Luật Đất đai 2013: Những bất cập từ thực tiễn

Qua hơn 8 năm thi hành, Luật Đất đai 2013 (gọi tắt là Luật Đất đai) đã đi vào cuộc sống và tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, sử dụng đất đai. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai cũng bộc lộ không ít bất cập, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

Giá đất do Nhà nước ban hành thấp nhiều so giá thị trường khiến công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án gặp khó khăn.

Giá đất do Nhà nước ban hành thấp nhiều so giá thị trường khiến công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án gặp khó khăn.

Một trong vấn đề được cử tri kiến nghị sửa đổi Luật đất đai là giá đất của Nhà nước đang thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Đơn cử như tại Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc trên địa bàn TP. Phổ Yên.

Theo ông Đỗ Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên): Tuyến đường liên kết vùng chạy qua địa bàn xã Phúc Thuận dài hơn 12km, tương đương với diện tích đất phải thu hồi là trên 63ha (chủ yếu là đất nông nghiệp). Thực hiện chủ trương thu hồi đất, giá đền bù của Nhà nước đối với đất nông nghiệp là trên 500 nghìn đồng/m2, thấp hơn 3-4 lần so với giá thị trường.

Nguyên nhân có sự chênh lệch nói trên là do bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm/lần. Trong khi đó, thị trường bất động sản liên tục có sự biến động. Điều đó dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến việc xác định giá đất, hiện nay, giữa các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo. Cụ thể, tại Khoản 4, Điều 114 của Luật Đất đai không quy định giá đất cụ thể để tính giá khởi điểm trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất. Nhưng tại Khoản 2, Điều 15 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ lại quy định lại lấy giá đất cụ thể làm căn cứ xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất.

Do đó, yêu cầu đặt ra là cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để có sự thống nhất trong thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, theo Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, thành phần của Hội đồng thẩm định giá đất ngoài cơ quan Nhà nước thì còn có thành viên khác (tổ chức, cá nhân tư vấn xác định giá đất) do UBND tỉnh quyết định. Vậy nhưng chưa quy định rõ nguồn kinh phí chi trả cho thành viên này; cách thức lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất thế nào, dẫn đến khó thực hiện.

Về vấn đề sửa đổi Luật Đất đai, bà Đỗ Thị Trung Thu, người dân TP. Thái Nguyên, kiến nghị: Hiện nay, khái niệm Nhà nước thu hồi đất để thực hiện “dự án phát triển kinh tế - xã hội phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng” còn quá rộng và chưa rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng gắn dự án với tính chất là “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia”, nhất là các dự án phát triển khu dân cư, đô thị... để thực hiện đền bù theo khung giá Nhà nước, thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Còn về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Một số dự án doanh nghiệp làm chủ đầu tư, thực hiện theo cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất (Điều 73, Luật Đất đai) với người dân. Nhưng, vướng mắc hiện nay là người dân và doanh nghiệp không thỏa thuận được về giá đền bù thì chưa có cơ chế để xử lý. Do đó cần xem xét cho chủ đầu tư điều chỉnh dự án trong phạm vi đất đã giải phóng mặt bằng và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để tiếp tục thực hiện dự án...

Trên cơ sở những bất cập bộc lộ từ thực tiễn triển khai Luật Đất đai, Quốc hội đã đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; đồng thời, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Vừa qua (ngày 13-10), Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đặc biệt là những người có kinh nghiệm từ thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, đã tham gia, đóng góp ý kiến, để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Những ý kiến của các đại biểu đã được ghi nhận, tổng hợp để tham gia góp ý bổ sung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đang diễn ra...

Theo kế hoạch đã được Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 50/2022/QH15, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023)...

Link nội dung: https://biztoday.vn/luat-dat-dai-2013-nhung-bat-cap-tu-thuc-tien-402943.html