năm giai đoạn 2023 - 2024 sắp tới.

Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ cuối năm 2019 đến nay, Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long đã phát hành tổng cộng 19 lô trái phiếu với tổng giá trị lên đến hơn 5.200 tỷ đồng. Toàn bộ số trái phiếu này đều không có tài sản đảm bảo, có kỳ hạn 36 tháng và trái chủ được công bố là tổ chức trong nước. Hầu hết đều có lãi suất 11%/năm và chỉ có lô trái phiếu 2.000 tỷ đồng phát hành cuối tháng 3/2021 không công bố lãi suất cụ thể.

cac-lo-trai-phieu-cau-cong-ty-co-phan-dia-oc-phu-long-1666606075.png
 

Theo tìm hiểu của Báo Thanh tra, Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long thường được biết đến là thành viên của một tập đoàn lớn, đa ngành, “nổi tiếng” với dự án Dragon City 65 ha có tổng mức đầu tư 1 tỷ USD tại khu Nam Sài Gòn, liền kề khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Ngoài ra, Phú Long còn hợp tác đầu tư vào nhiều dự án khác ở TP HCM, Hà Nội và Phú Quốc giai đoạn 2007 - 2010 như: Góp vốn vào dự án ở Phú Quốc, góp vốn với PVFC Land, hợp tác với CTCP Phú Hoàng Anh...

Đáng chú ý, vào năm 2018, Địa ốc Phú Long đã ra mua lại toàn bộ 50% cổ phần tại Liên doanh An Khánh JVC từ Công ty Xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc), chính thức nhảy vào siêu dự án Splendora (Bắc An Khánh, Hà Nội). Tham vọng của Phú Long đưa ra sẽ phát triển Splendora tương đương Khu đô thị Phú Mỹ Hưng tại Tp.HCM. Sau khi Vinaconex thoái vốn, nhiều khả năng, Địa ốc Phú Long đã toàn quyền quyết định số phận của Splendora, kỳ vọng sẽ dứt điểm tồn đọng và phát triển siêu đô thị trong tương lai.

 

Lợi nhuận của Địa ốc Phú Long ngày càng mỏng, phát hành trái phiếu vượt vốn điều lệ 2.200 tỷ

 

Cũng trong năm 2018, Địa ốc Phú Long đã nâng vốn điều lệ lên mức 3.000 tỷ đồng và vẫn duy trì đến cuối năm 2021. Cùng với đó, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp bất động sản này cũng liên tục tăng những năm gần đây. Thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của Phú Long lên đến gần 22.000 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cuối năm trước.

Nguồn vốn tài trợ chủ yếu đến từ nợ phải trả, tăng từ 11.900 tỷ đồng lên 18.250 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu tăng không đáng kể. Thời điểm cuối năm 2021, tổng nợ phải trả của Địa ốc Phú Long đã gấp 5 lần vốn chủ sở hữu. Riêng tổng giá trị trái phiếu đã phát hành đã vượt hơn 2.200 tỷ đồng so với vốn điều lệ. 

chi-tieu-tai-chinh-cua-phu-long-1666606169.png
 

Dù quy mô tài sản lên đến hàng chục nghìn tỷ nhưng kết quả kinh doanh của Địa ốc Phú Long lại không thật sự tương xứng. Doanh thu của doanh nghiệp này trồi sụt thất thường và chỉ đạt hơn 400 tỷ đồng năm 2021. Mặc dù doanh thu tăng mạnh so với năm trước nhưng lợi nhuận ròng giảm đến hơn 90% so với cùng kỳ, xuống còn vỏn vẹn 20 tỷ đồng.

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) đều rất thấp, lần lượt ở mức 0,5% và 0,1%. Điều này đồng nghĩa với việc 1.000 đồng vốn bỏ ra, doanh nghiệp này chỉ mang về 5 đồng lãi. Không loại trừ khả năng, chỉ phí lãi vay tăng cao đã ăn mòn đáng kể lợi nhuận của Địa ốc Phú Long. Tình trạng này khiên trái chủ nắm trái phiếu của doanh nghiệp này khó có thể yên tâm khi áp lực thanh toán gốc, lãi ngày càng lớn trong thời gian tới.

 

Bộ Tài chính cảnh báo tình trạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu vượt vốn chủ sở hữu

 

Vừa qua, trước sức nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình hình này trong giai đoạn năm 2021 và quý 1/2022. Qua đó, Bộ Tài chính đã điểm mặt các doanh nghiệp có lượng phát hành trái phiếu nhiều, đồng thời cảnh báo việc hàng loạt doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ khối lượng phát hành lớn hơn vốn chủ sở hữu. Điều này gây nên những tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho nhà đầu tư mà còn cho cả hệ thống tài chính tiền tệ.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, trong số 358 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ năm 2021, có 57 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh… lỗ trước khi phát hành; 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 và có 10 doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ khối lượng phát hành gấp trên 5 lần vốn chủ sở hữu.

Thậm chí một số doanh nghiệp phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn; hoặc phát hành để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của TCTD đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng. Chưa kể đến còn hàng loạt rủi ro tiềm ẩn về những doanh nghiệp phát hành TPDN có năng lực yếu kém, nhưng lại có lượng phát hành lớn. Cùng với đó là hiện tượng một số tổ chức tư vấn xây dựng hồ sơ chào bán có lợi cho doanh nghiệp để huy động vốn mà không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin công bố cho nhà đầu tư. 

Theo các chuyên gia về tài chính, các doanh nghiệp khi phát hành TPDN với khối lượng lớn vượt quá nhiều trên vốn chủ sở hữu sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi, doanh nghiệp với khả năng quản lý có giới hạn, nhưng khi huy động lượn vốn lớn sẽ khó lòng quản lý, sử dụng hiệu quả và khả năng trả nợ cũng kém.

Việc thị trường TPDN tăng trưởng nóng, không bền vững sẽ ảnh hưởng chung đến thị trường tài chính, ảnh hưởng đến nhu cầu huy động vốn hợp pháp của các doanh nghiệp đề đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh. Do đó, trong năm 2022, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi khung khổ pháp lý để khắc phục các tồn tại trong thời gian qua, tăng cường quản lý, giám sát để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng minh bạch, an toàn và bền vững.

Theo đó, bên cạnh việc rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp các bộ, ngành trong quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trong đó sẽ giám sát việc phát hành và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng, một số doanh nghiệp phát hành có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao...

Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật để xử lý theo quy định và công bố rộng rãi các đối tượng và hành vi vi phạm.

Link nội dung: https://biztoday.vn/kinh-doanh-bot-beo-dia-oc-phu-long-lay-tien-dau-de-thanh-toan-hang-nghin-ty-dong-trai-phieu-sap-dao-han-402424.html