Cổ phiếu Vicostone (VCS) xuống đáy 5 năm, vốn hóa “bốc hơi” 12.000 tỷ đồng từ đỉnh, điều gì đang diễn ra?

Cổ phiếu VCS đã giảm 60% từ đỉnh cách đây một năm và rơi xuống xuống vùng đáy 5 năm quanh mức 50.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa vào khoảng 8.000 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán biến động không thuận lợi từ đầu năm kéo theo nhiều Bluechips trượt dốc trong đó VCS của Vicostone cũng không ngoại lệ. Cổ phiếu này đã giảm 55% từ đầu năm xuống vùng đáy 5 năm quanh mức 50.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa cũng theo đó bị thổi bay hơn 10.000 tỷ đồng sau hơn 10 tháng, còn khoảng 8.000 tỷ đồng. So với đỉnh cách đây một năm, vốn hóa của Vicostone đã “bốc hơi” 60% tương ứng gần 12.000 tỷ đồng.

co-phieu-vcs-giao-dich-quanh-vung-day-5-nam-1667529624.jpgCổ phiếu VCS giao dịch quanh vùng đáy 5 năm

Trước đó, VCS đã có một giai đoạn bứt phá mạnh mẽ từ giữa năm 2020 với liên tiếp những nhịp tăng nóng. Cổ phiếu này đã tăng hơn gấp đôi trong khoảng 15 tháng và đạt đỉnh vào giữa tháng 10 năm ngoái. Giai đoạn đó, diễn biến cổ phiếu được hỗ trợ tích cực bởi kết quả kinh doanh khởi sắc với lợi nhuận liên tục tăng trưởng cao và đạt kỷ lục 485 tỷ đồng vào quý 3/2021.

Tuy nhiên, phong độ này đã không còn được duy trì khi lợi nhuận của doanh nghiệp này đã liên tục tăng trưởng âm trong 3 quý đầu năm. Trong quý 3, Vicostone ghi nhận doanh thu đạt gần 1.100 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp co lại từ 36,5% xuống còn 31,4% tương ứng lợi nhuận gộp giảm gần một nửa so với cùng kỳ xuống 344 tỷ đồng. Lãi ròng thu về 201 tỷ đồng, giảm 58,5% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ quý 1/2017.

loi-nhuan-vicostone-tuot-doc-1667529686.pngLợi nhuận tuột dốc

Lũy kế 9 tháng, Vicostone ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.433 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.119 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 27% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm gần 28% so với cùng kỳ, đạt 942 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, công ty mới thực hiện được 53% kế hoạch doanh thu và 46% mục tiêu lợi nhuận cả năm sau 3/4 chặng đường.

Theo giải trình, kết quả kinh doanh của Vicostone chịu tác động mạnh từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu do doanh thu của công ty chủ yếu từ hoạt động xuất khẩu. Năm 2022, thị trường bất động sản và xây dựng nhà ở tại Bắc Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các yếu tố như lạm phát, lãi suất. Bên cạnh đó, vật liệu xây dựng, thiết bị đồ dùng trong lĩnh vực nội thất bị thiếu hụt, giá cước vận tải tăng cao … đang ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản nói chung. Việc tiêu thụ sản phẩm của công ty cũng bị chậm lại.

Bên cạnh đó, lợi nhuận của Vicostone cũng chịu ảnh hưởng nhất định bởi các biến động của tỷ giá bởi các khoản công nợ có gốc ngoại tệ (USD, EUR và CAD). Theo tính toán của công ty, lợi nhuận trước thuế quý 3/2022 sẽ giảm 39 tỷ đồng nếu tỷ giá USD/VND tăng 2%, EUR/VND tăng 6% và CAD/VND giảm 7% và ngược lại. Ngoài ra, LNTT của doanh nghiệp xuất khẩu đá thạch anh này còn chịu tác động bởi xu hướng tăng lãi suất.

anh-huong-cua-ty-gia-den-loi-nhuan-1667529720.jpgẢnh hưởng của tỷ giá đến lợi nhuận. Nguồn BCTC quý 3/2022 của Vicostone

anh-huong-cua-lai-suat-den-loi-nhuan-1667529766.jpgẢnh hưởng của lãi suất đến lợi nhuận. Nguồn BCTC quý 3/2022 của Vicostone

Hoạt động xuất khẩu ngày càng cạnh tranh cao

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhu cầu tiêu thụ nhà tại Mỹ vẫn lớn do nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp. Tỷ lệ lấp đầy nhà thuê tiếp tục duy trì ở mức cao. Nhu cầu sửa chữa, nâng cấp nhà sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022 và 2023 do nhu cầu sử dụng đang lớn. Tuy nhiên, với lạm phát ở mức cao và lãi suất liên tục tăng khiến các khoản chi phí mua nhà tăng. Sản lượng tiêu thụ BĐS dự báo sẽ chậm lại.

Mặt khác, tuy nhập khẩu đá thạch anh nhân tạo (Quartz) của thị trường Mỹ tăng nhưng nhập khẩu từ thị trường Việt Nam lại có xu hướng đi ngang. Sản lượng nhập khẩu Quartz của Mỹ từ Việt Nam không tăng trưởng do sự cạnh tranh mạnh hơn đến từ các thị trường khác như Ấn Độ, Tây Ban Nha và Thái Lan.

nguon-bvsc-1667529809.jpg
Nguồn BVSC

Với việc hoạt động xuất khẩu của VCS sụt giảm mạnh hơn so với dự kiến do áp lực cạnh tranh và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng lên có thể khiến biên lợi nhuận gộp giảm xuống trong ngắn hạn, BVSC hạ dự phóng doanh thu và LNST năm 2022 của Vicostone xuống lần lượt 5.658 tỷ đồng và 1.256 tỷ đồng, tương ứng giảm 20% và 29% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, BVSC đánh giá việc tự chủ nguồn cung đầu vào sẽ giúp Vicostone tiết giảm chi phí nguyên vật liệu đầu vào nhờ đi từ các sản phẩm thô ban đầu và giảm ảnh hưởng từ biến động chi phí nguyên vật liệu đến kết quả kinh doanh. Hiện, Vicostone đang tương đối chủ động về nguồn cung 2 nguyên liệu.

Bên cạnh đó, rủi ro của Vicostone từ chịu thuế chống bán phá giá từ thị trường Mỹ vẫn tiềm ẩn nhưng ở mức thấp. Theo BVSC, giá bán xuất khẩu hiện tại của Việt Nam vẫn đang cao hơn mức giá nhập khẩu đá thạch anh nhân tạo trung bình tại Mỹ nên rủi ro bị kiện chống bán phá giá không quá lớn. Việt Nam cũng không có hoạt động trợ cấp, ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu đá thạch anh nhân tạo, rủi ro bị cáo buộc trợ cấp ở mức thấp. Ngoài ra, rủi ro từ các lệnh cấm hay hạn chế tiêu thụ đá nhân tạo tại thị trường Úc chưa quá lớn nhờ các biện pháp về đảm bảo môi trường làm việc hạn chế bụi.

Link nội dung: https://biztoday.vn/co-phieu-vicostone-vcs-xuong-day-5-nam-von-hoa-boc-hoi-12000-ty-dong-tu-dinh-dieu-gi-dang-dien-ra-407232.html