Bộ phận phân tích của Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2 năm trước đó, bởi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và lợi nhuận biên chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng, trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.
Những “mảng xám” lộ diện
Bên cạnh những ngân hàng duy trì lợi nhuận tốt, vẫn có nhiều ngân hàng ghi nhận số liệu không mấy khả quan khi lợi nhuận giảm.
Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm, NCB là nhà băng đầu tiên ghi nhận lỗ 199 tỷ đồng trong quý III và lỗ 180 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Nguyên nhân là NCB đã thực hiện thoái lãi, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với nợ quá hạn, nợ xấu, đồng thời trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại, bên cạnh đó là áp dụng chính sách hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong khi đó, một số ngân hàng tăng trưởng âm là BaoVietBank, OCB. Cụ thể, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 2.649 tỷ đồng, giảm 29,7%.
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của BaoVietBank cũng giảm gần 21% so với cùng kỳ đạt 36,2 tỷ đồng, riêng trong quý III, lợi nhuận giảm hơn 66%. Nguyên nhân chính đến từ sự sụt giảm thu nhập từ nhiều mảng kinh doanh cả thu nhập lãi thuần, dịch vụ, kinh doanh ngoại hối (trong 9 tháng).
Trong khi đó, nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trong quý III/2022 sụt giảm so với quý II và quý I. Chẳng hạn, lợi nhuận trước thuế trong quý III của VietBank giảm 46%, SaigonBank giảm 22%, ACB giảm 9%, TPBank giảm 1%. Riêng LienVietPostBank so với quý I/2022 giảm hơn 31%.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ bao phủ nợ xấu công bố có thể sẽ tăng lên trong cuối năm 2022, sau khi Thông tư 14 sẽ hết hiệu lực.
Thông cáo mới đây của ABBank cho biết một số chỉ tiêu kinh doanh của ABBank đến cuối quý III chưa đạt như kỳ vọng do tác động mạnh từ thị trường. Ông Nguyễn Mạnh Quân, quyền Tổng giám đốc ABBank đánh giá, trong quý vừa qua, ngành ngân hàng chịu áp lực, lợi nhuận biên (NIM) có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng, cũng như khả năng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng vào cuối năm nay.
Nợ xấu gia tăng
Bên cạnh kết quả lợi nhuận tại một số ngân hàng không mấy “tươi sáng”, chất lượng tài sản cũng là vấn đề lo ngại ở nhiều nhà băng.
Tại VPBank, tính đến 30/9/2022, tổng nợ xấu hợp nhất tăng 24% so với đầu năm. Trong đó, 2 nhóm nợ 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và 4 (nợ nghi ngờ) không thay đổi nhiều nhưng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng gấp 2,8 lần so với đầu năm lên 5.679 tỷ đồng.
Xét riêng ngân hàng mẹ, tổng nợ xấu tại ngày 30/9/2022 là hơn 8.497 tỷ đồng, cũng tăng mạnh 51% so với đầu năm, trong đó tăng mạnh nhất cũng là nợ nhóm 5 (tăng vọt 4,2 lần lên 4.234 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,01% hồi đầu năm lên 2,83%.
Tương tự, tại Eximbank cũng có sự dịch chuyển giữa các nhóm nợ. Cụ thể, đến ngày 30/9/2022, nợ nhóm 4 giảm 34% nhưng nợ nhóm 3 tăng 24% và nợ nhóm 5 tăng 21%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ 1,96% xuống còn 1,9%.
Theo nhận định của giới phân tích, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, gây tổn thất nặng cho nhiều doanh nghiệp. Hơn nữa, năm nay nền kinh tế toàn cầu còn bị áp lực bởi lạm phát, rủi ro nợ xấu đã được dự báo từ trước. Mặc dù tỷ lệ hình thành nợ xấu được dự báo tăng trong nửa cuối năm 2022 do các khoản vay tái cơ cấu hết thời hạn cơ cấu, song các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng có thể vẫn được kiểm soát nhờ việc các nhà băng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu.
Phân tích về sự biến động giảm lợi nhuận trong quý III (lãi ròng sau thuế chỉ đạt 69 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm trước), ông Đỗ Lam Điền, Phó tổng giám đốc ABBank cho biết, nguyên nhân đến từ việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng do trích lập bổ sung dự phòng để mua lại trái phiếu đặc biệt VAMC, đồng thời thay đổi cách ghi nhận chi phí dự phòng theo thông tư mới.
"Việc tăng nguồn dự phòng rủi ro sẽ giúp cho ngân hàng chủ động hơn trong việc xử lý rủi ro trong thời gian tới", ông Lam Điền cho hay.
Do triển vọng về nợ xấu gia tăng vào năm 2022 nên từ cuối năm trước, phần lớn các ngân hàng đã tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro để giúp cải thiện chất lượng tài sản cũng như “dự phòng” lợi nhuận cho năm nay.
Dù vậy, tốc độ tăng trưởng trích lập dự phòng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng nợ xấu. Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực, nhiều ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng cho nợ cơ cấu nên lợi nhuận sẽ không chịu áp lực từ vấn đề này. Tuy nhiên, với những ngân hàng chưa trích lập đủ sẽ phải đối mặt với khả năng chi phí tín dụng gia tăng.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nhieu-ngan-hang-giam-loi-nhuan-tang-no-xau-406732.html