Theo thống kê của FiinTrade, tính đến ngày 2/11/2022, đã có 1013/1699 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết chiếm 96,3% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCOM đã công bố kết quả kinh doanh Q3/2022, bao gồm 27/27 Ngân hàng và 939/1580 doanh nghiệp Phi tài chính.
Tổng lợi nhuận sau thuế của 1013 doanh nghiệp và ngân hàng này tăng 14,4% so với cùng kỳ.
Trong đó, với ngân hàng lợi nhuận sau thuế của 27/27 ngân hàng tăng 53,4% so với cùng kỳ, đóng góp chính vào tăng trưởng chung của toàn thị trường trong quý 3 vừa qua.
Nhóm chứng khoán, lợi nhuận sau thuế Q3/2022 của 61/87 công ty chứng khoán bao gồm 25 công ty chứng khoán đang niêm yết giảm 52,2% so với cùng kỳ và 16,2% quý trước. Đây là quý thứ hai liên tiếp lợi nhuận sau thuế các công ty chứng khoán giảm so với cùng kỳ. Thị trường chứng khoán trải qua đợt điều chỉnh mạnh với thanh khoản hụt sâu đã khiến lợi nhuận từ các mảng kinh doanh chính là Tự doanh, cho vay margin và môi giới giảm lần lượt -37,2%, -7,7% và -32,7% so với quý trước đó.
Còn nhóm bảo hiểm ghi nhận mức giảm 21,9% mặc dù lãi suất tăng cao mà các doanh nghiệp ngành bảo hiểm đang được đánh giá là có lợi khi tiền gửi duy trì ở mức cao.
Khối Phi tài chính, tổng doanh thu của 939 doanh nghiệp tăng 32,5% so với cùng kỳ, nhưng tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này giảm -5,4%.
Sự sụt giảm này do một số nguyên ngân chính gồm Tác động tiêu cực từ các nhóm ngành mang tính chu kỳ và phụ thuộc lớn vào diễn biến giá hàng hóa như Thép, Dầu khí và Cao su. Chính vì vậy, việc giá hàng hóa đảo chiều giảm mạnh sau khi đạt đỉnh trong giai đoạn nửa đầu năm cũng khiến lợi nhuận các ngành này giảm mạnh hay thậm chí lỗ lớn.
Thép, Dầu khí và Cao su đóng góp tới một phần tư tổng lợi nhuận sau thuế của khối Phi tài chính trong Q3/2021, nhưng ghi nhận mức lỗ hơn 4,6 nghìn tỷ đồng trong quý 3 năm nay (chủ yếu do Thép).
Mặc dù vậy, có một số nhóm thuộc khối phi tài chính ghi nhận mức tăng rất tốt, gồm nhóm Viễn thông với mức lợi nhuận quý 3/2022 tăng 319%, là nhóm vô địch tăng trưởng lợi nhuận quý 3/2022. Tiếp theo là nhóm Ô tô và Phụ tùng tăng trưởng 210%; Đứng thứ ba là nhóm Hàng và dịch vụ công nghiệp 166%.
Ngoài ra tình hình xuất khẩu đang chậm lại cũng khiến cho các doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu như Thủy sản, May mặc, Phân bón, Hóa chất hụt đà tăng.
Ngược lại với bức tranh lợi nhuận của các nhóm trên, lợi nhuận tăng trưởng tích cực ở nhóm Đồ uống (SAB), Cảng hàng không (ACV), Máy công nghiệp (VEA), Hàng cá nhân (PNJ), Điện (Thủy điện và Điện than) phần lớn nhờ nền so sánh thấp khi cùng kỳ bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội do COVID.
Link nội dung: https://biztoday.vn/goi-ten-nhom-nganh-vo-dich-tang-truong-loi-nhuan-sau-thue-quy-32022-406639.html