Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện Y tế quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19 ở Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Được phát hiện vào tháng 9 tại Pháp, biến thể BQ.1.1 đang tiếp tục phát triển một cách đáng kinh ngạc, mạnh đến mức nó dường như đang dần thay thế biến thể BA.5 của Omicron, hiện đang chiếm đa số.
BQ.1.1 bắt nguồn từ dòng biến thể phụ BQ.1 vốn có nguồn gốc từ BA.5. Dòng biến thể mới này dường như đã xuất hiện ở Nigeria vào tháng 7, đã lan rộng ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, Bỉ, Đan Mạch và Italy, cũng như ở các quốc gia khác, bao gồm Nhật Bản, Mỹ và Australia.
Cho đến cuối tháng 10, các nước châu Âu là những nơi có tỷ lệ người nhiễm các biến thể mới này (BQ.1 và BQ.1.1) cao nhất, trong đó đứng đầu là Pháp (19%), Bỉ (9%), Thụy Sĩ (9%), Vương quốc Anh (8%), Hà Lan (6%) và Italy (5%). Tại Mỹ, các biến thể BQ.1 và BQ.1.1 lần lượt chiếm 9,4% và 7,2% số ca mắc. Các dòng phụ này cùng nhau chiếm vị trí thứ hai về tỷ lệ phổ biến sau biến thể BA.5 (62,2%).
Trong báo cáo mới đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC), tốc độ tăng theo ngày của BQ.1.1 cao hơn 11% so với BA.5. Theo tính toán của các chuyên gia, với tốc độ này, tỉ lệ nhiễm biến thể BQ.1 và BQ.1.1 sẽ có thể tăng cao từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12, chiếm khoảng hơn một nửa số ca nhiễm. Và đến đầu năm 2023, theo ECDC, ước tính khoảng hơn 80% các trường hợp ở khu vực châu Âu bị COVID-19 là do các biến thể phụ này gây ra.
Sở dĩ BQ.1.1 phát triển mạnh hơn so với các biến thể đang tồn tại là do thực tế chúng có khả năng né tránh miễn dịch cao. Theo các nhà nghiên cứu, các đột biến hiện diện trong protein của vỏ virus, đóng vai trò là chìa khóa để xâm nhập vào tế bào, cho phép virus ngăn cản hoạt động của các kháng thể. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có dữ liệu nào cho thấy BQ.1.1 có thể khiến bệnh trở nên nặng hơn.
Hai nghiên cứu của các nhóm Trung Quốc và Mỹ, công bố ngày 4/10 và 20/10 trên trang BioRxiv, cho thấy khả năng chống lại kháng thể của BQ.1 và BQ.1.1 cao hơn so với BA.5. Các nhà nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh chỉ ra rằng BQ.1.1 đánh bại các thuốc kháng thể trị liệu đơn dòng, bao gồm cả Evusheld, được sử dụng cho các đối tượng có nguy cơ nhiễm các dạng COVID-19 nghiêm trọng.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Ohio ở Columbus (Mỹ) đã làm thí nghiệm để xác định xem liệu các kháng thể được phát triển trên cơ thể những bệnh nhân đã mắc COVID-19 chủng BA.5 có khả năng vô hiệu hóa các loại biến thể mới này hay không. Kết quả cho thấy so với chủng gốc, các biến thể BQ.1 và BQ.1.1 có khả năng ít bị vô hiệu hóa bởi các kháng thể, lần lượt khoảng 10,4 và 10,7 lần. Có nghĩa là, nếu bệnh nhân đã nhiễm BA.5 trước đó, vẫn có thể nhiễm các biến thể mới này. Các nhóm chuyên gia vi sinh nói trên cũng đã xác định rằng so với BA.5, các biến thể BQ.1 và BQ.1.1 có nhiều khả năng tạo thành các tế bào khổng lồ hơn, một đặc tính sinh học có thể thúc đẩy sự phát tán nhiều hơn của virus trong cơ thể.
Mặc dù còn quá sớm để đánh giá tác động tiềm tàng của BQ.1.1 sẽ như thế nào đối với diễn biến dịch bệnh, nhưng ECDC cho rằng "nhiều khả năng các biến chủng này sẽ dẫn đến sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 trong những tháng tới, đặc biệt ở khu vực châu Âu". Do đó, các chuyên gia ECDC đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng COVID-19, và khuyến cáo người dân nên đi tiêm mũi nhắc lại, đặc biệt với người có bệnh nền hoặc bệnh mãn tính.
Link nội dung: https://biztoday.vn/bien-the-moi-bq11-cua-omicron-dang-lien-tuc-phat-trien-406026.html