Đợt bán tháo bất ngờ xuất hiện dồn dập ngay khi thị trường mở cửa ngày cuối tuần. Càng về cuối đà lao dốc càng mạnh, VN-Index chốt phiên bốc hơi 40,59 điểm tương đương 3,98% giá trị. Chỉ số mất quá nhiều điểm khi có sự kết hợp giữa hoạt động bán ra ở các trụ đã tăng tốt, lẫn áp lực cắt lỗ ở những mã phá đáy.
Mặc dù FED tăng lãi suất hôm qua nhưng thị trường vẫn khá bình yên, tỷ giá không có diễn biến gì đáng chú ý. Chứng khoán thế giới cũng điều chỉnh nhưng không đến mức giảm sốc như trước. Lẽ ra thị trường trong nước có một ngày bình yên...
Áp lực giảm lớn nhất hôm nay đến từ các cổ phiếu vốn hóa hàng đầu và chỉ số VN30-Index cũng là chỉ số yếu nhất, bốc hơi 4,55% giá trị. Một hiệu ứng cộng hưởng đáng chú ý là những mã tác động mạnh lên chỉ số điều chỉnh rất sâu lại khá hợp lý. Nhiều cổ phiếu tăng trước đó ấn tượng, nhà đầu tư càng có lý do để bán ra mạnh hơn.
VCB sáng nay giảm 4,93%, là cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất (-4,3 điểm). Cổ phiếu này đã tăng hơn 21% kể từ giữa tháng 11 vừa qua và mới điều chỉnh sang ngày thứ 4 với mức giảm tổng cộng hơn 7%. Đây là ngưỡng điều chỉnh thông thường, nhưng hệ quả lại lớn. VIC giảm 5,08% lại là một dạng khác, khi giá phá đáy dài hạn và đang lùi về ngưỡng từ 2018. NVL giảm sàn 6,99%, VHM giảm 5,11%. Vài mã có ảnh hưởng khác như TCB, VPB, BID, GAS cũng chỉ điều chỉnh trong biên độ chốt lời thông thường, nhưng yếu tố cộng hưởng thời điểm và vốn hóa đã đẩy thị trường vào vòng xoáy tâm lý nặng nề.
Thanh khoản sàn HoSE sáng nay tăng vọt 107% so với sáng hôm qua và độ rộng chỉ còn 23 mxa tăng/438 mã giảm, trong đó 36 mã giảm sàn, cho thấy có áp lực bán tăng vọt. Mới hôm qua thị trường còn chứng kiến dòng tiền nỗ lực giao dịch ở một số cổ phiếu, ví dụ nhóm đầu tư công, nhưng sáng nay thì giảm tổng thể. Điều này thể hiện sự thay đổi lớn trong tâm lý, sự sợ hãi trở nên bao trùm.
Một trong những lý do khiến thị trường rất dễ thay đổi đột biến, là không có đủ dòng tiền nâng đỡ. Cổ phiếu nói riêng và thị trường nói chung những ngày qua dao động dựa trên thanh khoản rất thấp, do đó kém ổn định. Bất kỳ thời điểm nào lực bán gia tăng, giá cũng sẽ thay đổi đột ngột không tuân theo những logic thông thường như ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật nào đó.
Điều khiến thị trường lo ngại là quy mô margin rất lớn đang “tồn” ở các công ty chứng khoán theo số liệu quý 3, khoảng 152,8 ngàn tỷ đồng theo thống kê của FiinTrade với 55 công ty chứng khoán. Nhà đầu tư cá nhân đang cực kỳ sợ hãi và ít dám vay mượn. Do đó lượng margin này có thể là cầm cố của các tài khoản lớn, chủ doanh nghiệp. Nếu giá cổ phiếu giảm mạnh, tài sản cầm cố giảm giá trị thì áp lực giải chấp là không thể lường trước được.
Phần rất lớn trong giao dịch sáng nay là của nhà đầu tư trong nước, khi khối ngoại chỉ bán 534,5 tỷ đồng trên sàn HoSE, HNX giao dịch không đáng kể. Quy mô bán này chiếm đâu đó 8% tổng giao dịch sàn HoSE mà thôi. Mức mua vào 389,6 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 144,9 tỷ. Đây không phải là giao dịch lớn và cũng không có cổ phiếu nào bị bán rõ rệt. Lớn nhất là KBC, HDB, HPG cũng chỉ bị xả ròng quanh 20 tỷ đồng. Phía mua có VNM +45,3 tỷ đồng là đáng kể duy nhất.
VN-Index bị đánh thủng ngưỡng 1000 điểm ngay từ khoảng 9h40 và kết phiên sáng còn 979,22 điểm. Thực ra mức điểm này vẫn còn cao hơn đáy ngắn hạn hai tuần trước một chút, quanh 962,45 điểm. Tuy vậy vấn đề chính là ở sự cộng hưởng mang tính thời điểm, giữa nhu cầu bảo toàn lợi nhuận ngắn hạn với các cổ phiếu đem lại chút lợi nhuận vừa qua, và các cổ phiếu chịu tác động từ giải chấp, cắt lỗ. Chỉ số bao nhiêu lúc này sẽ chỉ là hệ quả của hoạt động đó.
Link nội dung: https://biztoday.vn/vi-dau-thi-truong-giam-soc-gan-4-407404.html