Dù một cửa hàng xăng dầu đóng cửa cũng là bất thường

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nếu gián đoạn có thể ảnh hưởng tới tất các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế. Vì vậy, những bất cập trên thị trường xăng dầu thời gian vừa qua cần phải nhìn rõ, nhận diện rõ, tránh tình cảnh người tiêu dùng thấp thỏm khi nhiều cửa hàng treo biển hết xăng.

Mới đây, tại buổi thảo luận tổ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, việc dư luận cho rằng thiếu nguồn cung xăng dầu trong nước là hoàn toàn không chính xác và Bộ Công Thương có những số liệu, đánh giá chi tiết.

Nguồn cung không thiếu nhưng bán ra thị trường khó khăn

Đến thời điểm ngày 30/9/2022, Bộ Công Thương cho hay còn hàng dự trữ thương mại (hàng dự trữ quốc gia không động đến) là 1,255 triệu m3, năng lực sản xuất của 2 nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn trong tháng 10 bảo đảm 80% nguồn cung trong nước với 1,3 triệu m3/tháng.

xang-dau-1666861533.jpg

Nhiều cửa hàng xăng dầu vẫn phản ánh khó khăn, có nguy cơ đóng cửa.

Theo kế hoạch phân giao, 34 doanh nghiệp đầu mối phải nhập trong kỳ tháng 10 là 500 nghìn m3, như vậy đã có hơn 3 triệu m3 ở thời điểm cuối tháng 9 và giữa tháng 10, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến giữa tháng 11. Trong khi sang tháng 11 tiếp tục sản xuất gối đầu và nhập khẩu.

“Rõ ràng, nguồn cung không thiếu nhưng bán ra thị trường lại có khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã nhập khối lượng tương đối lớn với giá cao kỳ trước, sau đó giá xăng dầu trong nước (được điều hành theo xu hướng biến động của giá thế giới) đã liên tục giảm, dẫn đến lỗ, mà đã lỗ thì không dám làm. Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí, định mức chưa được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế”, ông Diên nói. Đồng thời nhấn mạnh, từ lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về kho bãi của doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đều bất cập.

Bên cạnh đó, vừa qua cơn lốc về chứng khoán, bất động sản cũng có những tác động nhất định. "Tôi không nói tất cả nhưng qua quan sát thấy rằng, có một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có tham gia ít nhiều vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Thời gian gần đây, lĩnh vực này có những biến động nên nguồn tiền cũng bị vơi đi. Vì vậy, đến kỳ nhập (bối cảnh nhập cao, bán thấp) thì người ta không còn tiền và không hấp dẫn", ông Diên phân tích.

Thêm nữa, theo Bộ trưởng Công Thương, là vấn đề room tín dụng: Khi doanh nghiệp được cấp phép là đầu mối hoặc thương nhân phân phối sẽ được ngân hàng cấp cho room tín dụng, khoản vay nhưng vì room được quy định từ trước, giá xăng dầu trước đây chỉ 50-60 USD/thùng nhưng bây giờ giá cao, thậm chí có thời điểm gấp hơn 2 lần mà room tín dụng vẫn vậy, những doanh nghiệp kể cả làm ăn đứng đắn cũng không đủ tiền nhập, chứ chưa nói đến những doanh nghiệp "tay trái" kết hợp này kia cũng là nguyên nhân phải đề cập…

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng nhìn nhận Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang có hiệu lực, nhưng vừa qua đã bộc lộ một số điểm hạn chế, Bộ Công Thương đã và đang được giao nhiệm vụ nghiên cứu cùng với các bộ ngành để xem xét, đề xuất sửa đổi.

Đáng chú ý, trước câu hỏi về trách nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ngoài Bộ Công Thương, hiện có 6 bộ ngành cùng quản lý. Bộ Công Thương là cơ quan được giao nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung - tức là nguồn cung xăng dầu ra thị trường và quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối cho tới thương nhân phân phối. Thuế, chi phí định mức, chi phí kinh doanh xăng dầu... trong giá xăng dầu là Bộ Tài chính; Bộ GTVT đảm bảo lưu thông mặt hàng này; quản lý chất lượng xăng dầu là Bộ KH&CN; quản lý môi trường là Bộ TN&MT; các địa phương cũng được giao trách nhiệm này.

Cần nhìn thẳng vấn đề để xử lý

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chia sẻ với truyền thông, giải pháp ứng xử, can thiệp từ phía các cơ quan quản lý chủ yếu vẫn xoay quanh mệnh lệnh hành chính (kêu gọi, ra lệnh, kiểm tra, xử phạt, rút giấy phép…). Thậm chí, nhiều đơn vị liên quan lại đổ lỗi qua lại về những bất cập trong điều hành. Từ đó dẫn tới điều hành còn loay hoay, lúng túng trong xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Chính vì vậy, thị trường mới diễn ra những bất ổn.

Vì vậy, ông Thỏa cho rằng, cái gốc khiến cung cầu xăng dầu căng thẳng là do việc nhập khẩu xăng dầu có nhiều khó khăn. Cụ thể, nhập khẩu ở thị trường có thuế suất ưu đãi thì nguồn hàng không có nhiều, chuyển sang nhập khẩu ở các thị trường khác (có thuế suất cao hơn thuế suất ưu đãi) thì không được phép lỗ.

Ngoài ra, nguồn tài chính của các doanh nghiệp cũng không đủ để mua hàng do không được tăng thêm hạn mức tín dụng; chi phí đưa xăng dầu về nước tăng cao hơn quy định song không được điều chỉnh phù hợp…

Trước thực tế trên, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá khuyến nghị, cần nhìn thẳng vào thực tế mà thị trường xăng dầu gặp phải để xử lý vấn đề. Giải pháp cấp bách lúc này là cần có một tổng chỉ huy đưa ra các quyết sách tháo gỡ “nút thắt” khơi dòng nguồn cung.

Cụ thể, ông Thỏa đưa ra giải pháp như: cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu, điều chỉnh các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ; hướng dẫn các đầu mối, các thương nhân phân phối nguyên tắc phân chia khoản chi phí định mức cho từng khâu để tránh tình trạng chèn ép nhau trong thỏa thuận phân chia chi phí, từ đó chấm dứt tình trạng chiết khấu 0 đồng.

Đồng thời, cần đổi mới chu kỳ tính giá theo hướng rút ngắn từ 10 ngày xuống 5 ngày, phù hợp với phương thức mua bán tránh tính giá thế giới bình quân, gồm các ngày nghỉ.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cũng đồng tình với quan điểm rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, nhằm tránh tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ mỗi lần điều chỉnh giá. Đồng thời, các cơ quan cần xem xét, tính toán sao cho hiệu quả, đảm bảo cung cầu, giá cả, chi phí.

Dự báo tình hình xăng dầu thời gian tới còn nhiều biến động, ông Ngân đề nghị Quốc hội cần ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề liên quan đến thuế xăng dầu. Chính phủ cần tập trung nhiều hơn để tháo gỡ, vì người dân rất bức xúc.

Trước những bất cập của thị trường xăng dầu, mới đây, Sở Công Thương TP.HCM đã lấy ý kiến dự thảo tờ trình, quyết định ban hành quy định giờ bán hàng, các trường hợp dừng bán hàng, quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, cần có quy định chi tiết về giờ bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Từ đó, có thể dễ dàng xử lý các hành vi vi phạm nếu có.

Tại dự thảo, Sở Công Thương TP.HCM quy định tổng thời gian bán hàng trong một ngày và giờ bán hàng cụ thể trong ngày do thương nhân có cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự xác định theo thực tế, phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, tuy nhiên phải đảm bảo tối thiểu 12 giờ trong một ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật). Đồng thời phải đảm bảo không mở cửa bán hàng trễ hơn 6 giờ và không đóng cửa bán hàng trước 18 giờ hàng ngày... 

Link nội dung: https://biztoday.vn/du-mot-cua-hang-xang-dau-dong-cua-cung-la-bat-thuong-402514.html