Lãi suất tăng cao, chuyên gia khuyến nghị người mua nhà cần hoạch định, cân đối tài chính

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, với người có ý định mua nhà trả góp, cần phải tính toán lãi suất về lâu dài, không để vượt quá năng lực tài chính của mình. Ngoài ra, việc lãi suất cho vay tăng có thể sẽ tác động đến chi phí phát triển và khiến giá nhà tăng theo trong thời gian tới.

Áp lực gánh nợ hàng tháng

Đứng ngồi không yên khi thấy lãi suất ngân hàng liên tục tăng, chị Thu H. (quận 7, TP.HCM) cho biết, khoản vay mua nhà của chị đã hết thời hạn ưu đãi lãi suất, sắp tới sẽ thả nổi theo thị trường. Lãi suất huy động tăng làm chị lo lãi vay sẽ tăng theo và chị không kham nổi mức chi phí trên.

“Căn hộ tại TP. Thuận An tôi mua giữa năm ngoái giá 2,3 tỷ đồng, trong đó tiền đi vay là 1,3 tỷ đồng. Tôi từng tính nếu nhận nhà thì cho thuê lấy tiền trả lãi, cay đắng là thời điểm dịch CĐT ngưng xây dựng, gần đây có tái khởi động nhưng tiến độ rất ì ạch. Nếu đúng tiến độ, nhận nhà cho thuê còn có đồng ra đồng vào, giờ tôi phải tính đường bán lại nhưng mãi chưa tìm được khách. Mỗi ngày nhìn lãi suất tăng mỗi cao, có thông tin năm sau sẽ còn tăng tiếp làm tôi như ngồi trên lửa”, chị H. chia sẻ.

Tương tự như chị H., chị N. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) không khỏi lo lắng khi mặt bằng lãi suất ngân hàng liên tục nhích tăng. Chị cho biết, hiện mình đang nợ ngân hàng 1,2 tỷ đồng tiền mua nhà, khoản vay của nhà chị vừa kết thúc 1 năm hưởng lãi suất ưu đãi 6%/năm, ngân hàng thông báo áp dụng lãi suất thả nổi ở mức gần 10%/năm. 

“Như vậy, mỗi tháng tôi sẽ phải trả lãi ngân hàng khoảng 10 triệu đồng thay vì 6,5 triệu đồng như trước. Các khoản chi tiêu khác trong gia đình cũng phải cân đối lại”, chị N. nói.

Cũng theo chị, tới đây, lãi suất có thể tiếp tục sẽ tăng. Cứ đà này chị N. sợ lãi suất vay mua nhà sẽ còn tăng tiếp, gánh nặng trả nợ hằng tháng với chị đang ngày một lớn.

Anh Trần Nhật M. (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng chia sẻ, 2 năm trước, anh vay trả góp ngân hàng 800 triệu đồng để mua căn hộ hơn 50m2. Năm đầu, anh được hỗ trợ mức lãi suất ưu đãi 6,8%/năm. Các năm sau, lãi suất thả nổi theo thị trường, dự kiến trong khoảng 8,5-9 %/năm. 

Đầu tháng 10 vừa qua, anh vừa nhận được thông báo từ tháng 11 mức lãi suất áp dụng cho khoản vay của anh sẽ tăng lên gần 12%/năm. Thông tin này khiến anh đứng ngồi không yên. “Nếu lãi suất tiếp tục tăng thì những người mua nhà như chúng tôi thực sự lo lắng”, anh Minh nói.

Tạm gác lại kế hoạch dự kiến trước đó, anh Q. (quận 6, TP.HCM) gửi số tiền tiết kiệm tính dùng mua nhà vào ngân hàng khi lãi suất huy động tăng mạnh. Trước đó vợ chồng anh đã tích góp gần 6 năm được hơn 1 tỷ đồng và dự tính đi vay thêm tầm 700-800 triệu đồng để mua một căn hộ tại TP.HCM. Anh thay đổi quyết định khi thấy lãi suất ngân hàng liên tục tăng và lo lắng lãi suất vay các năm tới cũng sẽ tăng mạnh. Nếu việc này xảy ra, thu nhập hiện nay của gia đình anh sẽ không cáng đáng nổi mức lời lãi để vay mua nhà.

“Tôi gửi tiền ngân hàng với lãi suất 12 tháng là 7,8% khi chưa biết làm gì với số tiền trên. Với lãi suất trên, 1 năm tôi cũng kiếm được gần 80 triệu đồng, ngang với đầu tư một căn hộ 2PN cho thuê, tính ra vừa an toàn vừa không phải đau đầu suy nghĩ nhiều”, anh Q. cho hay. Chia sẻ về kế hoạch mua nhà sắp tới, anh cho biết nếu có đi vay cũng chỉ dám vay dưới 500 triệu đồng, còn lại cố gắng nhờ gia đình đỡ đần chứ vay nhiều gánh lãi không nổi.

Cần tính toán cân đối chi tiêu

Được biết, lãi thả nổi được ngân hàng tính bằng lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ dao động khoảng 3-3,8%. Trong khi đó, lãi cơ sở sẽ thay đổi tùy thuộc vào thị trường và điều chỉnh của mỗi nhà băng. Hiện lãi cơ sở dao động trong khoảng 6-9,5%/năm. Lãi suất cơ sở cũng ngày càng có xu hướng tăng khiến người vay mua nhà lo lắng.

Đưa ra lời khuyên cho khách hàng trong thời điểm lãi suất tăng cao, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh này, nếu đã đi vay, người mua sẽ chịu tác động tăng lãi suất theo hướng thả nổi. Vậy nên cần tính toán cân đối chi tiêu, xem xét khả năng thanh toán của bản thân, phải tính đến khả năng nếu không trả được nợ có thể bị bán giải chấp tài sản. Phải ưu tiên nghĩa vụ trả nợ lên hàng đầu và tính chuyện thanh khoản bớt các khoản đầu tư kém để tái cấu trúc dòng tiền tập trung vào các tài sản có tính thanh khoản cao để tránh rủi ro.

Với người có ý định mua nhà trả góp, cần phải tính toán lãi suất về lâu dài, không để vượt quá năng lực tài chính của mình. Ngoài ra, việc lãi suất cho vay tăng có thể sẽ tác động đến chi phí phát triển và khiến giá nhà tăng theo trong thời gian tới.

Còn TS. Đinh Thế Hiển khuyến cáo người có nhu cầu mua nhà thật sự cần chuẩn bị tài chính và chấp nhận lãi suất tăng thêm 1-2 điểm %/năm để không thấy áp lực lớn. Bởi lẽ, vay mua nhà thường thời hạn dài 10-20 năm nên lãi suất tăng ở thời điểm này nhưng sẽ ổn định trong 1-2 năm tới. Riêng với những người thật sự chưa bức xúc về nhà ở và chưa nhất thiết phải vay bây giờ thì không nên vội để tránh việc trả lãi suất cao. 

Người mua nhà nên cân đối tài chính để xem nên mua hay thuê. Lãi suất tăng cao là yếu tố quan trọng quyết định tới việc có mua hoặc mua được nhà hay không. Hơn nữa thị trường đang có nhiều yếu tố bất định, việc tiếp cận khoản vay không dễ dàng, hoặc chi phí lãi vay cao nên việc thay vì mua thì tạm thuê cũng đáng để suy nghĩ, Phó tổng giám đốc batdongsan.com Nguyễn Quốc Anh cho hay

Chuyên gia này bày tỏ: “Nói như thế không có nghĩa việc người dân có nhà không quan trọng, nhưng cần sắp xếp thứ tự sao cho phù hợp với khả năng tài chính của mình”.

Các chuyên gia đều cho rằng, người vay mua nhà chỉ nên dành tối đa 40% tổng thu nhập hàng tháng cho nhà ở để đảm bảo chi phí cho những nhu cầu cơ bản khác. Việc trả lãi gốc hàng tháng nếu không lên kế hoạch kỹ lưỡng và hợp lý có thể tạo ra gánh nặng tài chính và áp lực lớn cho cuộc sống.

Link nội dung: https://biztoday.vn/lai-suat-tang-cao-chuyen-gia-khuyen-nghi-nguoi-mua-nha-can-hoach-dinh-can-doi-tai-chinh-406586.html