Đáng nói là việc dự án chiếm hàng chục ngàn mét vuông “đất vàng” rồi bỏ hoang đã gây lãng phí, kèm theo nhiều hệ lụy.
Năm 2005, Công ty CP du lịch Việt Ngữ triển khai xây dựng khu du lịch sinh thái với tên gọi “ẩm thực ngôn ngữ vượt thời gian”, tại thôn Thuận An (xã đảo Tam Hải) trên phần diện tích rộng gần 70.000 m2. Dự án có tổng kinh phí khoảng 75 tỉ đồng. Tuy nhiên, gần 17 năm trôi qua, doanh nghiệp (DN) này chỉ mới giải tỏa được khoảng 1.200 m2, để xây dựng một khách sạn 2 tầng dang dở, rồi bỏ hoang cho đến nay.
Anh Nguyễn Văn Bình (38 tuổi, ngụ thôn Thuận An) cho hay dự án bỏ hoang nhiều năm đã khiến hàng chục hộ dân có đất nằm trong vùng dự án rơi vào cảnh điêu đứng, khó khăn về chỗ ở. Nhiều nhà dân trong phần dự án hiện đã xuống cấp, muốn sửa chữa nhưng không được, người dân nhiều lần kiến nghị vẫn chưa được giải quyết, nên không biết xoay xở ra sao. Việc bỏ hoang đã gây ra quá nhiều hệ lụy.
“Dự án bỏ hoang gần 20 năm nay, nhưng khi người dân muốn xây dựng, cơi nới, sửa chữa lại nhà cửa đều phải xin ý kiến của địa phương. Dự án lấy đất nhiều, nhưng chỉ xây dựng có một công trình dang dở rồi bỏ không, gây lãng phí đất, lãng phí tài nguyên”, anh Bình nói.
Ông Phạm Ngô Phong (48 tuổi, ở thôn Thuận An) cho hay: “Người dân đã quá nản với kiểu bỏ dở của nhà đầu tư”. Tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, nhiều người dân địa phương cũng đã yêu cầu xã phải kiến nghị lên cấp trên kiểm tra lại năng lực của chủ dự án. Nếu chủ đầu tư không triển khai được dự án nữa thì nên thu hồi, để kêu gọi DN có tiềm lực vào đầu tư, tránh tình trạng bỏ hoang gây lãng phí này.
“Việc dự án bỏ hoang nhiều năm không chịu triển khai đã gây ra quá nhiều hệ lụy. Khách sạn xây dang dở rồi bỏ hoang trở thành điểm chích hút của nhiều thanh niên nghiện ngập, tụ điểm tệ nạn xã hội, chưa kể vấn đề ô nhiễm xung quanh dự án”, ông Phong ngao ngán.
Theo ghi nhận của PV, dự án được quy hoạch nằm sát bãi biển Bàn Than, là điểm du lịch được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tìm đến tham quan. Hiện nay, DN chỉ mới xây dựng thô được một khách sạn 2 tầng (với khoảng 20 phòng), phòng ốc bỏ trống, các cửa sổ được rào lưới thép để chắn. Bên trong bỏ không, bên ngoài cỏ mọc um tùm…
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, cho biết việc dự án bỏ hoang thời gian quá dài đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến quy hoạch, đăng ký đất đai và việc phát triển kinh tế cũng như việc phát triển du lịch của địa phương.
“Hệ lụy lớn nhất là nhà người dân nằm trong vùng dự án xuống cấp, nhưng không thể sửa chữa. Dự án thì bỏ, không chịu làm nhưng khi người dân cơi nới, sửa chữa nhà cửa thì chủ đầu tư lại có ý kiến, rồi làm đơn gửi lên tỉnh kiện lại dân. Địa phương cũng rất đau đầu về dự án này”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, nguyên nhân dự án triển khai được một thời gian rồi dừng là do DN không đủ nguồn lực để đầu tư. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị với các cấp có thẩm quyền thu hồi dự án, kêu gọi nhà đầu tư khác có năng lực vào đầu tư để tránh lãng phí nguồn lực đất đai ở vị trí đắc địa. Đồng thời, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. “Khu làm dự án là vị trí có quỹ đất đẹp nhất ở xã đảo, là khu “đất vàng”, nhưng khi giao cho DN thì họ lại triển khai kiểu nửa vời, rồi bỏ hoang gây lãng phí đất đai”, ông Hùng nói thêm.
Trong khi đó, một lãnh đạo UBND H.Núi Thành cho hay UBND huyện đã có nhiều kiến nghị với UBND tỉnh và Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) làm việc với chủ đầu tư nếu không tiến hành dự án thì có thủ tục thu hồi, giao đất lại cho các DN để tiếp tục đầu tư, phát triển xã đảo Tam Hải, tránh lãng phí.
Trả lời Thanh Niên, ông Lê Quang Triều, Phó trưởng BQL Khu kinh tế mở Chu Lai, cho biết dự án xây dựng khu du lịch sinh thái tại xã đảo Tam Hải do Công ty TNHH Việt Ngữ làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng từ năm 2005; dự kiến hoàn thành trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, đến năm 2007, chủ đầu tư chỉ xây được phần thô của khách sạn 2 tầng và một số công trình phụ trợ.
“Thời điểm 2005 mà có một dự án du lịch sinh thái quy mô như vậy là rất lớn, nó giải quyết được rất nhiều vấn đề. Nhưng dự án chậm triển khai, bỏ hoang nhiều năm. Nguyên nhân là do nguồn lực nhân sự và tài chính của chủ đầu tư không đảm bảo”, ông Triều nói.
Theo ông Triều, trong quá trình triển khai xây dựng dự án, UBND tỉnh Quảng Nam cũng như cơ quan tham mưu của tỉnh luôn hỗ trợ hết mình cho DN như tạo điều kiện giải phóng mặt bằng, giải quyết tháo gỡ về thủ tục, đảm bảo môi trường về dự án. Việc khó khăn về tài chính thì tỉnh đã hỗ trợ để DN tiếp cận ngân hàng. Đồng thời, nếu chủ đầu tư không thực hiện được thì tỉnh cũng xúc tiến cho chuyển nhượng dự án, hoặc tìm đối tác liên doanh thực hiện tránh gây ra lãng phí. Tuy nhiên, cuối cùng DN “cứ thế im lặng rồi không chịu thực hiện”.
“Họ (DN - PV) cứ kiến nghị xong rồi lại “mất hút”. Tỉnh đã tạo điều kiện hết sức rồi, dự án bỏ hoang thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư thôi. Hiện nay, dự án đã được bàn giao về cho Sở KH-ĐT quản lý, theo dõi. Trước khi bàn giao, Ban cũng kiến nghị nên thu hồi dự án, để kêu gọi nhà đầu tư khác”, ông Triều chia sẻ.
Link nội dung: https://biztoday.vn/hoang-phi-dat-vang-du-an-bi-bo-hoang-17-nam-407485.html