Bất động sản Nhật Nam im ắng trước các thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng

Thời gian gần đây, Bộ Công an và nhiều tỉnh thành đã lên tiếng cảnh báo người dân cảnh giác khi đầu tư vào Bất động sản Nhật Nam. Thị trường cảm nhận rõ doanh nghiệp này đang “ẩn mình” tạm tránh dư luận.

bds-nhat-nam-1667016564.jpg Văn phòng BĐS Nhật Nam tại Tuyên Quang vắng vẻ sau cảnh báo. Ảnh chụp sáng 30/9.  

 

Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (BĐS Nhật Nam), được thành lập tháng 7/2019 do bà Vũ Thị Thúy (39 tuổi) làm Giám đốc. 

Mới chỉ 3 năm hoạt động, tới nay doanh nghiệp này đã thành lập nhiều văn phòng đại diện rải rác tại nhiều tỉnh thành như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bình Phước, Vũng Tàu, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… với biển hiệu: Tâm - Tầm - Tài - Trí - Tín! Mặc dù biển hiệu như vậy nhưng gần đây BĐS Nhật Nam liên tục bị các cơ quan chức năng cảnh báo “nguy cơ” đến người dân.

Cảnh báo sớm để phòng tránh

Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an tại công văn số: 518/ĐK ngày 4 tháng 8 năm 2022 có nêu: Công ty Nhật Nam, trụ sở chính tại 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh; Người đại diện theo pháp luật là Vũ Thị Thúy (39 tuổi, HKTT: khu 4, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), cổ đông góp vốn gồm: Vũ Thị Thủy, Mai Thanh Tùng (35 tuổi, chồng Vũ Thị Thủy) và Vũ Đức Tại (37 tuổi). Công ty BĐS Nhật Nam có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Nội dung trong Hợp đồng đều dồn nhà đầu tư vào thế bất lợi, nắm dao đằng lưỡi. Đây chính là nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự xã hội sớm muộn sẽ bùng phát. Biểu hiện rõ nhất, sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Nhưng BĐS Nhật Nam không sử dụng tài khoản công ty mà sử dụng tài khoản các cá nhân như của Vũ Thị Thúy (Giám đốc) để chuyển tiền. Đây là “chiêu” lách luật, trốn thuế và bộc lộ phần nào “bản chất” của trò chơi mạo hiểm.

Trước những thông tin trên, vừa qua UBND TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) đã ban hành công văn số: 2382/UBND-VP, yêu cầu UBND các phường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý, chủ động phòng ngừa vi phạm của Công ty BĐS Nhật Nam. Chỉ đạo của chính quyền TP Việt Trì dựa trên đề nghị của cơ quan công an thành phố sau khi thu thập được các thông tin không tích cực liên quan đến BĐS Nhật Nam.

Trước đó, các tỉnh như Lào Cai, Hòa Bình cũng phát đi văn bản cảnh báo về việc BĐS Nhật Nam lôi kéo nhiều nhà đầu tư góp vốn với lợi nhuận khủng lên đến trên 80%/năm. 

Văn phong tại Tuyên Quang vắng bóng người tham gia

Tại TP Tuyên Quang, nơi có Văn phòng BĐS Nhật Nam hoạt động và được đánh giá là văn phòng có tốc độ phát triển nhanh nhất so với các tỉnh miền núi phía Bắc do có nhiều nhà đầu tư tham gia. Khi phóng viên tìm đến văn phòng BĐS Nhật Nam tại Khu đô thị Vincom Plaza (phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang) thì chỉ thấy có hai nhân viên, không có người ra vào. Tấm biển treo trước cửa văn phòng đại diện không số nhà, không địa chỉ, không điện thoại. 

bds-nhat-nam-2-1667016616.jpg Mô hình kinh doanh gọi vốn của BĐS Nhật Nam được giới chuyên gia nhận định hoạt động theo mô hình đa cấp Ponzi, hiện hữu nhiều rủi ro, nguy cơ sụp đổ.

 

Người dân xung quanh cho biết thêm: Trước đây người ra vào văn phòng BĐS Nhật Nam tấp nập, nhưng gần đây thấy rất vắng, thường hay đóng cửa sớm. Một người bán hàng gần văn phòng chia sẻ: “Hồi đầu họ hay tổ chức mời người dân tham gia sự kiện, tiệc tùng linh đình, khuyến mãi tặng cả vàng cho người tham gia đầu tư. Họ còn cam kết trả lãi theo ngày, cứ mở mắt ra là có tiền đổ vào tài khoản"...

Trong vai nhà đầu tư, phóng viên gọi điện cho người tên T.M. có thâm niên hoạt động tại các công ty, văn phòng đầu tư sinh lời (như Thiên Ngọc Minh Uy, Bitcoin, Forex...), giờ chuyển sang BĐS Nhật Nam. Mở đầu, người này ca ngợi: Nhật Nam uy tín, có Tâm, Tầm, Tín... và cuối cùng quan trọng nhất là “lãi khủng” trả theo ngày, “ngủ dậy” là có tiền. “Chú nghe anh cứ vào đi, bỏ ra vài trăm triệu thôi thì “đi Tây” còn chạy dài! Khi được hỏi có cam kết không thì anh ta nói thẳng: “Đây là kinh doanh rủi ro” phải chấp nhận xanh chín, chỉ dành cho người dám nghĩ, dám làm, biết chớp cơ hội có 1-0-2 và “có gan làm giàu”.

Trước thông tin bất lợi đang nhắm đến BĐS Nhật Nam, nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo lắng nhưng không thể tất toán hợp đồng được. Gốc lãi gần đây thường bị chậm, không phải ngày nào cũng trả như ban đầu mới nộp tiền vào công ty.

“Hợp đồng gói hợp tác đầu tư 24 tháng và gốc lãi trả hàng ngày, song thực tế không phải vậy, rất khó chịu. Tuy nhiên, nhà đầu tư chúng tôi không thể làm gì được do hợp đồng ghi rõ bên A (Nhật Nam) được phép toàn quyền điều hành vốn, khách hàng tự nguyện chia sẻ rủi ro, không được công khai hợp đồng, không được nói xấu công ty nếu không sẽ bị hủy hợp đồng, không được hình sự hóa... Vì thế, nhà đầu tư đang cầm dao đằng lưỡi”, chị P.A. một nhà đầu tư tham góp vốn đầu tư vào BĐS Nhật Nam thật lòng chia sẻ.

Nhiều nhà đầu tư chia sẻ, với sự cảnh báo từ Bộ Công an về BĐS Nhật Nam, mong rằng chính quyền các địa phương sớm tìm hiểu thông tin và đưa ra cảnh báo kịp thời để mọi người dân không bị lôi kéo để rồi tiền mất, bất an. 

Cảnh báo những Điều khoản bất lợi cho khách hàng trong Hợp đồng BĐS Nhật Nam:

6.3 Bên B phải thanh toán cho Bên A 10% giá trị Vốn Đầu Tư khi chuyển nhượng…

7.1 Bên B có quyền rút lại toàn bộ Vốn Đầu Tư bằng bất động sản có giá trị tương đương Vốn Đầu Tư và Bên B phải chịu phạt 30% giá trị Vốn Đầu Tư;

9.8 Sẵn sàng và tự nguyện chia sẻ với Bên A về thiệt hại xảy ra khi kinh doanh;

Điều 10. Chấm dứt hợp đồng khi Bên A giải thể hoặc tuyên bố phá sản. Điểm e, khoản 10.1: Bên A đơn phương chấm dứt hợp đồng khi Bên B cung cấp thông tin bí mật kinh doanh, phát ngôn tiêu cực…

Link nội dung: https://biztoday.vn/bat-dong-san-nhat-nam-im-ang-truoc-cac-thong-tin-canh-bao-tu-co-quan-chuc-nang-403646.html