Thường Tín: Hàng loạt công trình vi phạm hành lang đê điều dọc sông Hồng
Nhiều công trình từ nhiều năm nay đã được xây dựng, vi phạm các quy định về đê điều
Theo ghi nhận của Dân Việt, hàng nghìn m2 đất nông nghiệp dọc tuyến đường Đông Mỹ - Vạn Phúc đã bị các hộ gia đình và các doanh nghiệp đua nhau san lấp, “hô biến” thành những công trình kiên cố, bán kiến cố có mái tôn, quây phía ngoài bằng tôn đang kinh doanh nhà hàng, siêu thị, quán cafe, quán karaoke, gara ô tô, xưởng cơ khí…với quy mô lớn mà không sự ngăn chặn kịp thời của các cấp chính quyền địa phương.
Ngoài ra, tuyến đường đê suốt chiều dài gần 3km, mái đê (phía hướng ra sông Hồng) nhà xưởng san sát, cùng với đó là quán bia hơi, nơi kinh doanh vật liệu xây dựng, vườn cây cảnh, bãi tập kết vật liệu xây dựng…
Theo tìm hiểu của phóng viên, Ninh Sở có nghề chế biến mây tre đan, đồ gỗ nên nhu cầu về mặt bằng rất lớn, nhiều hộ dân lấy hành lang đê làm nơi sản xuất kinh doanh.
Vi phạm mới vẫn tiếp tục được phát sinh
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Đạo – Chủ tịch UBND xã Ninh Sở cho biết, mới về nhận nhiệm vụ được 5 tháng.
Chủ tịch UBND xã Ninh Sở khẳng định không có các công trình vi phạm mới, còn các vi phạm tồn tại từ trước thì UBND huyện đã có chỉ đạo xử lý nên đang trong thời gian kiểm tra, báo cáo lại UBND huyện.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Dân Việt trên địa bàn vẫn có những công trình mới được xây dựng, thậm chí đang xây dựng trên đất ngoài đê và vi phạm hành lang đê.
Theo xác định của UBND huyện Thường Tín, mới đây đã có 12 trường hợp mới xây dựng trên địa bàn toàn huyện, trong đó xã Hồng Vân có 3 trường hợp, xã Thống Nhất 1 trường hợp và nhiều nhất là Ninh Sở với 8 trường hợp.
Còn tại địa bàn xã Hồng Vân, không chỉ có 3 trường hợp mới phát sinh mà còn có tới hơn 20 trường hợp các mô hình nhà vườn. Sau khi triển khai dồn điền đổi thửa, nhiều hộ kết hợp mô hình du lịch đã tự ý xây dựng nhà kiên cố trên đất nông nghiệp nhưng theo lãnh đạo UBND xã "không dễ để xử lý vi phạm".
Ông Mai Văn Ngần – Phó Chủ Tịch UBND xã Hồng Vân cho biết: Một số xã trên địa bàn huyện toàn bộ đất ngoài đê là đất nông nghiệp, chưa được cấp sổ. Riêng ở Hồng Vân thì đất ngoài đê lại có nhiều hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ lâu nhưng khi cải tạo, xây dựng lại vi phạm vào quy định của Luật Đê điều.
Việc vi phạm pháp luật đê điều, chủ yếu nằm trong hành lang thoát lũ và hành lang bảo vệ đê do khu dân cư sinh sống lâu đời. Trong đó, các hộ xây dựng nhà kiên cố trên đất ông cha để lại (thổ cư) do UBND xã chưa có khu đất tái định cư nên chưa thể di chuyển các hộ này ra khu vực an toàn, tránh vi phạm hành loang thoát lũ ngay được.
Cũng theo ông Ngần, riêng đối với các khu vực đất nông nghiệp, các hộ đang phát triển các mô hình du lịch có xây dựng nhà kiên cố trên địa bàn xã nếu muốn xử lý cũng không đơn giản. Trước đó, Hà Nội đã có chính sách khuyến khích phát triển nông thôn mới gắn với du lịch nên nhiều hộ đã đầu tư xây dựng các mô hình du lịch sinh thái, đầu tư xây dựng các công trình kiên cố này.
Tại Hội nghị Thành viên UBND huyện mở rộng của huyện Thường Tín mới đây, liên quan tới thực hiện Thông báo số kết luận số 874 ngày 01/8/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, tài nguyên khoáng sản vệ sinh môi trường, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh chỉ rõ: Qua kiểm tra, rà soát trên địa bàn huyện còn xuất hiện trường hợp vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng mới xảy ra, trong đó một số xã có vi phạm xảy ra nhưng chưa kịp thời ngăn chặn, xử lý dứt điểm.
Một số xã để xảy ra vi phạm có quy mô lớn nhưng việc xử lý vi phạm tồn tại còn chậm. Trong đó có một số trường hợp vi phạm phức tạp gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình an ninh trật tự địa phương đã chưa được giải quyết, xử lý kiên quyết, dứt điểm nên không tạo được sức răn đe.
Những vi phạm trên tiềm ẩn nguy cơ gây sạt, trượt, mất an toàn công trình đê điều, khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời sự cố...
Mặc dù Hạt Quản lý đê Thường Tín đã lập biên bản, đình chỉ hành vi vi phạm, chuyển hồ sơ đến UBND các xã để xử lý theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm này đến nay vẫn chưa được các địa phương xử lý triệt để, dù trước đó lãnh đạo UBND huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương.
Để có thêm thông tin các vi phạm về trật tự xây dựng xảy ra trên đất nông nghiệp, khu vực đê điều thuộc huyện Thường Tín, PV đã đặt lịch làm việc với UBND huyện này nhiều tuần nay nhưng chưa nhận được phản hồi.
Link nội dung: https://biztoday.vn/loat-cong-trinh-vi-pham-hanh-lang-de-dieu-doc-song-hong-doan-qua-huyen-thuong-tin-ha-noi-407777.html