Chậm tiến độ và đội vốn
EPC - một dạng hợp đồng xây dựng, theo đó nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật, cung ứng vật tư, thiết bị cho tới thi công xây dựng công trình, hạng mục và chạy thử nghiệm bàn giao cho chủ đầu tư. Mô hình này được thực hiện tại nhiều dự án đầu tư xây dựng, trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, hóa chất, giao thông,... tại Việt Nam thời gian qua, với nhiều nguồn vốn khác nhau.
Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC”, do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức ngày 2/11, bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng KTNN, cho rằng, trên thực tế việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC vẫn còn bất cập, cơ chế chính sách liên quan còn chưa cụ thể hoặc chồng chéo.
Đáng lưu ý, nhiều dự án theo hình thức hợp đồng EPC không đảm bảo tiến độ, chi phí hợp đồng phát sinh tăng, không hoàn thành dự án, không thanh quyết toán được hợp đồng.
“Những vướng mắc, bất cập trên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các dự án đầu tư theo hình thức EPC. Ngoài ra, việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các dự án này”, bà Dung nhấn mạnh.
Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những hạn chế trong thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng EPC tại Việt Nam (Ảnh: KTNN).
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII đã chỉ ra những hạn chế trong thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng EPC tại Việt Nam.
Điển hình nhất là chậm tiến độ và đội vốn. Đây là tồn tại của hầu hết các dự án thực hiện theo hình thức EPC. Ví như Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, được phê duyệt năm 2008 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 11/2013, tuy nhiên Thủ tướng Chính phủ đã phải chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án đến tháng 3/2021, đồng thời tăng tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng, tương đương trên 205%);
Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, do Tập đoàn Dầu khí quốc gia làm chủ đầu tư, chậm tới 15 tháng và đội vốn 10.500 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem), thi công chậm tiến độ 420 ngày, làm phát sinh hơn 527 tỷ đồng khoản chi phí lãi vay trong thời gian hợp đồng EPC bị kéo dài,...
Hơn nữa, đó là vướng mắc pháp lý, tranh chấp hợp đồng, quyết toán và thanh lý hợp đồng. Nội dung này đã được Chính phủ đề cập rất nhiều trong việc xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành Công Thương, đồng thời cũng là các vướng mắc chung của nhiều dự án thuộc chuyên ngành, lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm, chưa đảm bảo năng lực dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng EPC với các điều khoản sơ sài, chưa cụ thể,...
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cũng nêu 5 vấn đề từ thực tiễn và yêu cầu quản lý dự án theo hình thức tổng thầu, trong đó ông nhấn mạnh đến lý do số lượng tổng thầu EPC có năng lực, uy tín và kinh nghiệm chưa nhiều, việc lựa chọn nhà thầu còn rất hạn chế, hiện hầu hết là chỉ định thầu.
Việc sử dụng tổng thầu EPC nước ngoài khiến một phần nguồn lực quốc gia, đặc biệt là nguồn lực NSNN “chảy ra” nước ngoài; chưa kể sự phức tạp về pháp lý, thậm chí ngoại giao khi xảy ra tranh chấp hợp đồng EPC.
Ông Ánh nhấn mạnh, chính năng lực của tổng thầu EPC quyết định thành công hay thất bại khi thực hiện hợp đồng EPC. Vì vậy, đòi hỏi việc quản lý hồ sơ mời thầu và quá trình xét duyệt năng lực tổng thầu EPC trước khi ký hợp đồng EPC cần được thực hiện một cách công khai, minh bạch, khách quan và trung thực.
Số dự án thực hiện theo hợp đồng EPC được kiểm toán chưa nhiều
KTNN cho hay, những năm qua, cơ quan này đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán đối với các dự án, gói thầu thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC.
Trong đó, nổi bật là các cuộc kiểm toán Dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng (kiểm toán năm 2017); Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (2018); Dự án Cảng nhập than Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Dự án Cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (2018); dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 (2020)...
Theo KTNN, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ 8 năm, đội vốn 18.000 tỷ đồng
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng số lượng các dự án theo hình thức hợp đồng EPC được KTNN thực hiện kiểm toán chưa nhiều, chất lượng hạn chế, như kết quả kiểm toán về chi phí đầu tư vẫn chưa cao do tính chất của hợp đồng EPC chủ yếu theo hình thức trọn gói, phần lớn kiến nghị về số liệu chỉ là xử lý khác, chưa đủ điều kiện thanh quyết toán. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ công tác giải ngân và tiến độ dự án nói chung.
Ngoài ra, kết quả kiểm toán chưa có nhiều kiến nghị sửa đổi về cơ chế, chính sách; hạn chế về kết quả công tác quản lý chất lượng công trình; đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả.
Chưa có nhiều cuộc kiểm toán hoạt động các dự án theo hình thức hợp đồng EPC về công tác bảo vệ môi trường, đánh giá phương án tài chính, khả năng hoàn vốn, trả nợ và ảnh hưởng đến nợ công quốc gia,... mà chủ yếu là kiểm toán tuân thủ và kiểm toán báo cáo tài chính.
Ông Lê Văn Duẩn, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V, cho rằng, cần đánh giá cơ cấu nguồn vốn của hợp đồng EPC. Thực tế hiện nay, hầu hết các hợp đồng EPC tại Việt Nam được đàm phán và ký kết trên cơ sở hồ sơ thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư, mà hai nội dung này chỉ là khái toán và có độ chính xác không cao.
Do đó, quá trình thực hiện hợp đồng thường nảy sinh nhiều tranh cãi về phát sinh hợp đồng liên quan đến việc viện dẫn các giải pháp thiết kế và tính toán nêu trong hồ sơ mời thầu vốn có độ chính xác không cao, tiến độ thực hiện hợp đồng vì thế cũng thường phải điều chỉnh.
Ngoài ra, cần quan tâm đến việc đánh giá tuân thủ trong việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư và điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án; tránh tình trạng thiếu chính xác dẫn đến phải điều chỉnh giá trị nhiều lần, dẫn đến phải bổ sung nguồn bằng cách vay các ngân hàng thương mại với lãi suất cao hơn, làm tăng chi phí đi vay.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, dù hợp đồng EPC có hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể tránh khỏi những nội dung buộc phải điều chỉnh. Trong quá trình kiểm toán của KTNN, năm 2023 quy mô đầu tư công còn tăng gấp đôi, khối lượng công việc lớn, trong đó có hợp đồng EPC; cùng với các điều kiện về kinh tế vĩ mô đã có những biến động lớn, việc thay đổi trong hợp đồng EPC chắc chắn sẽ xảy ra. Trường hợp phát sinh tranh chấp, cần có cơ chế xử lý thỏa đáng, kịp thời. Đây là vấn đề phải đối mặt không chỉ với dự án EPC, mà cả các dự án đầu tư công và vốn ngân sách Nhà nước khác, ông Ánh lưu ý.
Link nội dung: https://biztoday.vn/ngay-cang-nhieu-du-an-theo-hop-dong-epc-duoc-kiem-toan-nha-nuoc-dua-vao-tam-ngam-406258.html